Bài 1: Hành trình đến với cách mạng
Những cống hiến vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam thì chẳng mấy người Việt Nam nào không biết đến. Nhưng, ông đã hòa mình vào dòng chảy cách mạng, bước chân vào hành trình mang lại độc lập tự do cho dân tộc như thế nào thì lại là điều có lẽ chưa nhiều người tỏ tường.
LTS: “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm” - câu đối của GS. Vũ Khiêu chỉ là một trong rất nhiều những nhìn nhận đầy ngưỡng mộ của người dân, các sử gia, học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã lập nên những chiến thắng vĩ đại; Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng đồng thời là Nhà văn hóa lớn, có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, báo chí, ngoại giao lịch sử…
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mục Tư liệu trên congluan.vn có loạt bài viết về Đại tướng, về một con người cả cuộc đời nổi bật ba đức tính toàn vẹn Nhân – Trí – Dũng.
Từ tuổi thơ sôi nổi ở làng An Xá
Tại làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có một ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái, lợp mái ngói đơn sơ theo kiểu truyền thống, nhiều năm qua được gọi tên là Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1977, Nhà lưu niệm được phục dựng ngay trên nền đất của ngôi nhà cũ theo nguyên gốc kiến trúc điển hình của những ngôi nhà ở làng quê Lệ Thủy từ xa xưa với ba gian, hai chái lợp ngói, mái hiên được lợp bằng lá cọ, cửa bức bàn. Đó cũng chính là nơi vị tướng huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam sinh ra và lớn lên.
Người con của làng An Xá ấy có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.
Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tác giả của cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” - tác phẩm được xem là rất ít ỏi cho tới nay phác họa lại quãng thời gian trước tuổi 20 (từ 1911 đến 1931) của Đại tướng - đã từng chia sẻ với báo giới: Đã có rất nhiều học giả và nhà báo trong, ngoài nước viết về Đại tướng... Chỉ có một “khoảng trống” duy nhất mà các tác giả gần như không đề cập, hoặc nếu có cũng chỉ phác qua: đó là tuổi thơ và tuổi trẻ của Đại tướng trong khoảng thời gian cho tới năm 1931 - khi ông 20 tuổi.
Hàng rào chè tàu bao quanh ngôi nhà xưa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Và trên cái nền tư liệu sơ sài, rất khó kiếm tìm ấy, phải mất đến ngót 10 năm, từ việc tìm kiếm tư liệu thực địa kết hợp với những cuộc phỏng vấn Đại tướng và người thân, Trung tướng Phạm Hồng Cư mới có thể hoàn thành cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”. Qua ngòi bút của Trung tướng Phạm Hồng Cư, thấy rõ vị tướng tài của dân tộc đã có một tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch, tuổi trẻ sôi nổi, hào hùng.
Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, tuổi thơ và tuổi trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với tháng năm ở 2 tỉnh Quảng Bình và Huế. Nói gia đình Đại tướng là gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước là bởi rất nhiều cụ già trong vùng vẫn còn lưu giữ các câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác về gia đình và dòng họ của Đại tướng, rằng ông ngoại của Đại tướng từng tham gia phong trào Cần Vương thời vua Hàm Nghi. Khuôn mặt Đại tướng đặc biệt rất giống mẹ, nhất là đôi mắt sáng và thông minh.
Thuở nhỏ, cậu bé Võ Nguyên Giáp học rất giỏi, nổi tiếng là một người rất thông minh và hiếu động. Hai cụ thân sinh của cậu bé Võ Nguyên Giáp là cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Kiên.
Về cha mình, cụ Võ Quang Nghiêm, Đại tướng kể ông là người sống giản dị, sáng nào dậy cũng ăn ba bát cháo hoa với cà và gọi là “sâm của nhà nghèo”. Sau kháng chiến toàn quốc, cụ bị thực dân Pháp bắt giam tại Huế và mất trong tù, phải sau năm 1945 gia đình mới tìm được hài cốt.
Lớn lên một chút, Trung tướng Phạm Hồng Cư ghi lại qua một số lần tiếp xúc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là thuở nhỏ Đại tướng học rất giỏi thậm chí là đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học (certificat d’étudé primaires) ở tỉnh Quảng Bình. Nhưng sau đó, năm 13 tuổi, khi lên bậc trung học, ông lại thi trượt kỳ thi vào Trường Quốc học Huế.
Tuổi thơ của vị tướng tài sôi nổi và cũng nhiều dấu ấn là vậy.
Tuổi thiếu niên đã dấn thân cho cách mạng
Theo nhiều tài liệu, Võ Nguyên Giáp được xem là khởi đầu cho hành trình hoạt động cách mạng từ năm 1925-1927 khi ông rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế. Năm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới là chàng thiếu niên 14 tuổi.
Chuyện rằng, năm 1925, Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai vào trường Quốc học Huế (sau Nguyễn Thúc Hào) thì hai năm sau, do tham gia phong trào học sinh ở Huế, Võ Nguyên Giáp bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.
Ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1930, sau sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bị địch bắt và kết án 2 năm tù, bị trục xuất khỏi Huế. Sau khi ra tù, Võ Nguyên Giáp tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh.
“Những năm đầu thập niên 30, các cơ sở của Đảng ở Hà Nội bị phá vỡ, chưa kịp phục hồi. Chưa bắt được liên lạc với Đảng, tôi vừa tự học, vừa tranh thủ đọc sách, báo tiến bộ để trau dồi kiến thức, theo dõi sát tình hình chính trị trong nước và trên thế giới. Năm 1935, tôi vào dạy học ở Trường tư thục Thăng Long” - sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại.
Năm 1936, Võ Nguyên Giáp hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”...
Đặc biệt là việc ngày 6/6/1936 nhà cách mạng trẻ đã cho ra đời tờ Hồn trẻ tập mới. Có thể nói đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Cũng thời gian đó, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Đông Dương đại hội; được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.
Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đầu năm 1941, nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng; năm 1942, phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.
Tháng 12/1944, nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hành trình cách mạng của người sau này trở thành vị tướng huyền thoại của quân đội Việt Nam, thực sự sang trang từ thời điểm ấy.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-1-hanh-trinh-den-voi-cach-mang-post145935.html