Bài 1: Dự án dở dang, người dân điêu đứng
Năm 2004, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 390 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Tiểu khu đô thị (TKĐT) số 3 thuộc khu đô thị (KĐT) mới Lào Cai - Cam Đường (giai đoạn 2004-2010) với tổng diện tích quy hoạch 33ha.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 20 năm, dự án vẫn dở dang khiến nhiều hộ dân sống trong phần đất của dự án đứng ngồi không yên. Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện dự án, cơ quan chức năng đã để xảy ra nhiều sai phạm nhưng người dân lại là người phải hứng chịu những hệ lụy này…
Cuộc sống bị đảo lộn
Sau khi UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết TKĐT số 3, ngày 20/5/2010, UBND TP Lào Cai ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổng thể bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án. Tiếp đến, ngày 27/11/2013, UBND TP Lào Cai phê duyệt phương án giao đất tái định cư TKĐT số 3 cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Thời điểm này, trách nhiệm thực hiện GPMB thuộc về doanh nghiệp là chủ đầu tư. Trong đó, Công ty cổ phần Nam Tiến được UBND tỉnh Lào Cai lựa chọn là chủ đầu tư thực hiện.
Năm 2013, dự án đã cơ bản được thực hiện về thu hồi đất với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức xét duyệt tư cách bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, vì nhiều lý do khác nhau, yêu cầu của một số hộ dân trong vùng dự án không được đáp ứng. Công ty cổ phần Nam Tiến đã bị các hộ dân phản đối, ngăn cản thi công, khiếu nại tập thể đến các cấp, các ngành, do vậy công tác bồi thường, GPMB kéo dài, đến nay vẫn chưa đi vào hồi kết.
Kể từ khi có dự án đến nay, khi TP Lào Cai nói riêng và cả tỉnh Lào Cai nói chung ngày càng phát triển, các KĐT, dự án đầu tư xây dựng được triển khai ngày một nhiều. Khi mà những diện tích xung quanh đã mọc lên các khu biệt thự, dãy liền kề cùng các cao ốc, thì diện tích đất còn lại chưa GPMB của dự án TKĐT số 3, tại TDP số 21, phường Bắc Cường như "ao tù", mỗi trận mưa lớn là rơi vào cảnh ngập úng, xung quanh nước bao vây, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, vô cùng khó khăn.
Trong căn nhà cấp 4 được xem là "lâu đời" nhất còn sót lại nơi đây, ông Phạm Thanh Ngọc (SN 1952, ở TDP số 21, phường Bắc Cường) không khỏi buồn bã chỉ cho phóng viên những hàng ngói xô lệch, những vạt mái nhà bị nắng xuyên thủng xuống nền bởi thời gian làm cho xuống cấp hay những chiếc cột nhà mục nát. Ngôi nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào nếu như mưa bão lớn bất ngờ ập đến. Bao nhiêu lần gia đình ông Ngọc làm đơn lên phường xin cải tạo nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì hiện ngôi nhà đang nằm vào đất dự án.
"Nhiều lần lãnh đạo phường và thành phố xuống kiểm tra, giải quyết sự việc cũng khẳng định, ngôi nhà của gia đình tôi được xem cổ nhất của TP Lào Cai, ấy thế mà muốn sửa chữa những chỗ hư hỏng để ở, để bảo tồn thì những người có trách nhiệm lại kêu khó, rồi tìm cách lảng tránh không cho. Cho dù ngôi nhà có hư hỏng, sập xuống đấy thì gia đình chúng tôi cũng không chịu đi nơi khác vì việc đền bù, GPMB còn chưa được thực hiện đúng quy định pháp luật", ông Ngọc nói.
Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1983, con dâu ông Ngọc) ở cách vài nhà cũng không giấu nổi bức xúc: "Ngày nắng không sao, khi mùa mưa tới thì cả khu chìm trong biển nước. Nước ngập đến lưng nhà, chuồng trại hoa màu cũng theo nước trôi đi. Một số gia đình hiện đang sống trong khu vực ở không được, đi cũng không xong. Đất ruộng để cấy hái cũng không có, nuôi con lợn, con gà cũng không được vì chuồng trại ngập trắng".
Gần 20 năm gõ cửa… chính quyền!
Chung cảnh như những người dân còn sót lại ở khu đất này, bà Trần Thúy Lan (SN 1959, ở TDP số 22, phường Bắc Cường) cho biết, gần 20 năm qua, bà và nhiều người dân luôn mong mỏi chính quyền thực hiện việc thu hồi đất cho dự án đền bù đúng theo quy định. Thế nhưng, qua nhiều đời lãnh đạo cũng không giải quyết dứt điểm cho người dân. Gần 20 năm mải miết đi đòi quyền lợi, tìm sự công bằng của bà đến nay vẫn rơi vào vô vọng.
Theo những hộ dân nơi đây, nguyên nhân dẫn đến việc họ không đồng tình chuyển đi là do phương án bồi thường GPMB, tái định cư chưa phù hợp, việc áp dụng triển khai có nhiều sai phạm. Các sai phạm này đã được cơ quan chức năng (Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Lào Cai) chỉ ra, trong đó có nội dung người có đất bị thu hồi thì không có đất tái định cư, người không có đất thì lại có tên trong danh sách được hưởng chính sách tái định cư một cách vô căn cứ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Công Hoan - Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Cường cho biết, những khó khăn, vất vả của người dân TDP 21 có trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND phường. Phường cũng rất đồng lòng, thấu hiểu cùng các hộ dân tại đây, do chưa thể hoàn thành công tác GPMB, đất lại thuộc khu vực quy hoạch nên không thể tiến hành cấp sổ hay cho phép người dân tu sửa, xây dựng nhà cửa được. Mọi thứ phải giữ nguyên hiện trạng như đã kiểm đếm.
Cũng theo lãnh đạo UBND phường Bắc Cường, phường đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan cấp trên nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhiều đêm mưa lớn, chỉ sau thời điểm mưa khoảng 1 giờ, anh em cán bộ phường lại phải túc trực, huy động nhân lực, vật lực để cùng bà con chống ngập. Hôm nào mưa sớm thì anh em cùng người dân còn được về nghỉ, chứ mưa muộn thì cả đoàn cùng người dân phải thức trắng đêm.
Thông tin thêm về nguyên nhân khiến dự án đến nay chưa thể tiếp tục triển khai, hoàn thiện, lãnh đạo UBND phường Bắc Cường cho biết, do dự án đã kéo dài quá lâu, trải qua thời gian áp dụng nhiều văn bản luật, lại vướng phải nhiều sai phạm, không được sự ủng hộ của người dân nên chưa có mức giá bồi thường GPMB. Chính quyền địa phương đang đợi UBND tỉnh phê duyệt mức giá áp dụng thu hồi, hỗ trợ khi GPMB và giao đất tái định cư để có thể đưa các hộ dân về nơi ở mới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến việc người dân nằm trong vùng đất quy hoạch không đồng tình chuyển đi là do phương án bồi thường GPMB, phương án tổ chức tái định cư chưa phù hợp, việc áp dụng triển khai có nhiều sai phạm.
Cụ thể, thời điểm tiến hành GPMB, thu hồi đất thời kỳ 2015 - 2016, tại khu vực quy hoạch triển khai dự án TKĐT số 3 xuất hiện rất nhiều cá nhân là người lạ, sinh sống ở khu vực khác (huyện khác, thậm chí là những người ở các tỉnh khác) đến mua một phần diện tích đất ở đây. Những diện tích họ hỏi mua thường rất nhỏ, hoặc mua diện tích lớn sau đó thực hiện chia tách, chuyển nhượng, giao dịch luôn những thửa đất đã được chia nhỏ này. Từ đó nhằm hưởng quyền nhận đất giao tái định cư khi bị thu hồi đất.
"Thời điểm đó, cứ có đất bán là họ mua, bất kể là đất nông nghiệp hay đất ở; đất có nhà hay không có nhà. Nếu không có nhà thì sau khi mua, họ sẽ xây dựng ngay một phần diện tích chỉ bằng cái chuồng lợn của nhà khác, không sinh sống nhưng sau đó vẫn được giao đất tái định cư. Còn chúng tôi đã ở đây rất lâu năm, đất ông cha để lại, đến khi làm thủ tục tặng cho, sang tên để xin đất tái định cư thì lại không được thành phố chấp thuận. Có trường hợp hồ sơ giống hệt nhà tôi được cấp đất trong khi nhà tôi thì lại không được", bà Trần Thúy Lan chia sẻ.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/bai-1-du-an-do-dang-nguoi-dan-dieu-dung-i701371/