Bài 1: Độc đáo không gian văn hóa người Hà Nhì

Nhắc đến những bản Hà Nhì ở các xã vùng cao huyện Bát Xát như Y Tý, Trịnh Tường, Nậm Pung, du khách khắp nơi không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của rừng cây cổ thụ, ruộng bậc thang, đặc biệt là những ngôi nhà đất tuyệt đẹp, cùng bản sắc dân tộc độc đáo của người Hà Nhì đen nơi đây. Tuy nhiên, những năm gần đây, không gian văn hóa mang đậm bản sắc ấy đang có nguy cơ bị phá vỡ bởi tiến trình đô thị hóa.

Trăn trở bảo tồn không gian văn hóa bản Hà Nhì

Ấn tượng bản “nhà nấm”

Tháng 7 năm nay thời tiết khó chịu hơn mọi năm, bởi mưa nắng thất thường, nhiệt độ khu vực thành phố Lào Cai có khi lên tới 38 - 39 độ C. Vậy mà ở thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Trịnh Tường (Bát Xát) hơn 20 km, sớm chiều vẫn chìm trong biển sương, không khí mát dịu như mùa thu. Vào những ngày mưa, dù giữa mùa hè nhưng đồng bào Hà Nhì ở đây khi ra ngoài làm việc vẫn mặc áo khoác chẳng khác gì đang mùa đông.

Người Hà Nhì ở xã Y Tý tổ chức lễ hội Khô Già Già cầu cho mùa màng bội thu.

Người Hà Nhì ở xã Y Tý tổ chức lễ hội Khô Già Già cầu cho mùa màng bội thu.

Cái đặc biệt ở Lao Chải không chỉ có thời tiết mà là khung cảnh bản làng của đồng bào Hà Nhì rất độc đáo. Sương mù vừa tan, hiện ra trước mắt là những ngôi nhà với kiến trúc hình vuông, vách đất dày 40 - 50 cm, chân tường kè đá rất đẹp. Ấn tượng nhất là mái nhà lợp bằng cỏ dày qua nhiều năm tháng rêu phủ xanh rì trông hoang sơ, cổ kính như những ngôi nhà trong truyện cổ tích.

Anh Sần Thó Suy, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, người con của dân tộc Hà Nhì nơi đây, tâm sự: Từ xa xưa, người Hà Nhì thường sống trên những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ, gió lộng, khí hậu lạnh giá, nên sáng tạo ra kiến trúc nhà đất có tường dày, lợp 4 mái khép kín, cửa chính và cửa sổ đều nhỏ để tránh sương gió lùa, mưa tuyết. Những ngôi nhà mái cỏ rêu phong cổ nhất thôn là của các gia đình: Lý Xe Có, Ly Khờ Sì, Phàn Sùng San, Lý Hờ Sa…

Không chỉ ở thôn Lao Chải (xã Trịnh Tường), trong những chuyến công tác đến các thôn Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2 của xã Nậm Pung, chúng tôi cũng có cảm giác như lạc vào những bản “nhà nấm” trong truyện cổ tích. Hàng chục ngôi nhà đất của đồng bào Hà Nhì như những cây nấm đất khổng lồ san sát bên nhau.

Từ trên cao nhìn xuống, bản Hà Nhì giống như tổ ong đất tầng tầng lớp lớp với những khung cửa gỗ cùng quay về một hướng. Khi bình minh lên, làng Hà Nhì với những bức tường đất sáng lên trong nắng và sương hồng tạo thành bức tranh thơ mộng, bình yên và tuyệt đẹp giữa núi rừng.

Độc đáo không gian văn hóa Hà Nhì

Những ngôi nhà nấm với kiến trúc độc đáo tạo ra nét riêng biệt cho các thôn bản dân tộc Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát không thể pha trộn với bất cứ dân tộc nào khác. Tuy nhiên, để làm nên không gian văn hóa làng Hà Nhì còn có nhiều yếu tố quan trọng khác.

Lao Chải 1 là thôn gốc của người Hà Nhì xã Y Tý, bởi trên hành trình thiên di từ phương Bắc xuống cách đây khoảng 300 năm, người Hà Nhì đã chọn nơi này để định cư. Không khó để nhận thấy bản Hà Nhì xinh đẹp nằm tựa lưng vào dãy núi với khu rừng già cổ thụ xanh thẫm, nhìn ra xa là cánh đồng ruộng bậc thang uốn quanh tuyệt đẹp.

Thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường vẫn còn những ngôi nhà lợp mái cỏ rêu phong.

Thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường vẫn còn những ngôi nhà lợp mái cỏ rêu phong.

Già làng Ly Seo Chơ nhả khói thuốc lào trắng xóa, lim dim đôi mắt tâm sự: Theo phong tục, người Hà Nhì chọn đất lập thôn yếu tố đầu tiên là phải có đủ 4 khu rừng thiêng để thực hiện các nghi lễ thiêng liêng như cúng rừng Gạ Ma Do, Thứ Tỷ (tháng Giêng), lễ cúng Mu Thu Do (tháng Ba), A Gơ Lạ Do. Người Hà Nhì luôn có ý thức bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt, không ai được phép vào rừng thiêng lấy cây, bẻ cành khi chưa được phép, nên hàng trăm năm qua những khu rừng luôn xanh tốt.

Trong làng người Hà Nhì thường có những dòng suối chảy róc rách đêm ngày không bao giờ cạn. Trên dòng suối đó, trước đây khi chưa có máy xay xát thóc, người Hà Nhì đã sáng tạo ra chiếc cối nước nhằm tận dụng sức nước để giã gạo. Ngày nay, ở một số bản làng Hà Nhì xa xôi như thôn Kin Chu Phìn 2 (xã Nậm Pung), thôn Lao Chải (xã Trịnh Tường) vẫn còn những chiếc cối nước độc đáo. Tiếng chày giã gạo thậm thịch suốt đêm ngày cùng với tiếng suối chảy róc rách tạo nên những âm thanh yên bình, thân thuộc.

Nói người Hà Nhì không thể sống thiếu rừng, nguồn nước, ruộng bậc thang quả không sai. Ở đâu có người Hà Nhì là ở đó bạt ngàn ruộng bậc thang. Từ xa xưa, tổ tiên người Hà Nhì đã xẻ núi dẫn nước, bạt đồi làm ruộng bậc thang trồng lúa, tạo nên những kỳ quan vĩ đại trên lưng chừng núi. Quần thể ruộng bậc thang kỳ vĩ tuyệt đẹp trong thung lũng Thề Pả (xã Y Tý), xã Ngải Thầu do người Hà Nhì và người Mông là “tác giả” đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia vào tháng 10/2015.

Những nghi lễ đậm bản sắc dân tộc

Sinh sống giữa đại ngàn mênh mông, người Hà Nhì trong các bản làng có tính cộng đồng sâu sắc, được gắn kết chặt chẽ với nhau bởi tín ngưỡng, phong tục, tập quán lâu đời. Chúng tôi đến thôn Lao Chải 1 đúng dịp đồng bào Hà Nhì tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội Khô Già Già - nghi lễ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sương chưa tan, cánh trai tráng trong bản đã rậm rịch rủ nhau đi cắt cỏ về lợp lại lán thờ ở rừng công viên. Ngày hôm sau, khi mặt trời lên cao, những chàng trai Hà Nhì lực lưỡng vật đổ chú trâu mộng, đợi thầy cúng lấy nắm cỏ tươi cho vào miệng trâu làm lý trước khi hóa kiếp trâu hiến tế thần linh. Thịt trâu được chia đều cho các nhà để cúng tổ tiên và chuẩn bị mâm cỗ cúng chung ở lán thờ, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Trong dịp này, thầy cúng cũng làm lễ ở đu quay, đu dây, sau đó bà con trong làng được nghỉ để vui chơi lễ hội.

Quang cảnh tổ 5, thôn Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung cách đây 5 năm.

Quang cảnh tổ 5, thôn Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung cách đây 5 năm.

Chu Che Xá, Trưởng thôn Lao Chải 1 dù còn trẻ, nhưng rất am hiểu về những phong tục của tổ tiên cho biết: Những nghi lễ quan trọng của người Hà Nhì đều được cả cộng đồng tự giác tham gia tạo nên sự đoàn kết, gắn bó với nhau. Tháng Giêng có lễ cúng nguồn nước thiêng, lễ cúng rừng thiêng Gạ Ma Do, tết thiếu nhi; đến tháng 3 có lễ cúng Mu Thu Do cầu cho mưa thuận, gió hòa, hạt lúa nảy mầm; tháng 6 người Hà Nhì tưng bừng tổ chức lễ hội Khô Già Già cầu mùa màng bội thu; tháng 11 thu hoạch lúa xong đón tết sớm Ga Tho Tho; tháng 12 chuẩn bị đón Tết cổ truyền… Các nghi lễ đó thường được tổ chức trong một không gian thiêng liêng đậm bản sắc văn hóa. Mấy năm trở lại đây, ngày càng có nhiều du khách quốc tế và trong nước đến thôn Lao Chải 1 để tìm hiểu, khám phá phong tục độc đáo của người Hà Nhì.

Chị Nguyễn Thị Nhung, du khách từ Hà Nội đến tham quan thôn Lao Chải 1 cho biết: Lần đầu đến thăm làng người Hà Nhì, mình rất ấn tượng, không gian văn hóa mang nét riêng của người Hà Nhì cùng những phong tục độc đáo. Đồng bào Hà Nhì thân thiện, cuộc sống ở đây rất bình yên.

Trên thực tế, không chỉ ở thôn Lao Chải 1, mà ở nhiều thôn, bản Hà Nhì khác trên vùng cao Bát Xát, người Hà Nhì đã sáng tạo ra một không gian văn hóa độc đáo gắn liền với bản sắc văn hóa của dân tộc. Điều đáng nói là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đó không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, bản sắc, mà đã và đang biến thành sản phẩm du lịch, giúp các bản làng Hà Nhì trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Bài 2: Nguy cơ phá vỡ không gian văn hóa bản Hà Nhì

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/bai-1-doc-dao-khong-gian-van-hoa-nguoi-ha-nhi-z8n20190907150127221.htm