Bài 1: Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chỉ huy quân sự - chính trị xuất sắc của Quân đội

Không chỉ là một cán bộ lãnh đạo cấp cao mẫu mực của Đảng, Nhà nước và Quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân còn là một vị tướng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp quốc tế cao đẹp của Đảng và dân tộc.

Nhà quân sự tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Ngay từ những năm đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đã gắn bó với lực lượng vũ trang. Vận dụng đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn sâu sát thực tiễn chiến trường, tổng kết, đúc rút, đề ra những phương châm, phương pháp tác chiến phù hợp, qua đó không ngừng trưởng thành trong thực tiễn chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc và trở thành một nhà quân sự tài năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tài thao lược của ông gắn liền với nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo Đội Tự vệ Đỏ đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Trên cương vị Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo phục hồi sau “khủng bố trắng” của thực dân Pháp (1933-1935) và tích cực tham gia cách hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong giai đoạn 1936-1939, xây dựng cơ sở và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, tạo được tiếng vang lớn, góp phần lan tỏa, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân ở nhiều địa phương trong cả nước.

Giai đoạn phục hồi sau “khủng bố trắng” của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Yên Lưu, trực tiếp là đồng chí Chu Huy Mân, phong trào ở Yên Lưu vẫn được duy trì và phát triển mạnh.

Trong giai đoạn 1937 - 1942, đồng chí nhiều lần bị địch bắt, giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man và đưa đến nhiều nhà lao, như Vinh (Nghệ Tĩnh), Đắk Glei, Đắk Tô (Kon Tum). Trong chốn lao tù, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của một người cộng sản kiên trung, tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Năm 1944, khi được cử vào Ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam và là lãnh đạo nòng cốt, đồng chí có nhiều đóng góp cho việc tập hợp lực lượng, củng cố và phát triển phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, chuẩn bị lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa dành chính quyền. Tháng 8.1945, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa của Nhân dân chiếm thành Quảng Nam, chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang hỗ trợ cho các huyện, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tại tỉnh Quảng Nam giành thắng lợi. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh khởi nghĩa thành công sớm nhất trong cả nước, góp phần thúc đẩy Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc giành thắng lợi hoàn toàn. Chính quyền Quảng Nam được thành lập, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy và được phân công làm Chính trị viên Chi đội (Tỉnh đội). Cuối năm 1945, đồng chí được Trung ương điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu C (gồm 4 tỉnh Bắc Trung bộ) sau đó lần lượt đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Quân đội và của Đảng, Nhà nước trên các mặt trận nóng bỏng, ác liệt nhất ở cả trong nước và các nước bạn Lào, Trung Quốc.

Trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, đồng chí đã phối hợp với chính quyền tỉnh Bắc Kạn chủ động chuẩn bị về mọi mặt, tổ chức đánh địch nhiều trận giành thắng lợi, góp phần buộc quân Pháp phải rút khỏi Bắc Kạn. Năm 1948, đồng chí được cấp trên điều lên Cao Bằng giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 kiêm Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Đồng chí đã tập trung lãnh đạo đơn vị vừa huấn luyện, vừa bảo đảm đời sống bộ đội, vừa sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu. Cuối tháng 8.1948, thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy, đồng chí đã chỉ huy Trung đoàn 74 sang giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng, mở rộng căn cứ địa ở vùng Tả Giang, tiến hành Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giành thắng lợi, được Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc đánh giá cao.

Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị xe tăng T54 trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng (1975). Ảnh Tư liệu: TTXVN

Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị xe tăng T54 trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng (1975). Ảnh Tư liệu: TTXVN

Tháng 8.1949, đứng trước yêu cầu của tình hình cách mạng mới, Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn lựa các trung đoàn 74, 72 và 28, lấy 3 tiểu đoàn mạnh thành lập Trung đoàn 174 (Cao - Bắc - Lạng). Đồng chí Chu Huy Mân được Bộ và Tổng Quân ủy chỉ định làm Chính trị Ủy viên, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Sự ra đời của Trung đoàn 174 cùng các đơn vị chủ lực khác đánh dấu bước trưởng thành của Quân đội ta. Năm 1950, đồng chí đã chỉ huy Trung đoàn 174 tham gia đánh trận then chốt Đông Khê và giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới.

Ngày 1.5.1951, Đại đoàn 316 được thành lập. Đồng chí Chu Huy Mân được phân công giữ các chức vụ Phó Chính ủy, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn. Trên cương vị Phó Chính ủy, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, từ Bắc Giang đến Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, đánh thắng nhiều trận, tiêu biểu là tiến công cứ điểm Đồi A1, cứ điểm C1, C2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy các trung đoàn 72, 74, 174; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần làm nên những chiến thắng Việt Bắc – Thu Đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954)..., góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tháng 5.1958, đồng chí Chu Huy Mân nhận quyết định về làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao xây dựng Tây Bắc thành vùng căn cứ địa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và cầu nối đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc Việt - Lào.

Quán triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân vào thực tiễn chiến trường, với tài năng quân sự và nhãn quan chính trị sắc sảo, đồng chí luôn có những dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường để xác định cách đánh phù hợp. Đồng chí đã chỉ đạo lực lượng vũ trang tích cực thực hiện phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng "hai chân", "ba mũi giáp công" trên cả ba vùng chiến lược. Đồng chí luôn bám sát thực tế chiến trường để kịp thời hướng dẫn, chỉ thị cho các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp chiến đấu. Nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), quân sự (ba thứ quân) là một trong những phát triển sáng tạo, độc đáo, nổi bật của chiến tranh cách mạng Việt Nam và của quân dân Khu 5, trong đó có sự đóng góp của đồng chí Chu Huy Mân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của địch. Khu 5 là địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội, như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng. Khu 5 cũng là chiến trường đồng chí đã tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), bắc Bình Định (1972), chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)..., góp phần cùng quân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những phát kiến độc đáo, mang tính đột phá chiến lược trong lãnh đạo xây dựng, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, phát động toàn dân quyết tâm đánh giặc của đồng chí Chu Huy Mân cùng các đồng chí trong Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những bài học kinh nghiệm quý còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục tham gia công tác trong Quân đội. Đồng chí Chu Huy Mân đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, đồng thời trực tiếp lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, chăm lo xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy và từng bước hiện đại”.

Người chiến sĩ quốc tế trong sáng

Không chỉ là một cán bộ lãnh đạo cấp cao mẫu mực của Đảng, Nhà nước và quân đội, đồng chí Chu Huy Mân còn là một vị tướng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp quốc tế cao đẹp của Đảng và dân tộc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng Trung đoàn 74 tham gia giúp cách mạng Trung Quốc tiêu diệt quân Tưởng Giới Thạch, mở rộng căn cứ địa Hoa Nam (năm 1948) và sát cánh cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (năm 1949). Những thắng lợi này đã góp phần vào thắng lợi chung trong sự nghiệp giải phóng Trung Quốc, góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa Nhân dân hai nước. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thắng lợi đó biểu thị tinh thần quốc tế trong sáng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có đóng góp quan trọng của Chính ủy Chu Huy Mân.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Chu Huy Mân đã nhiều lần được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách sang giúp cách mạng Lào. Đặc biệt trong thời gian 1954 - 1957 và 1960 - 1961, hai lần đồng chí được cử làm Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn cố vấn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào, trong lần thứ hai, đồng chí làm Tổng cố vấn cho Chính phủ liên hiệp phái hữu do Hoàng thân Sauvanna Phoumalàm Thủ tướng. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là mình tự giúp mình”, với tư duy sắc sảo về chính trị, quân sự và kinh nghiệm dày dạn qua nhiều năm làm công tác lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu ở Việt Nam, đồng chí đã góp phần quan trọng giúp cách mạng Lào không ngừng phát triển và giải quyết thành công các nhiệm vụ công tác trọng tâm, cơ bản, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và chiến đấu. Đồng chí đã đóng góp công lớn trong việc xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Pathét Lào; củng cố Chính phủ cách mạng Lào và giúp bạn tổ chức những trận đánh lớn giành được thắng lợi vẻ vang. Bằng những hoạt động của mình, đồng chí đã góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị, liên minh chiến đấu đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào.

Đối với nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, đồng chí luôn quán triệt để bộ đội nhận thức rõ nguồn gốc cuộc chiến tranh, sự chính nghĩa của ta và mối quan hệ giữa Nhân dân hai nước. Đồng chí thường căn dặn: “phải luôn nắm vững tinh thần quan điểm đoàn kết quốc tế của Đảng, quán triệt tốt ý thức chăm lo xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân ba nước anh em... phải chú trọng tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử quân đội mỗi nước thể hiện tinh thần hết sức khiêm tốn, học tập lẫn nhau, tôn trọng tinh thần độc lập tự chủ của bạn, không được có thái độ áp đặt khi giới thiệu kinh nghiệm của quân đội ta cho bạn... phải quán triệt quan điểm giúp bạn là tự giúp mình, nhận phần khó về mình, cố gắng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của bạn đặt ra”[1].

Đồng chí Chu Huy Mân đã tỏ rõ tài năng, sự sáng tạo đầy bản lĩnh với sự quyết đoán cao của nhà lãnh đạo quân sự - chính trị toàn diện, đã hoàn thành mọi nhiệm vụ quốc tế rất khó khăn, phức tạp mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho. Thành công đó biểu thị tinh thần quốc tế trong sáng của "Bộ đội Cụ Hồ", phẩm chất cao quý của nhà chỉ huy quân sự - chính trị xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam: Đồng chí Hai Mạnh - Chu Huy Mân.

___________

[1] Đại tướng Chu Huy Mân, nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi ký), tr.126-127.

Nguyễn Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bai-1-dai-tuong-chu-huy-man-nha-chi-huy-quan-su-chinh-tri-xuat-sac-cua-quan-doi-i318910/