Bài 1 - Gia đình truyền thống thủy chung với Đảng
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiếu số. Vì thế, trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số có vai trò vô cùng quan trọng. Trong những năm qua, đến những bản làng vùng cao của tỉnh, chúng tôi thực sự xúc động khi được gặp gỡ và trò chuyện với những gia đình đảng viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số nhiều thế hệ nối tiếp nhau nỗ lực cống hiến vì Đảng, vì Nhân dân, xây đắp nên truyền thống quý báu vẹn tròn niềm tin với Đảng. Từ những gia đình truyền thống ấy, những 'hạt giống đỏ' của Đảng tiếp tục nảy mầm, phát triển, lan tỏa niềm tin và khát vọng, làm diện mạo vùng cao thêm khởi sắc.
Vẹn tròn với Đảng, với Nhân dân:
“Cây cao, bóng cả”
Giữa thôn Cốc Phà, cách chợ Cán Cấu (Si Ma Cai) không xa có một ngôi nhà gỗ thông nhỏ giản dị của một già làng người Mông. Bà con vùng cao ở đây ai cũng quen thuộc với hình ảnh của chủ nhân ngôi nhà ấy là ông Sùng Seo Nhà. Năm nay, ông Nhà đã gần 70 tuổi và ông cũng vừa được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Nhiều người bất ngờ khi biết ông có 8 người con thì có 5 người con là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp ông Sùng Seo Nhà là sự cởi mở và nụ cười gần gũi của ông. Năm nay gần 70 tuổi, dáng người nhỏ thó, sức khỏe không còn như trước nhưng ông Nhà vẫn minh mẫn lắm. Nhấp chén nước chè sánh như mật ong rừng già làng người Mông vừa rót, tôi để ý trong ngôi nhà gỗ của ông treo không biết bao nhiêu bằng khen, giấy khen, có những tờ giấy khen đã hàng chục năm trước được treo trang trọng và gìn giữ cẩn thận như báu vật. Ông Nhà cười khà khà bảo mấy chục năm làm cán bộ xã, cán bộ huyện, ông chẳng có nhà lầu, xe hơi, thứ quý giá nhất là những đóng góp cho Nhân dân được ghi nhận, biểu dương. Những bằng khen, giấy khen kia ông treo lên cũng là để con cháu trong gia đình nhìn vào đó nỗ lực phấn đấu theo truyền thống gia đình.
Vốn là thanh niên người Mông làm Xã đội phó, nỗ lực phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đến năm 1990 ông Giàng Seo Nhà trở thành Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch UBND xã Cán Cấu. Sau 5 năm làm Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, 15 năm làm Bí thư Chi bộ xã rồi về nghỉ hưu, ông Giàng Seo Nhà không nghỉ ngơi mà tiếp tục có 5 năm gánh vác nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Si Ma Cai. Khi trở về xã, ông vẫn tiếp tục cống hiến với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cán Cấu. Khoe với chúng tôi Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, ông Nhà tự hào bảo nhờ có Đảng ông mới có nhiều cơ hội được cống hiến, đóng góp công sức xây dựng quê hương.
Từ tấm gương người cha luôn tận tụy, hết lòng, hết sức cống hiến cho Đảng, cho Nhân dân và những lời nhắc nhở của cha, các con ông Sùng Seo Nhà luôn cố gắng vượt khó học tập, trưởng thành. Trong 8 người con của ông Nhà, có 5 người con đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong đó, anh Sùng A Páo là Chánh Văn phòng UBND xã Cán Cấu; các chị Sùng Thị Váng, Sùng Thị Sâu là giáo viên; các anh Sùng A Phử, Sùng A Sì ở nhà làm kinh tế. Đó là chưa kể đến hai con rể của ông Nhà là Ma Xuân Toàn và Đặng Hữu Tính cũng là đảng viên, đang làm nhiệm vụ ở các cơ quan Nhà nước. Có người nói đùa mỗi khi ông Nhà tổ chức họp gia đình chẳng khác gì họp chi bộ bởi cả nhà đều là đảng viên.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Sùng A Páo chia sẻ: Ngày chúng tôi còn nhỏ đã thấy bố ít khi ở nhà mà luôn bận rộn, vất vả với các công việc của xã, của huyện. Mặc dù vậy, bố luôn quan tâm động viên anh em chúng tôi phải học tập thật giỏi để trở thành người có ích cho xã hội. Khi lớn lên, anh em chúng tôi mỗi người theo một con đường khác nhau nhưng đều học theo cha, tích cực phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Mỗi khi các con về nhà khoe tin vui được kết nạp Đảng, bố tôi vui lắm, ông bảo trở thành đảng viên là niềm vinh dự to lớn nhưng gắn với trọng trách nặng nề, các con càng phải phấn đấu hơn nữa, gương mẫu hơn nữa để xứng đáng với Đảng, với Nhân dân.
“Hiến đất vì dân thì tôi không tiếc”
Trở lại câu chuyện khi chúng tôi đến thăm nhà ông Sùng Seo Nhà, ai cũng ngạc nhiên thấy ngôi nhà sàn và nhà đất cũ của ông nằm khiêm nhường giữa những dãy nhà xây khang trang là trụ sở UBND xã Cán Cấu, Trường Tiểu học, Trường Mầm non của xã. Đứng tại trụ sở UBND xã Cán Cấu cũ - nay là nhà văn hóa thôn Cốc Phà, ông Nhà khoát tay bảo cả dải đất mặt đường này trước kia đều của nhà ông, nếu giữ đến giờ thì bán được rất nhiều tiền nhưng ông đã không tiếc khi hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng các công trình phục vụ Nhân dân.
“Thời điểm khi tỉnh Lào Cai mới tái lập, xã Cán Cấu vẫn “trắng 3 T”, đó là: Không có trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế. Địa hình ở đây rất dốc, nhiều đá to, nên để tìm các vị trí bằng phẳng xây dựng các công trình lớn là quá khó. Năm 1993, khi là Bí thư Chi bộ, Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, tôi đã hiến hơn 400 m2 đất để xây dựng trụ sở UBND xã. Năm 1994, khi xã không có mặt bằng xây dựng Bưu điện văn hóa xã và Trạm Vật tư nông nghiệp huyện, tôi lại hiến gần 200 m2 đất của gia đình để xây dựng công trình này”, ông Nhà cho biết.
Đối với các trường học, ngoài vận động Nhân dân bán lại đất để xây trường, ông Giàng Seo Nhà còn nhường lại mảnh đất mới mua trị giá bằng 1 con trâu để nhà trường làm vườn rau cho học sinh và tặng Trường Tiểu học, Mầm non của xã hàng trăm m2 đất để xây kè và làm đường vào trường. Ngay cả khi các tuyến tỉnh lộ được mở rộng hay làm đường trục thôn, nội thôn đi qua vườn nhà mình, người Bí thư Chi bộ, Chủ tịch UBND xã hào phóng vẫn vui vẻ hiến đất mở đường vì sự phát triển của thôn, của xã.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nhà chia sẻ thêm rằng nhà ông may mắn khi đến khu vực này khai khẩn được nhiều đất đai, nên khi Nhà nước cần xây dựng công trình vì cuộc sống Nhân dân thì ông vô tư tặng lại không hề tiếc. Đối với bà con trong thôn cũng vậy, khi Nhà nước xây nhà tình nghĩa cho gia đình anh Giàng Seo Chinh mà không có mặt bằng, ông Sùng Seo Nhà sẵn sàng tặng lại 100 m2 đất ngay mặt đường để giúp anh Chinh có ngôi nhà mới. Cho đến nay, tấm lòng vì dân của ông Sùng Seo Nhà vẫn được đồng bào Mông xã Cán Cấu kể lại với lòng biết ơn và cảm phục.
Người hòa giải có uy tín của bản Mông
Trước khi gặp già làng Sùng Seo Nhà, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với chị Triệu Thị Chỉn, Bí thư Đảng ủy xã Cán Cấu và anh Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Cán Cấu. Cả chị Chỉn và anh Cường đều thể hiện sự trân trọng và biết ơn những đóng góp của gia đình ông Sùng Seo Nhà cho cộng đồng các dân tộc nơi đây. Đặc biệt, chị Triệu Thị Chỉn bảo năm nay dù tuổi đã cao nhưng ông Nhà vẫn rất nhiệt tình với các công việc của thôn, của xã với vai trò là người có uy tín hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng người Mông. Có những vụ việc nếu không có tiếng nói của già làng Sùng Seo Nhà thì rất khó giải quyết ổn thỏa.
Nói rồi chị Chỉn kể lại câu chuyện vào tháng 7/2020 tại thôn Cốc Phà xảy ra sự việc bà Giàng Thị G đổ cho chị Ly Thị D ăn trộm 3 quả trứng gà và hai gia đình xảy ra chuyện cãi nhau không giải quyết được. Vụ việc được đưa ra thôn, ra xã và kết quả điều tra là bà G đã vu oan cho chị D. Theo quy ước của thôn, bà G nặng bao nhiêu kg thì mỗi kg phải nộp cho thôn 130.000 đồng. Nhưng bà G nặng hơn 70kg, số tiền nộp phạt 9,1 triệu đồng, nên nhất quyết không chấp hành quy định. Để giải quyết dứt điểm vụ việc khi họp tổ hòa giải của thôn, già làng Sùng Seo Nhà đã phân tích cho bà G hiểu và phải nộp đủ số tiền vào quỹ thôn. Đây cũng là bài học để bà G và những người khác không vi phạm nữa.
Thêm một sự việc nữa xảy ra vào tháng 3/2021 khi gia đình anh Giàng A T và em trai mâu thuẫn với nhau. Lý do là anh T bắt quả tang vợ mình gian díu với em trai mình. Hai gia đình không giải quyết được vụ việc nên tổ hòa giải của thôn phải vào cuộc. Già làng Sùng Seo Nhà đã giải thích để hai gia đình hiểu điều sai - đúng và thực hiện theo quy ước của thôn mỗi bên nộp phạt 5 triệu đồng mua thức ăn mời cơm cả thôn tại nhà văn hóa. Sau vụ việc, hai gia đình hòa giải và vợ chồng anh T vẫn sống êm thuận với nhau.
Đó chỉ là hai ví dụ trong nhiều vụ việc được già làng Sùng Seo Nhà tham gia hòa giải cho thôn, cho xã. Khi hỏi già làng Sùng Seo Nhà về những câu chuyện này, ông cười lóe chiếc răng bọc đồng vàng óng: Có những sự việc chưa nghiêm trọng đến mức sử dụng quy định của pháp luật thì dùng những quy ước, hương ước của thôn để giải quyết. Điều quan trọng là cả thôn cùng đồng thuận và mọi người hiểu được điều sai để không tái phạm nữa. Mình là đảng viên, là người có uy tín được bà con tin tưởng thì phải cố gắng để tuyên truyền cho Nhân dân các dân tộc đoàn kết cùng nhau làm ăn để cuộc sống thêm no ấm.
Bài 2 - Già làng Hà Nhì xóa hủ tục