Bài 1: Không thể xuyên tạc giá trị bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

THS. PHẠM THỊ THINH - Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người là tấm gương sáng ngời, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, dành trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Trước khi 'đi xa' về cõi vĩnh hằng, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng, vô giá.

Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, ra sức phủ nhận giá trị, ý nghĩa của bản Di chúc, tìm mọi cách để “xét lại lịch sử”, nhân danh nghiên cứu khoa học để “tiếp cận góc nhìn mới”. Trên cơ sở nhận diện các quan điểm sai trái, xuyên tạc giá trị, ý nghĩa bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định giá trị lịch sử vô giá của Di chúc, bài viết này đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc giá trị, ý nghĩa bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di chúc kết tinh trí tuệ, tầm nhìn, tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản suốt đời vì nước, vì dân

Các quan điểm sai trái, xuyên tạc giá trị, ý nghĩa bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung ở một số khía cạnh sau:

Một là, các thế lực thù địch, phản động cho rằng, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng giống như các văn bản khác, thuần túy chỉ “mang tính chất cá nhân, không có giá trị về lý luận và thực tiễn đối với quá trình phát triển đất nước sau này”, thậm chí chỉ là “sự phóng đại về giá trị của Di chúc,không thật sự có giá trị như tuyên truyền”. Di chúc về bản chất là văn bản mang tính cá nhân, bởi người lập di chúc có thể là bất kỳ ai.

Thế nhưng, nghiên cứu kỹ bản Di chúc chúng ta thấy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh trí tuệ, tầm nhìn, tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản suốt đời vì nước, vì dân. Trong Di chúc của Người vẫn có phần về việc riêng, tức là viết về mong muốn, nguyện vọng của Người, nhưng khi viết về việc riêng, Người vẫn luôn hướng nội dung liên quan đến đất nước, dân tộc; “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Xuyên suốt tác phẩm Di chúc, người đọc dễ dàng nhận thấy tư tưởng lớn, tầm nhìn lớn, nhân cách lớn, mà không hề mang tính cá nhân như luận điệu mà thế lực thù địch xuyên tạc.

Hai là, một số kẻ cho rằng,bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là Di chúc thật, mà là một văn bản được sửa đổi, thay đổi bởi những người khác sau khi Bác qua đời. Quan điểm này dựa trên việc so sánh các bản Di chúc khác nhau, từ bản năm 1965 đến bản năm 1969 và cho rằng có sự khác biệt về nội dung và ngôn từ[1]. Chúng lợi dụng và đánh vào tâm lý của người đọc khi không nghiên cứu kỹ về lịch sử viết Di chúc, nếu đọc qua sẽ cảm thấy sự khác biệt, có phần mất đi, có phần được thêm vào ở các bản Di chúc được Bác viết từ năm 1965 đến năm 1969.

Tuy nhiên, thực tế sự khác biệt đó đến từ những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tự thay đổi, sắp xếp, chỉnh sửa lại cho phù hợp. Bản gốc Di chúc được công bố năm 1969 và năm 1989 đã khẳng định rõ điều đó. Việc Người viết Di chúc cũng được trình bày một cách cụ thể, rõ ràng theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký giúp việc thân cận của Bác mô tả trong cuốn sách Bác Hồ viết Di chúc do Nhà xuất bản Sự thật xuất bản năm 1989.

Ba là, các thế lực thù địch cho rằng, Di chúc chỉ áp dụng cho giai đoạn kháng chiến giải phóng dân tộc, không còn phù hợp với thực tiễn cách mạng hiện nay; rằng trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, vậy mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi con đường này, đi ngược với ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tiễn đã cho thấy, nội dung Di chúc là sự kết tinh tư tưởng của Người về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong Di chúc, có ít nhất 2 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chủ nghĩa xã hội, đó là khi Người căn dặn Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên: “Đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”[2] và khi Người khẳng định những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[3].

Bên cạnh đó, từng câu, từng chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc cũng đã thể hiện rất sâu sắc nội hàm chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng. Đó là: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[4].

Trong bản Di chúc, tất cả những nội dung về công tác xây dựng Đảng mà người đề cập cũng đã cho thấy rõ bản chất của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang hướng đến. Do vậy, tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[5]. Đây là chân lý đã được thử thách và kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 90 năm qua, nhất là qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Bốn là, chúng xuyên tạc rằng, chúng ta chưa làm theo đúng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là nội dung về đạo đức cách mạng khi ám chỉ công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chưa hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa bảo đảm dẫn đến tham nhũng, tiêu cực… ngày càng nhiều.

Thực tế là, ngay sau khi công bố Di chúc tháng 9.1969, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 173-CT/TW ngày 29.9.1969 về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, với mục đích là “làm cho mọi người thấy rõ hơn công lao và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch đối với Đảng ta, dân tộc ta và đối với cách mạng thế giới, thấy rõ hơn phẩm chất cách mạng cao đẹp, trong sáng của Hồ Chủ tịch; do đó tăng thêm lòng tự hào, phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm vươn lên tiếp tục sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch, thực hiện bằng được Di chúc của Người”[6].

Từ đó đến nay, Đảng ta đã luôn luôn chú trọng việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Di chúc của Người bằng nhiều hoạt động thiết thực. Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người đã luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. 55 năm qua, Đảng đã ra sức giữ gìn, củng cố sự đoàn kết nhất trí của Đảng, tăng cường đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân cho đại đoàn kết toàn dân; "thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình", tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; ra sức củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề cao kỷ luật nghiêm minh và tự giác.

Những năm qua, bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì và đồng bộ, chúng ta đã tạo ra những chuyển biến tích cực, kết quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Qua đó, đã góp phần quan trọng củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.

Năm là, các thế lực thù địch, phản động còn đưa ra luận điệu Đảng, Nhà nước ta không thực hiện theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc hỏa táng thi hài của Người. Trong bản Di chúc viết năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Về việc riêng - Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”[7].

Chúng cho rằng, việc Đảng và Nhà nước Việt Nam duy trì bảo quản thi hài Bác là sự duy trì “biểu tượng chế độ độc tài cộng sản”; “trung tâm tôn giáo chính trị”.

Sở dĩ Đảng ta không thực hiện việc hỏa táng thi hài Bác là thể theo nguyện vọng và tình cảm yêu kính, tiếc thương của nhân dân đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc; “xin” làm trái lời căn dặn của Người để gìn giữ lâu dài thi hài Bác, mong sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện viếng thăm. Mặc dù là trái lời dặn của Người, song lại “đúng với tiếng nói tự tâm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế”[8].

Sáu là, có những kẻ còn suy diễn, gán ghép một cách lố bịch rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tuyên bố về tâm linh học khi viết trong Di chúc rằng: “Tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”[9]. Họ cho rằng Bác Hồ là người đặt nền tảng đầu tiên của tâm linh học, rằng chết không phải là hết, là còn có “thế giới bên kia”.

Họ cố tình không hiểu, Bác nói như thế là nói ẩn dụ khi Bác qua đời, thể hiện sự lạc quan của người chiến sĩ cộng sản nên Bác không dùng từ “chết”, mà chỉ dùng từ “đi xa”, “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” để tránh đau buồn cho đồng bào.

Phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, chúng mượn danh “nhà nghiên cứu lý luận”, “nhà dân chủ”, “phản biện xã hội”… để đánh tráo khái niệm, xảo biện các vấn đề cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch triệt để sử dụng internet và mạng xã hội để đăng tải các tin, bài, hình ảnh, video, clip với nội dung không chính xác về giá trị, ý nghĩa bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng dày công dàn dựng, cắt ghép, xây dựng bộ phim “Sự thật Hồ Chí Minh” và phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội nhằm đánh lừa nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thậm chí chúng còn đăng bài thể hiện sự hằn học trước thắng lợi mà chúng ta đã giành được trong quá trình thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, càng gần đến thời điểm kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các thế lực thù địch, phản động ra sức đăng tải, phát tán các nội dung xuyên tạc giá trị, ý nghĩa của bản Di chúc thông qua các hoạt động “giả khoa học”, “giả diễn đàn” nhằm lôi kéo nhân dân, nhất là những người thiếu hiểu biết. Một số cá nhân, tổ chức phản động đầu tư, hỗ trợ kinh phí dưới hình thức nhân đạo để làm “mồi nhử” hòng làm mê muội, xoay chuyển nhận thức của người dân.

Những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nêu trên về Di chúc là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật, cố tình xuyên tạc, ngụy tạo nhằm mục đích hạ thấp, bác bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh; làm lung lay, giảm sút tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng, triệt tiêu động lực, quyết tâm thực hiện Di chúc của Đảng và Nhà nước ta.

________

[1]. Dẫn theo Lê Văn Vũ: Phản bác các quan điểm sai trái về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, https://dilinh.lamdong.dcs.vn/thong-tin-hoat-dong/xay-dung-dang/type/detail/id/ 40412/task /1496.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.15, tr. 622.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 617.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 614.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 70.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 30, tr. 284.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t. 15, tr. 613.

[8]. Xem thêm Văn Tòa: Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, https://baolamdong.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-1969-2019/.

[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t. 15, tr. 618.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-dang/bai-1-khong-the-xuyen-tac-gia-tri-ban-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-i386481/