Bài 1: Để văn hóa trở thành nguồn lực

Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi.

Du khách tham quan Tòa thánh Tây Ninh (ảnh: Đại Dương) chụp trước năm 2021

Du khách tham quan Tòa thánh Tây Ninh (ảnh: Đại Dương) chụp trước năm 2021

Ngày 24.11.2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng tổ chức tại Hà Nội. Tính từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 và lần thứ hai tổ chức năm 1948, đây là hội nghị quy mô lớn nhất, có tầm quan trọng đặc biệt.

Nói đến văn hóa Việt Nam trước hết phải nói tới nền tảng tinh thần, là ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường.

Từ năm 1946 đến nay, tròn 75 năm mới có ba lần hội nghị toàn quốc về văn hóa. Cột mốc thời gian đủ cho thấy ý nghĩa của sự kiện này như thế nào. Ngày nay, trong một thế giới đầy biến động, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ đã tạo ra những bước tiến nhảy vọt. Có người so sánh rằng, chỉ trong 50 năm qua, con người tạo ra của cải giá trị vật chất bằng 5 ngàn năm trước đó. Tất cả những thành tựu vĩ đại của loài người đều được tạo ra bởi văn hóa.

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, GS. TSKH Vũ Minh Giang- chuyên gia sử học, nhà khoa học công tác tại Đại học quốc gia Hà Nội khẳng định, văn hóa là nền tảng của phát triển bền vững. Sau khi dẫn ra nhiều quan niệm, định nghĩa về văn hóa, Giáo sư Vũ Minh Giang cho biết, ở Việt Nam, từ năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên quan điểm: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo, phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày...”.

Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó chính là văn hóa. GS Vũ Minh Giang nhận xét, định nghĩa về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là một định nghĩa khá hoàn chỉnh, sát hợp với thực tế, đồng thời bao quát được cả những quan điểm hiện đại sau này về văn hóa.

Nền tảng tinh thần

Dẫn chứng về những thành công vượt bậc của một số quốc gia châu Á, GS. Vũ Minh Giang cho biết, trên thế giới không ít quốc gia thành công trong sự phát triển đất nước khi biết dựa trên nền tảng văn hóa. Kinh nghiệm của Nhật Bản rất đáng đưa ra để phân tích.

Vào cuối thế kỷ XIX, trước thực trạng đất nước lạc hậu, những nhà cải cách tiên phong trong giai đoạn đầu đã đưa ra chủ trương “thoát Á nhập Âu” với tâm trạng đầy mặc cảm về sự tụt hậu của dân tộc Nhật. Họ coi mọi thứ của châu Âu đều là chuẩn mực của văn minh.

Thậm chí, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên thời Minh Trị, ông Mori Arinori đã đưa ra đề xuất táo bạo: bãi bỏ tiếng Nhật và chuyển sang dùng tiếng Anh trong tất cả các trường với suy nghĩ chỉ có giỏi tiếng Anh, người Nhật mới có thể đuổi kịp châu Âu.

Chủ trương này đã làm dấy lên làn sóng tranh luận quyết liệt trong giới trí thức và phản ứng dữ dội của xã hội. Kết cục sau đó là sự thắng thế của quan điểm “tinh thần Nhật Bản, phương tiện châu Âu”. Nhật Bản, sau đó trở thành cường quốc. Văn hóa chính là nền tảng cho bước nhảy ngoạn mục này. Chính vì vậy, mặc dù là quốc gia hiện đại, song Nhật Bản đặc biệt coi trọng văn hóa truyền thống.

Bài học thứ hai cũng đến từ châu Á. Đó là “Kỳ tích sông Hàn”- một cụm từ khái quát sự biến đổi thần kỳ của Hàn Quốc, từ một đất nước nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá nặng nề biến thành một “con rồng”, và đến giữa thập niên 1990, người Hàn Quốc có một khẩu hiệu nổi tiếng: “Hãy biến tất cả những gì người Hàn có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế”.

Nhật Bản, Hàn Quốc luôn coi văn hóa là sức mạnh trong thời đại toàn cầu hóa. “Từ lý luận đến kinh nghiệm thực tế có thể thấy, chỉ có thể phát triển bền vững khi đứng vững trên nền tảng văn hóa, hay nói cách khác là phải biết mình, biết người và khai thác tối đa những gì mình có mới áp dụng được tối đa những gì mình học và vươn lên, sánh vai với thế giới”- vị giáo sư nêu.

Để biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên, theo GS. Vũ Minh Giang, là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết, phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa, mà đó là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc.

Khi ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Trung ương đã nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, song, khâu thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, khi đánh giá, Bộ Chính trị đã đưa ra những kết luận hết sức quan trọng. Theo đó, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Một số chủ trương, quan điểm nêu trong Nghị quyết 33 chậm được thể chế, chưa có những chiến lược, giải pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hóa. Chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hóa.

Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa. Việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm. Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên, có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

Đánh giá đúng

GS. Vũ Minh Giang cho rằng, phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa. Trước hết, đó là những trở ngại trước các thói quen, tập tính và hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Một trong những nhược điểm lớn, gây rất nhiều tai hại là không có thói quen nhìn xa, là tâm lý “ăn xổi”. Suy cho cùng, thói quen này cũng là biểu hiện của những tàn dư lịch sử. Nếu không có nhận thức thật sâu sắc để có biện pháp khắc phục hữu hiệu thì đây là một cản trở lớn cho sự phát triển. Trong thời đại ngày nay, người ta trù liệu trước cho sự phát triển ít nhất vài chục năm.

Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi.

Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên, có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm “sống dậy” các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một quốc gia có nền văn minh lâu đời, rực rỡ, có truyền thống dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng và vô vàn những di tích quý giá. Tuy nhiên, đến nay, những di sản này chưa được khai thác hiệu quả.

Khái quát hóa, GS. Vũ Minh Giang nhận định, nói đến văn hóa Việt Nam, trước hết phải nói tới nền tảng tinh thần, là ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập, tự cường. Đây là nội dung cực kỳ quan trọng của văn hóa Việt Nam, là yếu tố cấu thành phẩm chất của con người Việt Nam.

Nền tảng này đã được thể hiện rõ trong những lần Việt Nam phải đối phó với họa xâm lăng từ bên ngoài. Tinh thần dân tộc cao sẽ là động lực và sức mạnh thúc đẩy một dân tộc vươn tới đỉnh cao. Vấn đề đặt ra hôm nay cho Việt Nam, là làm thế nào để động viên được cao nhất sức mạnh này trong công cuộc xây dựng đất nước và cạnh tranh quốc tế.

Một trong những nét đặc sắc của con người Việt Nam là tính cách mềm dẻo, cởi mở và dễ hội nhập. Đây là một yếu tố hết sức thuận lợi trong hoàn cảnh ngày nay, khi thế giới ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập, chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng có xu hướng rút ngắn.

Trong khi đó, văn hóa của chúng ta đa dạng, phong phú, hết sức độc đáo, đây là lợi thế lớn cho Việt Nam trong thời kỳ chủ động hội nhập này. Những nước công nghiệp hóa sau không chỉ có điều kiện đi tắt, đón đầu về công nghệ hiện đại hóa mà còn có đầy đủ kinh nghiệm của các nước đi trước để học tập.

Nhưng điều có ý nghĩa quan trọng hơn trên phương diện bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống là chúng ta vẫn còn kịp. Nếu có sự nhận thức sáng suốt và đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, xứng với tầm vóc lịch sử của dân tộc và có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế.

Việt Đông

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-de-van-hoa-tro-thanh-nguon-luc-a139647.html