BÀI 1: Làm theo Bác để nhân lên những điều tử tế

Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cả hệ thống chính trị của tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ 'học tập' sang 'làm theo'. Từ đó, Chỉ thị 05 đã 'ăn sâu, bám rễ' vào cuộc sống, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành hoạt động thường xuyên, hằng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân…Thời gian qua, việc học tập và làm theo Bác ở Tiền Giang ngày càng lan tỏa sâu rộng, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tận tụy phục vụ nhân dân, hy sinh quên mình để giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Sự tận tụy gắn với những việc làm thiện nguyện đầy nghĩa tình được nhân dân tin yêu, cảm phục, gọi là việc làm 'tử tế'…CHẮP CÁNH CHO NHỮNG ƯỚC MƠ

Đầu năm 2015, sau khi về hưu, đồng chí Phạm Văn Bé, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, lại tiếp tục trên cương vị mới là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Gò Công Đông. Đồng chí Phạm Văn Bé tiếp tục “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” bằng việc cống hiến sức mình cho xã hội, cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Đồng chí luôn đồng hành với những chuyến đi thiện nguyện, làm việc tử tế cho đời, cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ phải bỏ học. Đôi chân cùng trái tim nhiệt huyết của đồng chí đã chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của học sinh nghèo của huyện Gò Công Đông.

Đồng chí Phạm Văn Bé (hàng trên, thứ 3 từ phải qua) đã vận động xây dựng “Mái ấm khuyến học” giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng chí Phạm Văn Bé (hàng trên, thứ 3 từ phải qua) đã vận động xây dựng “Mái ấm khuyến học” giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Với chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng chí cùng với các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Khuyến học huyện xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phong trào khuyến học và hoạt động khuyến học của huyện, nhất là bám sát các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Từ đó, nội dung thi đua khuyến học, khuyến tài của huyện ngày càng gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua của ngành Giáo dục và các phong trào của địa phương.

Thông qua các mối quan hệ công tác và quan hệ xã hội, đồng chí Bé vận động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện tốt phong trào khuyến học địa phương. Tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công tác khuyến học và vì tương lai của các em học sinh là động lực để đồng chí Bé tích cực đề ra các giải pháp để công tác khuyến học của huyện ngày càng phát triển, với mong muốn làm sao có thể hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Hội Khuyến học huyện thường xuyên phối hợp với ngành Giáo dục, Hội Khuyến học cấp xã quan tâm, rà soát những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo... không có điều kiện đến trường, có nguy cơ bỏ học để kịp thời hỗ trợ cho các học sinh này tiếp tục được đến trường.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội Khuyến học huyện đã vận động các nguồn lực được hơn 24,4 tỷ đồng, vận động xây dựng 12 “Mái ấm khuyến học” trị giá 640 triệu đồng, tạo nguồn lực động viên, giúp đỡ những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi... để các em học sinh đều được đến trường, thúc đẩy truyền thống hiếu học của quê hương, góp phần vào thành tích chung của sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Gò Công Đông.

Riêng từ năm 2021 đến năm 2022, Hội Khuyến học huyện đã vận động các nguồn lực trong và ngoài huyện để thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Qua đó, Hội đã vận động tiền và hiện vật gần 2 tỷ đồng. Với những nỗ lực của đồng chí Bé và tập thể Hội Khuyến học huyện, thời gian qua công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện Gò Công Đông đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tích chung của huyện.

Đồng chí Phạm Văn Bé cho biết, học tập và làm theo Bác không phải là bằng những điều cao siêu, mà cần bắt đầu từ những việc làm giản dị, từ lời nói, việc làm, bằng thái độ, cách xử lý và giải quyết công việc, cuộc sống hằng ngày. Việc học tập và làm theo Bác đã giúp cho bản thân có những kinh nghiệm, bài học quý báu. Qua đó, bản thân nhìn nhận, soi xét trong nhiệm vụ, trách nhiệm của mình để rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Bản thân sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập và làm theo Bác để công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

NỮ “CHIẾN SĨ ÁO ĐỎ” GIÀU LÒNG NHÂN ÁI

Là người đứng đầu trong một Hội mang tính chất nhân đạo của phường, chị Nguyễn Bích Luyến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 5 (TP. Mỹ Tho) luôn khắc ghi lời dạy của Bác: “… Cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.

Chị Nguyễn Bích Luyến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 5 (TP. Mỹ Tho) trao quà cho đối tượng khó khăn trên địa bàn phường. Ảnh: Văn Thảo

Chị Nguyễn Bích Luyến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 5 (TP. Mỹ Tho) trao quà cho đối tượng khó khăn trên địa bàn phường. Ảnh: Văn Thảo

Thấm nhuần lời dạy đó, chị Luyến cố gắng thực hiện tốt vai trò cầu nối, huy động nguồn lực trong xã hội để chăm lo hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn cơ nhỡ góp phần cùng phường thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội từ những việc làm cụ thể, thiết thực trong cuộc sống đời thường, làm việc hết lòng, hết sức không ngại gian khổ, khó khăn, nói đi đôi với làm.

Ở những nơi chị Luyến tìm đến, mỗi người mỗi số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung sự khó khăn, cần được giúp đỡ. Từ nhận thức cho tới từng hành động tận tâm, chia sẻ của chị đã góp phần giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn thêm động lực vượt qua khó khăn.

Trong 2 năm qua, mô hình “Tương thân tương ái” đã nhận được sự chung tay đóng góp của mọi người và Hội đã phát hơn 2.000 phần quà trị giá trên 800 triệu đồng, hơn 100 lượt tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo, hơn 6.000 suất cơm nhân ái đã được trao cho những người cơ nhỡ trong địa bàn phường và địa phương khác, vận động nhà hảo tâm xây 2 căn nhà Chữ thập đỏ trị giá 100 triệu đồng.

Với mô hình “Chăm sóc sức khỏe ban đầu”, hằng năm, chị Luyến chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp Trạm Y tế phường và các đoàn khám thiện nguyện tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo cho người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân chiến tranh và các đối tượng dễ bị tổn thương khác. Trung bình mỗi năm có ít nhất 1 đợt khám, chữa bệnh nhân đạo với hơn 300 bệnh nhân nghèo được khám bệnh miễn phí.

Ngoài ra, chị Luyến đôn đốc, nhắc nhở các tổ sơ cấp cứu luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có yêu cầu. Đặc biệt, với mô hình “Dòng họ nhân đạo”, chị Luyến đã vận động chính gia đình của mình trích lương tháng hỗ trợ cho hộ nghèo mượn vốn không lãi suất và trả dần hằng tháng. Qua đó đã giúp cho người cần đồng vốn xoay xở để bán vé số hoặc mua bán nhỏ. Tuy nguồn vốn ít, nhưng đã làm ấm lòng cho những hoàn cảnh bất hạnh.

Tuy chị Luyến chưa được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng, nhưng chị luôn chấp hành mọi sự chỉ đạo của Đảng, luôn học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Chị Luyến đã gắn nhiệm vụ của Hội và triển khai đến các chi hội tổ chức có hiệu quả việc học tập và làm theo Bác.

Tuyên truyền đúng lúc và đúng thời điểm với phương châm “mưa dầm thấm sâu” của chị đã giúp cán bộ, hội viên đăng ký và làm theo. Chị làm cầu nối và tạo mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ với hội viên trong toàn Hội; thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và cùng chung tay hoạt động nhân đạo bằng chữ “Tâm” và chữ “Tình”.

Những việc làm đó đã đưa Hội Chữ thập đỏ phường 5 cũng như chị Luyến đạt nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền. Phần thưởng lớn nhất của chị Luyến chính là tình cảm yêu mến của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng và người dân trong phường 5 nói chung dành cho chị.

Chị Luyến chia sẻ: “Bản thân luôn xác định việc học tập và làm theo Bác là việc làm cần thiết và quan trọng không chỉ ở mỗi cán bộ, đảng viên, mà còn đối với tất cả mọi người, mọi tầng lớp nhân dân. Học Bác để hoàn thiện bản thân và nhân lên những điều tử tế, tốt đẹp đến với mọi người. Với ý nghĩa đó, tôi luôn mong muốn kết nối được nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh để cùng chung tay, góp sức sưởi ấm những mảnh đời kém may mắn trong xã hội…”.

VĂN THẢO

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202308/khi-chi-thi-05-lan-toa-vao-cuoc-song-bai-1-lam-theo-bac-de-nhan-len-nhung-dieu-tu-te-988187/