Bài 1: Kinh tế đêm - 'Mỏ vàng' của du lịch chờ được khai phá
Kinh tế ban đêm - 'mỏ vàng' của du lịch đã hình thành ở Việt Nam nhiều năm nay và được đánh giá là cơ hội mới trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy chi tiêu về đêm, nhất là chi tiêu của khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu và manh mún.
Kinh tế đêm đang “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”
Theo Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000/2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM, góp phần tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu và đặc biệt còn mang tính “chộp giật”.
Kinh tế ban đêm mới chỉ dừng lại ở chợ đêm và phố đi bộ, cửa hàng tiện lợi, sản phẩm giải trí còn “nghèo nàn”. Hiện mới chỉ manh nha đầu tư của tập đoàn kinh tế vào chương trình Tinh hoa Bắc bộ và Ấn tượng Hội An (Hội An) của Tập đoàn Tuần Châu.
Cũng như "kinh tế ngầm", "kinh tế ban đêm" chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động đến hoạt động kinh tế nói chung. Hoạt động kinh tế về đêm, ngoài sự chú ý gần đây, trước nay chỉ được biết đến qua một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP.Hồ Chí Minh).
Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Quảng Nam - cho biết, tại Quảng Nam, đa số doanh nghiệp du lịch tham gia hoạt động về đêm quy mô nhỏ, các sản phẩm du lịch được quan tâm đầu tư nhưng chưa chuyên nghiệp. Thiếu các điểm tham quan mang tính nổi trội, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí, các điểm biểu diễn nghệ thuật, các sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách và chưa thực sự tạo ấn tượng đối với du khách. Đặc biệt, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm nên cũng chưa tạo được hiệu ứng cao trong phát triển du lịch đêm theo hướng ổn định lâu dài.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Trần Hữu Thùy Giang - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh - cho hay: nhìn tổng thể, mức độ lan tỏa, đem lại giá trị về kinh tế đối với du lịch về đêm tại Thừa Thiên Huế chỉ ở mức nhỏ lẻ, còn đơn điệu, chưa hấp dẫn, nhất là thiếu dịch vụ tại các điểm đến,... Chưa khai thác hết những giá trị văn hóa, con người để phát huy, khai thác phát triển kinh tế du lịch ban đêm, nhất là quần thể di tích cố đô Huế và các dịch vụ, hoạt động dọc hai bờ và lòng sông Hương.
Đây cũng là tình trạng chung về phát triển kinh tế đêm của các địa phương trong cả nước, như đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch nhận xét: “Kinh tế đêm Việt Nam đang ở tình trạng “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”, lượng khách thì tăng, trong khi đóng góp vào GDP không tăng”.
Nhiều vấn đề phát sinh cần lời giải khi phát triển kinh tế đêm
Theo đại diện nhiều Sở Du lịch (hoặc Sở VH-TT&DL), các doanh nghiệp, đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm (kinh tế đêm) do Tổng cục Du lịch đang hoàn thiện trình Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ có độ “hấp dẫn” rất lớn, nhưng, để phát triển kinh tế đêm sẽ có rất nhiều “phép tính” cần lời giải trước khi tính đến hiệu quả của loại hình này.
Vấn đề đầu tiên và lớn nhất hiện tại đó là cơ chế, hành lang pháp lý cụ thể hóa triển khai phát triển kinh tế đêm.
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, việc phát triển kinh tế đêm hiện chưa có “đường đi” rõ ràng, các địa phương cũng chưa chủ động trong việc hình thành các khu, điểm du lịch về đêm. “Cần có mô hình chuẩn cho việc phát triển sản phẩm du lịch về đêm. Đề án phát triển kinh tế đêm đã được Chính phủ đã ban hành nhưng chưa được thể chế hóa cụ thể qua các luật, nghị định, thông tư để triển khai thực hiện, hay phân rõ trách nhiệm của các bên liên quan”, ông Tường phân tích.
Đồng tình với quan điểm này, ở góc độ doanh nghiệp, bà Phùng Phạm Thanh Thúy - Giám đốc kinh doanh Sunword, phụ trách vùng miền Trung (Tập đoàn Sungroup) - cho rằng, Chính phủ đã đồng ý cấp phép cho sản phẩm đêm là từ 18h hôm nay đến 6h sáng hôm sau. Vậy thì cần nghị định hướng dẫn cho những doanh nghiệp tham gia vào đó họ sẽ thực thi những gì để tránh vi phạm; điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp tham gia vào sản phẩm đêm.
Bên cạnh cơ chế, giải quyết bài toán về vệ sinh, ô nhiễm tiếng ồn, an ninh trật tự là những thách thức hiện tại với tất cả các địa phương khi phát triển kinh tế đêm.
Để giải quyết thách thức này, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm có nghiên cứu và thí điểm thành lập mô hình cảnh sát du lịch ở một số địa phương. “Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL cần phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu và sớm đề xuất thành lập thí điểm mô hình cảnh sát du lịch tại một số địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm để xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách”, ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - đề xuất.
Ngoài ra, một thách thức khi phát triển kinh tế đêm nữa đó là sự xung đột giữa các hộ làm kinh tế đêm với các hộ không thực hiện trong cùng một khu vực. Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Sở VH-TT&DL TP. Cần Thơ - cho rằng, thực trạng hiện nay sản phẩm kinh tế đêm còn manh mún, quản lý chưa đồng bộ. Vì vậy, dễ xảy ra xung đột giữa các hộ kinh doanh với các hộ không kinh doanh trong khu vực phát triển kinh tế đêm.
“Mỏ vàng” của du lịch chờ được khai phá
Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm như: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa - nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; dân số trẻ đông, sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao.
Việc mở cửa cho kinh tế về đêm được đánh giá phù hợp với xu hướng quốc tế và là “mỏ vàng” của ngành Du lịch, không những giúp giữ chân du khách và quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Qua thực tế triển khai ở một số địa phương, mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng kinh tế đêm phần nào đã thể hiện được vai trò thúc đẩy chi tiêu về đêm. Điển hình nhất là mô hình phố đi bộ Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2019, mức đóng góp trực tiếp của ngành du lịch thành phố vào GRDP đạt 6,2 tỷ USD. Riêng về hoạt động kinh tế đêm, qua khảo sát sản phẩm du lịch về đêm, khách du lịch nội địa của thành phố đóng góp 15% vào GDP ngành du lịch thành phố; trong khi đó khách du lịch quốc tế đóng góp 5% vào GDP du lịch thành phố. Song song đó, phát triển hoạt động dịch vụ về đêm tạo ra việc làm cho người lao động tham gia phục vụ trong các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Qua thống kê, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng hơn 16.000 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ về đêm tạo việc làm cho 370.000 lao động.
Phố đi bộ Bùi Viện đi vào hoạt động từ cuối tháng 8/2017 và nổi lên trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Đến nay, phố Bùi Viện đã có hơn 350 cơ sở kinh doanh với các hoạt động chủ yếu như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú… Vào các buổi tối cuối tuần, phố đi bộ Bùi Viện có hơn 2 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm và sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch tại đây. Mỗi năm, các cơ sở kinh doanh ở Bùi Viện đóng thuế hàng tỷ đồng, riêng trong năm 2019, thuế công thương nghiệp thu được tại đây là khoảng 6 tỷ đồng. Các hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức thường xuyên tại phố đi bộ để quảng bá văn hóa và thu hút khách du lịch như các chương trình văn nghệ biểu diễn nghệ thuật hiện đại, truyền thống tại sân khấu trên tuyến đường này.
Phố Bùi Viện cũng đã tạo được hiệu ứng lan tỏa, làm điển hình mẫu để hình thành nhiều khu phố đi bộ, phố ẩm thực về đêm trên địa bàn các quận, huyện khác của TP. Hồ Chí Minh tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp của hình ảnh thành phố về đêm.