Bài 1: Đề cương như ngọn đuốc soi đường cho cách mạng

Năm 1943, 'Đề cương về văn hóa Việt Nam' do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo ra đời, khi đất nước vẫn chưa giành được độc lập, cho thấy tầm nhìn xa của Đảng về văn hóa (VH). 80 năm đã qua, văn bản được xem là tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về VH Việt Nam vẫn là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta vượt qua thách thức, giành được độc lập dân tộc, đưa nước ta hội nhập với thế giới. Đề cương về VH Việt Nam là sự khai phá, mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận VH ở Việt Nam, để làm cơ sở xây dựng một nền VH hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc…

Sau 80 năm, có những nội dung và khái niệm đã thay đổi nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về VH Việt Nam 1943 mang tầm cương lĩnh vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, đặt ra yêu cầu nghiên cứu và triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị VH và chuẩn mực con người Việt Nam…

Tầm nhìn xa

Đề cương về VH Việt Nam ra đời năm 1943, soi đường cho những vấn đề cốt lõi về VH, xác định ba nguyên tắc của nền VH cách mạng Việt Nam: "Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa". Yêu cầu "Dân tộc hóa" được đặt lên hàng đầu là chống lại ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, đưa VH Việt Nam phát triển độc lập. "Đại chúng hóa" là gần gũi với nhân dân, không xa rời quần chúng. "Khoa học hóa" là chống tất cả những gì làm cho VH trái khoa học, phản tiến bộ, phản khoa học.

Đề cương về VH Việt Nam đã trở thành ngọn đuốc soi đường, mở ra thời đại mới trong văn học nghệ thuật, biến văn hóa văn nghệ (VHVN) trở thành vũ khí sắc bén, khơi dậy sức mạnh tinh thần của cả dân tộc để chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Đề cương đã làm thức tỉnh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân, là cơ sở để trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước "nhận đường", tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng, góp sức cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Rất nhiều những văn nghệ sĩ đã "nhận đường" theo kháng chiến, sáng tác phục vụ kháng chiến, như các danh họa Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên...; các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Văn Cao... Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam càng trưởng thành, có những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến của dân tộc, làm phong phú cho nền VHVN của đất nước.

Bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943

Bản "Đề cương về văn hóa Việt Nam" do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943

80 năm đã qua, "Đề cương về VH Việt Nam" năm 1943 vẫn vẹn nguyên giá trị dẫn đường, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng. Năm 1983, kỷ niệm 40 năm Đề cương về VH Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh đã phân tích: "Vì trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu sắc các vấn đề liên quan tới cách mạng VH Việt Nam... Nhưng Đề cương về VH Việt Nam đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của VH Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, trong điều kiện lúc đó của Việt Nam. Vận dụng và bổ sung, phát triển những tư tưởng, quan điểm, nội dung của Đề cương về VH Việt Nam cần phải dựa trên quan điểm Mác-xít, lịch sử cụ thể, biện chứng để thấy những mặt mạnh, những đóng góp quan trọng cần tiếp tục phát huy và cả những hạn chế, bất cập để điều chỉnh phù hợp".

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến VH. Chỉ một tháng sau thành công của Cách mạng Tháng 8, dù công việc bộn bề, thù trong giặc ngoài đang bủa vây nhưng ngày 07-10-1945, chính quyền cách mạng đã tổ chức Tuần lễ VH tại Hà Nội với hơn 200 đại biểu tham dự.

Tại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có phát biểu rất ấn tượng: "...VH là một cấu trúc thượng tầng. Nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, VH mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển. Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua một thời kỳ tranh đấu cực kỳ khổ sở. Giới VH cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em VH đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên".

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 như một ngọn đuốc, nền tảng để soi đường cho cả dân tộc chúng ta đi lên

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 như một ngọn đuốc, nền tảng để soi đường cho cả dân tộc chúng ta đi lên

Tiếp đến, tại Hội nghị VH toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "VH soi đường cho quốc dân đi". Đến Hội nghị VH toàn quốc lần thứ hai năm 1948, Bác kêu gọi "kháng chiến hóa VH", "VH hóa kháng chiến" để khẳng định vai trò to lớn của VH trong sự nghiệp cách mạng.

Đề cương về VH Việt Nam năm 1943 là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận VH ở Việt Nam. Trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn về lý luận và thực tiễn. Kế tục nền tảng cơ bản đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng khẳng định, xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền VH ấy có thể hiểu là sự kế thừa và phát huy nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa của Đề cương về VH Việt Nam năm 1943: "VH là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".

Phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam

Năm 2021, Hội nghị VH toàn quốc được tổ chức vào ngày 24-11 đã mang một ý nghĩa rất quan trọng, khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, lâu nay VH chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò "soi đường cho quốc dân đi". Mượn lời tiền nhân: "VH là bản sắc của dân tộc, VH còn thì dân tộc còn, VH mất thì dân tộc mất", Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm "VH còn thì dân tộc còn", VH làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất VH là mất dân tộc. Vấn đề cấp thiết hiện nay là chấn hưng VH, để VH "soi đường đường cho quốc dân đi" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" Ảnh: TTXVN

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" Ảnh: TTXVN

Với tư duy, nhận thức ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên nền tảng "Đề cương về VH Việt Nam" năm 1943 của Đảng, VH Việt Nam thời kỳ đổi mới có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Các nghị quyết, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về VH được thể chế hóa, luật hóa thuận lợi cho việc thực thi đường lối của Đảng về VH trong hoạt động thực tiễn.

Sau 80 năm, có những nội dung và khái niệm đã thay đổi nhưng giá trị cốt lõi của Đề cương về VH Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Thời chiến tranh, VH thành vũ khí đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thì nay VH trở thành nguồn lực, tài sản. VH giúp khẳng định thương hiệu du lịch của nhiều địa phương, tạo sinh kế cho người dân; khẳng định giá trị của dân tộc, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Đảng ta đã khẳng định VH là nền tảng tinh thần của xã hội và đồng thời cũng là một nguồn lực nội sinh trọng yếu cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; phát triển VH gắn bó mật thiết với phát triển con người Việt Nam; phải đặt VH ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Trong giai đoạn hiện nay của đất nước, yêu cầu tập trung nghiên cứu và triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị VH và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Tiếp tục huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và của toàn xã hội cả trong và ngoài nước để đầu tư cho phát triển VH. Mặt khác, cần chăm lo xây dựng VH trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và đoàn thể. Xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ cương, tự do cá nhân gắn liền với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức.

Coi trọng xây dựng VH trong kinh tế, phát huy vai trò chủ thể trung tâm là con người trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng VH doanh nghiệp, VH doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật; giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

(Còn tiếp...)

XUÂN NHÂN - DUY LUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/de-cuong-nhu-ngon-duoc-soi-duong-cho-cach-mang_144149.html