Bài 1: Hệ lụy từ những dự án 'treo'

Sau hơn 20 năm trở thành phố trực thuộc Trung ương, diện mạo đô thị TP Đà Nẵng được quy hoạch, chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại; nhiều công trình trọng điểm có quy mô lớn được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều dự án được phê duyệt quy hoạch nhưng do chậm triển khai, chưa triển khai hoặc triển khai dở dang không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân mà còn gây lãng phí tài nguyên và những bất ổn, bức xúc trong đời sống xã hội.

Bài 1: Hệ lụy từ những dự án “treo”

Thời gian qua, nhiều dự án “treo” trên địa bàn TP Đà Nẵng kéo dài từ 10 đến hơn 20 năm, khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trong vùng dự án đối diện với tình trạng nhà cửa xuống cấp, ô nhiễm môi trường…

Nhà cửa xuống cấp, không được xây mới

Chúng tôi về phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn)-một trong những địa phương có dự án “treo” lâu nhất của TP Đà Nẵng. Dẫn chúng tôi “tham quan” ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, ông Phạm Thế Thuận, trú tại tổ dân phố 62 (phường Hòa Quý) than phiền: “Ngôi nhà này gia đình tôi xây dựng từ năm 1987, nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng do nằm trong Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nên không thể xây dựng mới”. Được biết, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố tháng 12-1997, với diện tích 300ha (trong đó, 110ha thuộc TP Ðà Nẵng và 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam). Trên địa bàn phường Hòa Quý có 600 hộ dân thuộc 7 tổ dân phố (từ tổ 57 đến tổ 63); phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có hơn 600 hộ dân thuộc 4 khối phố (Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân) bị ảnh hưởng phải giải tỏa, di dời.

 Ngôi nhà cấp 4 tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thuộc dự án Làng đại học Đà Nẵng đã xuống cấp nhưng không thể xây mới.

Ngôi nhà cấp 4 tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thuộc dự án Làng đại học Đà Nẵng đã xuống cấp nhưng không thể xây mới.

Rời Hòa Quý, chúng tôi đến phường Hòa Hải-nơi có Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn cũng đang bị “treo” ngót chục năm nay. Đi dọc các tuyến đường bê tông xen lẫn cát sỏi dẫn vào các khu dân cư nhìn ra sông Cổ Cò, hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những dãy nhà cấp 4 san sát đã xuống cấp cùng những ngôi nhà bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Bà Trần Thị Tánh, trú tại tổ dân phố 1 (phường Hòa Hải) chia sẻ: “Tôi năm nay 75 tuổi. Nhà cửa thì hư hỏng nhưng không được xây dựng mới. Gia đình tôi có 1.300m2 đất ở, 3 người con đã xây dựng gia đình nhưng đâu có tách được sổ để cho các con hoặc bán dưỡng già. Mong sao thành phố sớm triển khai dự án cho chúng tôi đỡ khổ”. Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn đã được phê duyệt đồ án quy hoạch năm 2009, với tổng diện tích thu hồi 112,4ha, gồm 1.519 hồ sơ; hiện đã chi trả 825 hồ sơ, đã bàn giao mặt bằng 661 hồ sơ (nhà: 329 hồ sơ, đất nông nghiệp: 332 hồ sơ). Hiện dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, số hộ dân còn lại vẫn trong tình trạng bị giải tỏa “treo”.

Trên địa bàn TP Đà Nẵng, không chỉ các dự án có quy mô lớn với hàng nghìn hộ dân bị giải tỏa “treo”, như: Làng Đại học Đà Nẵng, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Nhà ga đường sắt tại quận Liên Chiểu… mà qua khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận còn có những dự án chỉ vài chục hộ dân cũng bị giải tỏa “treo”. Điển hình như tại tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), suốt 20 năm qua, hơn 60 hộ dân phải sống trong cảnh “đi không được, ở không xong” do đất, nhà cửa nằm trong vùng quy hoạch. Ông Nguyễn Thành Dũng, trú tại tổ dân phố 4 (phường Nại Hiên Đông) nói với chúng tôi: “Mỗi khi đến mùa mưa bão cực lắm. Cứ mưa là dột, chẳng biết sửa chữa thế nào. Giờ chỉ có nước là phá đi xây mới nhưng đâu có được cấp phép".

Không riêng gia đình ông Dũng mà hầu hết nhà cửa tại các dự án “treo” trên địa bàn TP Đà Nẵng đều trong tình cảnh tương tự: Nhà lâu ngày hư hỏng, xuống cấp, chỗ ở chật chội… nhưng không được xây dựng. Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, cho biết: “Dự án khu tái định cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông đoạn từ đường Vân Đồn đến Công an phường Nại Hiên Đông kéo dài từ năm 1999 đến nay gây bức xúc trong nhân dân. Tại tổ dân phố 4 có 63 hồ sơ, hầu hết nhà cửa của các hộ dân nằm trong dự án này là nhà cấp 4. Vì nằm trong dự án giải tỏa nên 20 năm nay, nhà cửa không được xây dựng, sửa chữa nên đã xuống cấp, rất nguy hiểm trong mùa mưa bão. Chính quyền và nhân dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể”.

Sống chung với ô nhiễm

Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, không chỉ nhà cửa bị hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm trong mùa mưa bão, người dân tại các khu dự án “treo” còn sống khổ sở bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do những bãi đất trống bỏ hoang, hệ thống đường giao thông không được đầu tư xây dựng. Ông Huỳnh Viết Khánh, Tổ trưởng tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông bức xúc: “Sinh sống ở thành phố đáng sống nhưng chúng tôi phải đối diện với ô nhiễm môi trường, dịch bệnh mấy chục năm nay”. Theo ông Khánh, sau khi các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trung Trực, Vân Đồn được nâng cấp, hoàn thành, hầu hết nhà dân trong tổ dân phố 4 thấp hơn mặt đường nên khi trời mưa, nước chảy tràn vào nhà gây ngập úng, ứ đọng. Con đường trong khu dân cư không có hệ thống thoát nước, cứ mùa mưa thì ngập úng, lầy lội, mùa nắng thì bụi. Đặc biệt, những khu đất bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm trở thành các bãi rác tự nhiên cho ruồi, muỗi, chuột sinh sôi, khiến khu dân cư lúc nào cũng bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi năm, trong khu dân cư có 4-5 ca sốt xuất huyết.

 Những bãi đất trống tại khu vực tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) trở thành bãi rác tự nhiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Những bãi đất trống tại khu vực tổ dân phố 4, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) trở thành bãi rác tự nhiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tại Dự án Làng đại học Đà Nẵng, đến nay mới chỉ triển khai khu tái định cư, đền bù cho các hộ dân bị giải tỏa trắng, còn các hộ bị ảnh hưởng bởi đường bao của dự án vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa bố trí di dời. Toàn bộ diện tích còn lại thuộc dự án chưa triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và chưa thực hiện kiểm kê bồi thường. Việc dự án kéo dài quá lâu đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Từ khi công bố Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, khu vực trong vùng dự án không cho phép chủ trương đầu tư bê tông hóa giao thông. Do đó, hệ thống đường giao thông nơi đây rất bất cập, mùa mưa thì ngập úng, lầy lội, mùa nắng thì bụi bặm gây ô nhiễm môi trường...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

(Còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/bai-1-he-luy-tu-nhung-du-an-treo-598174