BÀI 1: Giám sát chặt việc thực hiện 'lời hứa'
Thời gian qua, hoạt động giám sát, tái giám sát của HĐND thành phố Hà Nội được tăng cường theo hướng toàn diện, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, nâng cao vai trò cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Qua đó, góp phần quan trọng để hoạt động của HĐND thành phố được lãnh đạo Quốc hội đánh giá 'điểm sáng' trong hệ thống cơ quan dân cử trong cả nước.
Chủ động đổi mới nội dung, phương thức giám sát
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND Thành phố đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15/ĐA-TU (ngày 12.5.2022) về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. "Đây là cơ sở chính trị quan trọng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vị thế, vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố trong giai đoạn mới", Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định.
Trong đó, đối với hoạt động giám sát của HĐND các cấp, Đề án đã đề ra 4 chỉ tiêu, 7 giải pháp thực hiện. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Chương trình hoạt động của HĐND thành phố và định hướng hoạt động giám sát cho các Tổ đại biểu HĐND thành phố; HĐND các quận, huyện, thị... HĐND thành phố cũng chủ động và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát theo hướng sâu sát, khoa học, hiệu quả, vì dân, sát cơ sở. Đồng thời, xây dựng và chuẩn hóa quy trình tổ chức kỳ họp, hoạt động thẩm tra các báo cáo; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố.
Đáng chú ý, bám sát các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, đặc biệt là Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND thành phố đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giám sát. "Trong năm 2022 vừa qua, bên cạnh xây dựng và ban hành Quy trình tổ chức kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo các Ban HĐND thành phố rà soát, xây dựng quy trình thẩm tra của các Ban HĐND thành phố và chủ động tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, phối hợp tốt nhằm quy chuẩn hóa, nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra của các Ban HĐND", Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn chứng.
Lần đầu tiên ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn
Một trong những điểm nhấn của HĐND thành phố Hà Nội thời gian qua chính là việc thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND thành phố. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của đại biểu, các Ban, Thường trực HĐND thành phố đã dự kiến và lựa chọn đúng, trúng những nhóm lĩnh vực chất vấn thiết thực, tác động lớn với thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố. Đây cũng là những vấn đề bức xúc được cử tri, Nhân dân Thủ đô quan tâm. Đặc biệt, tại mỗi kỳ họp, HĐND thành phố đều bố trí thời gian thỏa đáng để tái chất vấn kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát và chất vấn.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước khi thường xuyên duy trì thực hiện việc báo cáo tại phiên chất vấn bằng những phóng sự được thực hiện công phu, trực quan, sinh động. Qua đó, giúp đại biểu nắm rõ vấn đề, đặt câu hỏi chất vấn "đúng và trúng". Cùng với đó, từ nhiều nhiệm kỳ gần đây, Hà Nội cũng là một trong số ít những địa phương duy trì đều đặn việc dành riêng 1 ngày làm việc tại các kỳ họp thường lệ của HĐND để tổ chức phiên chất vấn - trả lời chất vấn, được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh thông tin đại chúng.
Về đối tượng, ngoài chất vấn Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên UBND thành phố, tham gia báo cáo, giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền còn có thủ trưởng nhiều cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị. Học tập kinh nghiệm của Quốc hội, hoạt động chất vấn được tiến hành theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Đại biểu đặt câu hỏi tối đa 2 phút, trả lời tối đa 3 phút/1 vấn đề và có tái chất vấn để làm rõ thêm các nội dung, vấn đề chất vấn. "Kết luận chất vấn, Chủ tọa đều nêu cụ thể các nội dung, yêu cầu cam kết, “lời hứa” rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình, giải pháp khắc phục", Chủ tịch HĐND thành phố nêu rõ.
Ngoài ra, ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố đều ban hành ngay Thông báo kết luận hoặc trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về chất vấn. Trong đó, kèm theo phụ lục các vấn đề, cam kết của UBND thành phố và các cơ quan liên quan có thời gian, tiến độ cụ thể làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, tái giám sát việc thực hiện. "Thông qua chất vấn và tái chất vấn tại kỳ họp HĐND, nhiều vấn đề bức xúc của Thủ đô đã được UBND các cấp quan tâm giải quyết, từng bước khắc phục các hạn chế. Điển hình như: tình trạng vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị; xây dựng đề án, khắc phục hạn chế trong công tác quản lý tài sản công; việc giải quyết những vấn đề về ô nhiễm môi trường, nước thải; bảo đảm cấp nước sạch cho dân cư...", ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm.
Tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra tháng 12.2022, lần đầu tiên, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn. Trong đó, định lượng tiến độ cụ thể để yêu cầu UBND thành phố và nhiều cơ quan liên quan thực hiện. "Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan trả lời chất vấn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn và được HĐND thành phố thông qua với tỷ lệ thống nhất cao", Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.