Bài 1: Làm sống dậy các giá trị của ông cha

Đến nay, Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể (PVT) được UNESCO ghi danh ở hai danh mục: DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp và DSVHPVT đại diện của nhân loại; 288 DSVHPVT quốc gia.

Cùng với hệ thống DSVH phong phú, đặc sắc là hàng nghìn nghệ nhân-chủ thể DSVH đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản, được UNESCO ví như “báu vật nhân văn sống”. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng những đóng góp của các nghệ nhân cũng như vai trò quan trọng của họ trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của dân tộc. Đã có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ chăm lo cho nghệ nhân, tuy nhiên trong thực tế vẫn chưa tương xứng, chưa phù hợp; ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Bằng tài năng và tình yêu di sản, khát khao gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, những thế hệ người Việt luôn có ý thức, nỗ lực khôi phục, bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc.

Giấc mơ "cha truyền con nối"

Trong ngôi nhà nhỏ gần cửa hậu, cổng phía nam Kinh thành Huế, tiếng đàn của các thế hệ con cháu cố Nghệ nhân Lữ Hữu Thi (nghệ nhân nhã nhạc cuối cùng của triều Nguyễn, đã mất năm 2016) vang xa như níu bước chân người ghé qua. Bên bàn trà, cháu nội của Nghệ nhân Lữ Hữu Thi là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Lữ Hữu Ngọc đang tỉ mẩn dạy cho cháu ruột của mình là Lữ Hữu Vinh, 14 tuổi, chơi đàn. Từ ngày Nghệ nhân Lữ Hữu Thi tạm biệt cõi trần, nghệ nhân Lữ Hữu Ngọc kế tục sự nghiệp của ông nội, hằng ngày truyền dạy nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế cho các thế hệ con cháu trong dòng họ Lữ Hữu và những ai muốn học hỏi, biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam đầu tiên được UNESCO vinh danh là “kiệt tác của nhân loại”. Cậu bé Lữ Hữu Vinh là thế hệ thứ tư của dòng họ Lữ Hữu, ngoài những buổi đi học đã tham gia biểu diễn với các chú của mình. “Cháu đang cố gắng học để vừa giữ gìn tinh hoa truyền thống của cha ông, vừa giỏi giang để được là nghệ sĩ biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, giống như các chú của cháu”-Lữ Hữu Vinh nói về giấc mơ của mình.

 Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Xuân Hội hướng dẫn hát xoan cho cháu nội Nguyễn Mạnh Hà.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Xuân Hội hướng dẫn hát xoan cho cháu nội Nguyễn Mạnh Hà.

heo Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, trong 120 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của nhà hát hiện nay, đa phần là kết quả của quá trình trao truyền liên tục các thế hệ gia đình. Những nghệ nhân này vẫn đang âm thầm thực hiện sứ mệnh đưa dòng chảy âm nhạc cung đình từ các thế hệ đi trước cho thế hệ kế tục. NSND Bạch Hạc chia sẻ niềm vui: “Gần đây, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến Duyệt Thị Đường thưởng thức và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến nhã nhạc. Khi chương trình biểu diễn kết thúc, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã nán lại hỏi han thân mật các nghệ sĩ, diễn viên. Nhật hoàng ân cần hỏi tôi rất nhiều câu hỏi, rằng đến nay nhã nhạc Việt đã sưu tầm được khoảng bao nhiêu bài bản rồi. Tôi bảo cả lễ nhạc lẫn vũ khúc cung đình phục hồi được gần 100 bài bản. Ngoài biểu diễn nghênh tiếp các quốc khách và giao lưu văn hóa nhiều nơi, nhã nhạc còn được biểu diễn tại di tích Huế để phục vụ du khách. Ngài bảo: “Tốt quá!”, rồi cho biết ở Nhật Bản, người hành nghề trong đoàn Gagaku (lễ nhạc cung đình Nhật Bản) đều lớn tuổi chứ không nhiều người trẻ như ở Huế”.

Khi người dân làm chủ không gian diễn xướng

Cũng như nhã nhạc cung đình Huế, thời gian qua, các DSVHPVT thế giới vinh danh đã được các cấp quan tâm hơn. Nhiều địa phương có di sản đã đưa ra kế hoạch hành động, đạt hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, được cộng đồng hưởng ứng. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong buổi dự kỷ niệm 3 năm thành lập Câu lạc bộ (CLB) Quan họ Nhị Hà tại đình Yên Phụ (Hà Nội), ông Nguyễn Hữu Quất, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết: "Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Ninh thực hiện đầy đủ cam kết của tỉnh cũng như của Việt Nam với UNESCO trong việc tạo điều kiện xây dựng CLB quan họ, có chế độ đãi ngộ nghệ nhân. Đến nay, Bắc Ninh là tỉnh tiên phong trong cả nước có chính sách trợ cấp hằng tháng cho nghệ nhân, mua bảo hiểm y tế, có quy định mai tang phí, đầu tư xây dựng và tôn tạo không gian thực hành quan họ… Qua đó giúp các nghệ nhân tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, nhiệt huyết, cống hiến tài năng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc".

Chưa đầy 10 năm, hát xoan Phú Thọ từ DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp, được vinh danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại là minh chứng sinh động, góp phần nâng cao nhận thức, phương pháp ứng xử đối với DSVH của tỉnh Phú Thọ. Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Xuân Hội, Chủ nhiệm CLB Hát xoan phường xoan Phù Đức (xã Kim Đức, TP Việt Trì) nhắc đến loại hình diễn xướng dân gian mà ông thực hành, gìn giữ, truyền dạy hơn 60 năm qua thì tự hào lắm. Ông bảo, tưởng có lúc hát xoan không còn tồn tại trong nhân gian nữa, vậy mà qua thăng trầm, giờ là di sản đại diện của nhân loại. Tất cả đều nhờ vào sự quan tâm, rốt ráo, thấu đáo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cấp lãnh đạo địa phương, đặc biệt là sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

NNND Nguyễn Xuân Hội nhắc nhớ về những ngày gian khó, vất vả, đi tới từng nhà để vận động bà con tham gia hát xoan, múa xoan, tìm tòi chép lại các bản viết cổ với ý nghĩa giữ gìn hình thức trình diễn có huyền tích giá trị hàng nghìn năm từ thời các Vua Hùng. Nay hát xoan vang xa, tỉnh nhà có các chương trình hành động, bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan. Miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức)-nơi được coi là phát tích hát xoan, cách TP Việt Trì chưa đầy 5km, trước chỉ là một cái miếu nhỏ, lụp xụp giữa cánh đồng, giờ trở thành một trong những di tích trọng điểm của tỉnh Phú Thọ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị và truyền dạy hát xoan, cũng là điểm du lịch của du khách trong và ngoài nước quanh năm. Miếu Lãi Lèn được xây dựng trên diện tích 1,7ha, gồm các hạng mục: Nghi môn, bình phong, hồ sen, tả vu, hữu vu... Nhà trưng bày nghệ thuật hát xoan Phú Thọ là hạng mục trọng tâm của công trình, có diện tích hơn 300m2, kiến trúc kiểu chữ nhất, một tòa, ba gian hai chái, kiểu nhà bốn mái, lợp ngói mũi hài. Miếu Lãi Lèn được đầu tư xây dựng không chỉ tạo ra không gian linh thiêng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân mà còn là một công trình văn hóa, không gian văn hóa đẹp, khẳng định những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát xoan, góp phần không nhỏ trong việc sớm đưa hát xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Trong không gian trình diễn nhà trưng bày, NNND Nguyễn Xuân Hội chỉ dạy cháu nội của mình là Nguyễn Mạnh Hà, chiến sĩ trẻ của Kho 854 (Tổng cục Kỹ thuật) đang trong thời gian được nghỉ phép học hát xoan. Qua chất giọng trẻ trung, lối trình diễn vui tươi, nhanh nhẹn của chàng chiến sĩ trẻ mà cách diễn giải cái tình, cái nghĩa trong xoan cứ lan tỏa, thấm đượm tới người nghe. NNND Nguyễn Xuân Hội kể, đến giờ ông không nhớ đã truyền dạy cho bao nhiêu thế hệ, từ các cháu tuổi lên 8, lên 10, đam mê tập luyện, trình diễn đến mười tám, đôi mươi thôi hát đi học, đi làm, đi xuất khẩu lao động, lớp truyền dạy lại có thế hệ mới… Mới đây, ông được mời làm giám khảo của Liên hoan hát xoan thanh thiếu nhi TP Việt Trì nên ông phấn khởi lắm, bởi sức lan tỏa của xoan đã vươn xa, được cộng đồng trân quý, đón nhận.

Sau 10 năm được thế giới vinh danh, di sản quan họ đã lan tỏa rộng khắp. Hiện Bắc Ninh có 368 làng thực hành quan họ, 814 CLB quan họ thành lập ở nhiều tỉnh, thành phố, tiêu biểu là TP Hồ Chí Minh có tới 17 CLB thực hành và truyền dạy hát quan họ.

(còn nữa)

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-1-lam-song-day-cac-gia-tri-cua-ong-cha-583558