Bài 1: Du lịch gia đình, xu thế tất yếu

Căn cứ vào hình thức tổ chức, cùng với du lịch theo đoàn và du lịch cá nhân thì hiện nay loại hình du lịch gia đình đang là một xu thế phát triển nhanh ở Việt Nam. Dự báo vào năm 2020, xu thế du lịch gia đình tiếp tục sẽ tăng cao, hứa hẹn mang lại nguồn thu không hề nhỏ cho người dân các địa phương và ngành Du lịch.

Nếu những yếu kém trong quản lý, phát triển hạ tầng và cơ sở du lịch được khắc phục, tập trung đón đầu xu thế phát triển du lịch gia đình một cách bài bản, chuyên nghiệp, khoa học và bền vững sẽ góp phần gia tăng nguồn thu cho “ngành công nghiệp không khói” của đất nước.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện cả nước có 70% dân số có mức thu nhập ổn định, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Giai đoạn 2010-2017, tầng lớp thu nhập trung lưu có xu hướng tăng hơn 20%, ước đạt khoảng 3 triệu người. Dự kiến các năm tiếp theo, tỷ lệ và số người gia lập tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ tăng mạnh, nhất là ở khu vực đô thị. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế, tăng sức tiêu thụ hàng hóa và đặc biệt là sẽ khiến nhu cầu du lịch, đặc biệt là du lịch gia đình tăng mạnh mẽ.

Du lịch gia đình có đặc điểm là tổ chức gọn nhẹ, có thể tiến hành trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết khác nhau trong năm, không bị giới hạn về khoảng cách địa lý và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng không gian riêng của du khách. Tuy nhiên, du lịch gia đình có đòi hỏi cao, hướng tới tự khám phá là chính vì không nhận được hỗ trợ của các hướng dẫn viên; chi phí cho du lịch gia đình như đi lại, lưu trú và ăn uống, mua sắm, vui chơi... thường cao hơn các loại hình du lịch khác.

 Loại hình du lịch gia đình đang là một xu thế phát triển nhanh ở Việt Nam. Ảnh: HOÀNG LAN.

Loại hình du lịch gia đình đang là một xu thế phát triển nhanh ở Việt Nam. Ảnh: HOÀNG LAN.

Khi phân tích về xu hướng các loại hình du lịch trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, du lịch gia đình ở các quốc gia phương Đông có xu hướng tăng mạnh hơn phương Tây và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Lý do là ở Việt Nam, gia đình được coi trọng hơn và là tổ ấm nâng đỡ hạnh phúc nên mọi người thường có xu hướng về với gia đình và cùng người thân trong gia đình hưởng niềm vui, trong đó có cả niềm vui đi du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng. Trong xu thế du lịch tâm linh, tham quan, nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay thì du lịch gia đình càng có điều kiện bùng nổ trong tương lai gần.

Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được công bố, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019, cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Nhìn vào số liệu này và trước xu thế thu nhập tăng cao thì có thể dự đoán là du lịch gia đình sẽ tập trung nhiều ở các hộ dân khu vực đô thị, Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung.

Ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Công ty du lịch NICOTEXTOUR ở Hà Nội cho rằng, vài năm gần đây, khi thu nhập của các hộ gia đình tăng cao thì xu hướng du lịch gia đình đã phát triển. Đặc biệt, khi công nghệ 4.0 trong ngành du lịch được triển khai thì các hộ gia đình có điều kiện thuận lợi hơn khi tìm hiểu về các loại hình dịch vụ du lịch. Đó là một trong những tác nhân khiến xu hướng du lịch gia đình tăng nhanh.

Theo bà Nguyễn Thị Lý, cư trú tại phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), du lịch gia đình đáp ứng tốt tâm lý người dân vì thông qua đó người dân trực tiếp lựa chọn các sản phẩm du lịch mà mình thích, phù hợp với khả năng thay vì phụ thuộc vào tour của các công ty lữ hành khi đi du lịch theo đoàn hoặc theo nhóm. Cũng theo bà Lý, việc du lịch gia đình sẽ tránh được hiện tượng quá tải du khách diễn ra trong hai năm gần đây vào mỗi kỳ nghỉ lễ, nghỉ tết dài ngày.

Nguồn thu từ du lịch những năm gần đây của Việt Nam cũng tăng trưởng đáng ghi nhận. Mức tăng trưởng giai đoạn 2011-2017 đạt xấp xỉ 25%/năm. Năm 2018, ngành Du lịch Việt Nam đón hơn 12,9 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ gần 73,2 triệu lượt khách nội địa. Trong cuộc họp báo hồi tháng 7 vừa qua, Tổng cục Du lịch thông báo, tổng thu từ khách du lịch (trong 6 tháng đầu năm 2019) đạt khoảng 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018). Hai năm gần đây, với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đã tăng từ 417,3 nghìn tỷ đồng (năm 2016) lên 541.000 tỷ đồng (năm 2017).

Như vậy, những số liệu thống kê ở trên đã cho thấy, du lịch nội địa nói chung và hình thức du lịch gia đình ở Việt Nam nói riêng đã góp phần đáng kể làm tăng nguồn thu của du lịch của cả nước và các địa phương. Thế nên, trong tương lai, du lịch gia đình sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa khi mà điều kiện và thu nhập kinh tế của hộ gia đình ngày càng khấm khá.

-----------

Bài 2: Khắc phục bất cập, tăng thu hút du lịch gia đình

ĐỨC TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/bai-1-du-lich-gia-dinh-xu-the-tat-yeu-606430