Bài 1: Gian nan thử sức
Những cán bộ vừa có tâm vừa có trình độ và năng lực chính là những 'hạt giống đỏ' được huyện Văn Bàn lựa chọn để thực hiện công tác luân chuyển. Đưa cán bộ về cơ sở là để họ có cơ hội thể hiện khả năng của mình, giúp những vùng quê chuyển mình và rồi qua năm tháng, ở các thôn, bản khó khăn, 'mầm xanh' của sự phát triển cứ bung mình vươn lên.
“Hạt giống đỏ” ươm những “mầm xanh”
Theo đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn, luân chuyển cán bộ là giải pháp đào tạo cán bộ trong thực tiễn, kết quả đánh giá những cán bộ này thông qua đóng góp của họ cho địa phương, cho nhân dân. Chính vì thế, việc lựa chọn cán bộ để đưa vào diện luân chuyển phải đảm bảo các tiêu chí về năng lực, uy tín và sự tận tụy vì cơ sở.
Tháng 4/2015, anh Lương Thanh Hương được điều động về xã Hòa Mạc giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã. Hòa Mạc là xã có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp như địa hình bằng phẳng, đất có độ màu mỡ cao, có nhiều suối chảy qua địa bàn nên nguồn nước phục vụ sản xuất luôn dồi dào. Nông dân xã Hòa Mạc vốn có truyền thống cần cù lao động nhưng việc đưa giống cây trồng mới vào sản xuất vẫn chưa được nhiều hộ chủ động thực hiện. Bà con chỉ tập trung canh tác các cây trồng quen thuộc như lúa, ngô, lạc…
Nhận thấy tiềm năng về thổ nhưỡng rất hợp với cây khoai tây, đây lại là cây trồng cho thu nhập cao, thời gian canh tác không dài, có thể trồng xen giữa 2 vụ lúa nên anh Hương muốn bà con trong xã phát triển cây trồng này. Thế nhưng, bao đời nay, nông dân trên địa bàn chỉ quen cấy lúa, trồng ngô nên việc vận động bà con đưa giống cây trồng mới vào canh tác không phải chuyện dễ. Với suy nghĩ “trăm nghe không bằng một thấy”, anh Hương mạnh dạn thuê ruộng của 1 hộ trong xã và tự đầu tư mua giống khoai tây về trồng. “Trước khi đưa cây khoai tây vào trồng, tôi xác định chỉ thành công chứ không được phép thất bại. Mỗi ngày, tôi đều dành thời gian nghiên cứu kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc cây khoai tây. Khi đã nắm chắc kỹ thuật, tôi mới liên hệ mua giống về trồng”, anh Hương chia sẻ.
Cứ như vậy, sau mỗi buổi chiều, bà con xã Hòa Mạc thường thấy Bí thư Đảng ủy xã xắn quần cao quá đầu gối, tay lấm lem đất cầm cuốc rẫy cỏ, đánh luống trồng khoai tây và anh đã thành công. Ngay vụ đầu thắng lợi, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã triển khai cho bà con đăng ký trồng khoai tây ở vụ kế tiếp, nhiều hộ đã mạnh dạn đăng ký trồng theo.
Công tác vận động được xem là thành công nhưng nếu mở rộng diện tích thì đầu ra phải đảm bảo mới giúp bà con yên tâm sản xuất. Anh Hương nhờ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giúp đỡ tìm nơi tiêu thụ củ khoai tây. Qua sự kết nối của huyện, sản phẩm củ khoai tây của người dân Hòa Mạc được Công ty cổ phần Nông nghiệp An Việt (Hà Nội) đứng ra bao tiêu. Để sản xuất bền vững, anh Hương còn tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần về Hà Nội trực tiếp tìm hiểu thị trường và đàm phán với đơn vị thu mua sản phẩm. Sau những nỗ lực của “bí thư nông dân”, Công ty cổ phần Nông nghiệp An Việt đã cam kết cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong xã.
Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tháng 4/2019, anh Lương Thanh Hương được tổ chức điều động về giữ chức vụ Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Văn Bàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện.
Nhắc đến anh La Tiến Thuật, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Hạ, bà con trong xã đều khen ngợi bởi những đóng góp của anh đối với sự phát triển của địa phương, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tháng 1/2017, khi nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Hạ, xã còn 6 tiêu chí nông thôn mới chưa đạt, trong đó khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập và môi trường. Với trọng trách của Bí thư Đảng ủy xã, anh Thuật dành nhiều thời gian đến địa bàn, gặp và trao đổi, nắm tâm tư của người dân. Qua trò chuyện cùng bà con giúp anh tìm ra được “nút thắt” trong suy nghĩ của phần lớn người dân. Để gỡ được khó khăn, trước hết phải làm cho bà con hiểu được vai trò chủ thể của mình trong phát triển kinh tế và giữ gìn môi trường. Muốn vậy, trước tiên phải xây dựng được các nhân tố tích cực để bà con lấy đó làm gương và tự giác học theo.
Giải pháp được Bí thư Đảng ủy xã đưa ra là phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên. Với tiêu chí thu nhập, đảng viên phải gương mẫu, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trước mỗi chủ trương về phát triển kinh tế, Đảng ủy đều chỉ đạo tổ chức họp dân để lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của bà con. Khi chủ trương được thông qua, Bí thư Đảng ủy xã La Tiến Thuật yêu cầu các đảng viên sinh sống trên địa bàn từng thôn nghiêm túc thực hiện. Cuối năm, hiệu quả phát triển kinh tế gia đình được đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên, những hộ làm tốt sẽ được tuyên dương và tạo thành điển hình để nêu gương cho các đảng viên trong chi bộ và trong xã học tập.
Với tiêu chí môi trường, Đảng ủy xã yêu cầu các đảng viên phải trở thành đầu tàu trong việc đầu tư xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh, xây hố xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Để làm gương cho người dân, trụ sở Đảng ủy, UBND xã cũng luôn được giữ gìn sạch sẽ.
Là cán bộ được luân chuyển, để hiểu dân, gần dân, từ đó đề ra các chỉ đạo phù hợp, anh Thuật đã tạo cho mình thói quen là hằng tuần đến từng thôn và các nhà trường để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ cơ sở. Ngoài ra, việc thực hiện quy định giao ban định kỳ giữa các bí thư chi bộ thôn, bản với lãnh đạo Đảng ủy xã được Bí thư La Tiến Thuật duy trì đều. Số điện thoại của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã được niêm yết công khai. Cách làm này giúp Đảng ủy kịp thời nắm được thông tin tình hình cơ sở, từ đó có hướng giải quyết nhanh nhất.
Còn tại Nậm Xé, xã khó khăn của huyện Văn Bàn, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Đảng ủy Lự Thanh Hồng, 3 năm qua, xã đã có nhiều chuyển biến, trong đó phải kể đến những đổi thay của đồng bào dân tộc Mông xanh về thực hiện tiêu chí môi trường. Trước đây, đồng bào Mông xanh ở xã Nậm Xé thường làm chuồng nuôi nhốt gia súc gần nhà, bà con cũng không xây nhà vệ sinh, không quét nhà hằng ngày... Ngay khi nhận nhiệm vụ tại Nậm Xé, anh Lự Thanh Hồng đã thường xuyên đến từng thôn nắm tình hình và tìm hiểu phong tục, tập quán của mỗi dân tộc để có hướng chỉ đạo cụ thể.
“Nút thắt” được anh Hồng tìm ra đó chính là công tác tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế. Để khắc phục điều này, Bí thư Đảng ủy xã Lự Thanh Hồng yêu cầu mỗi đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong. Muốn vậy, Đảng bộ xã phải phát triển đội ngũ đảng viên đông về số lượng, có đủ năng lực, trình độ. Vốn là Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Hạ trước khi luân chuyển về Nậm Xé nên anh có kinh nghiệm trong công tác phát triển đảng viên. “Đảng ủy xã đã đẩy mạnh triển khai Đề án số 16 của Tỉnh ủy; Đề án 12 của Huyện ủy Văn Bàn về xây dựng và củng hố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên để làm nền tảng cho các chi bộ nâng cao năng lực lãnh đạo. Đảng ủy giao các chi bộ phát hiện quần chúng ưu tú để giới thiệu cho các cấp ủy, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ. Khi tôi về nhận nhiệm vụ, Nậm Xé chỉ có 94 đảng viên, đến nay đã nâng lên 120 đảng viên, trong đó có hơn 30 đảng viên nữ”, anh Hồng bộc bạch.
Trở lại vấn đề thay đổi thói quen của đồng bào, để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân tộc Mông xanh, Bí thư Đảng ủy xã Lự Thanh Hồng yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể xã chủ động phối hợp cùng bí thư chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về những nguy cơ lây lan bệnh dịch từ việc không giữ vệ sinh môi trường. Hằng tuần, Đảng ủy cũng yêu cầu đảng viên phụ trách thôn phối hợp với bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đoàn thể đến từng hộ hướng dẫn cách sinh hoạt hợp vệ sinh. Đích thân Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã định kỳ hằng tuần trực tiếp đến cơ sở và thực hành mẫu việc vệ sinh nhà ở cho bà con học theo. Đảng ủy còn giao chỉ tiêu cho các đoàn thể giúp dân đào và xây hố xử lý rác thải sinh hoạt, kết quả được đưa vào làm tiêu chí bình xét thi đua của cán bộ, công chức hằng tháng...
Thực tế Văn Bàn cho thấy, khi cán bộ sâu sát cơ sở, thực hiện nhiệm vụ bằng tinh thần trách nhiệm thì kết quả chính là sự đổi thay tích cực ở những vùng quê.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/bai-1-gian-nan-thu-suc-z1n20200215101014428.htm