Bài 1: Loài rong được di trồng từ Philippines, sang Nhật Bản, đến Việt Nam

Nhiều người từng nghĩ rong sụn là một loài rong sống tự nhiên ở vùng biển Việt Nam như gần 800 loài rong biển khác dọc 3.200 km bờ biển. Nhưng ít ai biết, vì lợi ích kinh tế mà loài rong này mang lại cho người dân ven biển, các nhà khoa học đã kỳ công di trồng nó từ Philippines, Nhật Bản rồi đến Việt Nam cách nay 24 năm, rồi nghiên cứu để lấy những tinh chất quý từ loài rong này phục vụ cuộc sống...

Nuôi rong sụn ở Vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa.

Nuôi rong sụn ở Vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa.

NDĐT – Nhiều người từng nghĩ rong sụn là một loài rong sống tự nhiên ở vùng biển Việt Nam như gần 800 loài rong biển khác dọc 3.200 km bờ biển. Nhưng ít ai biết, vì lợi ích kinh tế mà loài rong này mang lại cho người dân ven biển, các nhà khoa học đã kỳ công di trồng nó từ Philippines, Nhật Bản rồi đến Việt Nam cách nay 24 năm, rồi nghiên cứu để lấy những tinh chất quý từ loài rong này phục vụ cuộc sống...

Từ búi rong sụn nửa cân của nhà khoa học Nhật Bản

Câu chuyện diễn ra từ hơn 20 năm trước, nhưng đến tận bây giờ, các cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang vẫn nhớ rất rõ.

Thạc sĩ Võ Duy Triết, Phòng Vật liệu hữu cơ từ tài nguyên biển kể lại, vào tháng 2-1993, trong một chương trình hợp tác nghiên cứu về rong biển giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, GS Masao Ohno, một người thầy của anh đã mang một bụi rong sụn nặng khoảng 500g sang Việt Nam làm giống.

Loài rong này được vị giáo sư đáng kính đã tìm thấy ở Philippines. Biết được giá trị của nó trong việc chiết xuất ra chất carrageenan phục vụ các ngành công nông nghiệp, thực phẩm, y dược, GS Ohno đã đưa nó về Nhật Bản, tìm cách nhân giống nuôi trồng nó và chuyển giao công nghệ đến các nước nghèo ven biển để tạo sinh kế cho người dân. Và Việt Nam là một trong những điểm đến của ông.

Từ nửa cân rong sụn quý giá, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, lúc đó đang là Phân viện Khoa học vật liệu tại Nha Trang, do ông Huỳnh Quang Năng, Phó Phân viện trưởng chủ trì, đã tìm cách nhân giống rong sụn ra môi trường biển Việt Nam.

Mấy tháng đầu, rong sụn được trồng ở Nha Trang để tiện việc theo dõi. Sau đó, Viện có chương trình nuôi thủy sản ở Phan Rang (Ninh Thuận), sẵn có một bộ phận nhà khoa học đang làm việc ở đó nên họ mang rong sụn qua đó trồng và theo dõi.
Từ bụi rong sụn nhỏ nhoi, đến tháng 10-1993, phân viện đã chuyển giao 5kg rong sụn đầu tiên cho Trung tâm khuyến ngư Ninh Thuận trồng thử nghiệm tại đầm Sơn Hải. Kết quả là giống rong sụn “hợp” biển Ninh Thuận hơn và phát triển tốt hơn ở một vùng biển nhiều sóng gió như Nha Trang.

Anh Triết kể, Phan Rang hồi đó có đầm Sơn Hải rất phù hợp cho loài này, chính từ đầm này mà loài rong sụn được nhân giống dần đưa vào khắp vùng Ninh Thuận, Bình Thuận rồi đem ra Bình Định, Phú Yên, rồi vào trồng thử tận đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Sau khi nhân giống thành công, các nhà khoa học bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo chuyển giao công nghệ cho người dân. Họ mời cả GS Masao Ohno bên Nhật Bản qua truyền đạt kinh nghiệm. Vị giáo sư này đã đi nhiều nước, kinh nghiệm trồng rong sụn ở mỗi nước có cái hay cái dở riêng, những điều đó rất đáng quý cho Việt Nam khi mới bắt đầu trồng rong sụn.

Một số dòng rong sụn được di nhập thêm từ Philippines năm 2005.

Một số dòng rong sụn được di nhập thêm từ Philippines năm 2005.

Sau khi thành công với rong sụn, năm 2005, các nhà khoa học còn di nhập thêm ba loài rong biển có chứa chất Carrageenan từ Philippines về trồng tại Ninh Thuận. Các nhà khoa học còn đề xuất các giải pháp phát triển trồng rong sụn bền vững gồm các giải pháp về mô hình kỹ thuật, giải pháp về giống, phòng trị bệnh, hoạch định vùng và diện tích trồng thích hợp.

Trồng rong sụn dễ mà khó

Rong sụn (Kappaphycus alvarezii (Doty) là một loài rong biển nhiệt đới, sinh trưởng và có nguồn gốc tự nhiên ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương. Đây là loài rong biển có giá trị kinh tế cao, có thể chế biến thành các dạng thực phẩm sử dụng trực tiếp từ rong tươi hay đã phơi khô. Thành phần hóa học chủ yếu của rong sụn là Carrageenan, chiếm 40-55% khối lượng rong khô. Đây là một loại polysaccharide có tính tạo đông, kết dính và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực kinh tế như: chế biến thực phẩm, y dược, mỹ phẩm, dược phẩm dệt, giấy, sơn, công nghệ sinh học.

Mẫu bột Carrageenan và mẫu rong sụn khô được các nhà khoa học thu thập để chào bán cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Mẫu bột Carrageenan và mẫu rong sụn khô được các nhà khoa học thu thập để chào bán cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hàng năm, trên thế giới tiêu thụ khoảng 150.000 tấn rong khô cung cấp 28.000 tấn Carrageenan với giá trị 270 triệu USD. Hiện nay, các nước sản xuất Carrageenan nhiều trên thế giới là Philippines, Mỹ, Đan Mạch, Pháp… Tổng sản lượng Carrageenan trên thế giới mỗi năm khoảng 42.000 tấn, trong đó: châu Âu chiếm 32%, Mỹ 21%, châu Á - Thái Bình Dương 47%.

Theo các nghiên cứu chế biến rong sụn gần đây của Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, ở Việt Nam, bột Carrageenan còn có thể được sử dụng rộng rãi làm chả giò, chả cá thay thế cho hàn the. Ngoài ra, dùng trong sản xuất các loại kẹo dẻo trái cây, mứt rong khô, bánh tráng rong sụn… Còn trong nông nghiệp, chế biến ra sản phẩm dịch rong làm phân bón cho cây trồng, ứng dụng cho sản xuất rau sạch. Bên cạnh đó, rong sụn còn có tác dụng lớn trong việc hấp thụ một số các yếu tố dư dưỡng, gây nhiễm bẩn và góp phần đa dạng sinh học môi trường ven biển. Chính những hiệu quả đó từ cây rong sụn, ngành nông nghiệp gọi đây là cây xóa đói giảm nghèo của người dân khu vực ven biển.

Ở Việt Nam, ban đầu chỉ có 15 hộ trồng rong sụn ở Ninh Thuận, rồi tăng dần lên đến 500 hộ với tổng diện tích 6.000 ha mặt nước. Một số tỉnh ven biển khác, sau khi thấy Ninh Thuận trồng thành công cũng đã chuyển sang nghề trồng rong sụn. Đến nay nghề trồng rong sụn đã thu hút và tạo công ăn việc làm cho 4.000 hộ dân, tận dụng diện tích mặt nước trong các vùng đầm bãi, vùng ngang ven biển… lâu nay bỏ trống hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Từ 1993 đến giờ rong sụn đã phát triển rất nhiều, nhưng cũng như tình trạng nuôi trồng chung của Việt Nam là được mùa mất giá, cây rong sụn cũng bấp bênh như những loài cây khác. Lúc Trung Quốc thu mua rong sụn, người dân thi nhau phát triển ồ ạt. Có lúc người dân tranh giành nhau một vùng vịnh Cam Ranh để nuôi. Nhưng khi rong sụn rớt giá, cây rong bị bỏ quên không ai ngó ngàng đến.

“Mất khoảng 45 ngày để trồng nên một cây rong sụn, từ mẻ thu hoạch trước đến mẻ sau mất khoảng 30 ngày. Rong sụn trồng rất đơn giản, cứ như rau muống vậy, cứ cắt đi rồi cột sang nơi khác đợi nó nảy mầm rồi cắt để cột tiếp”. Thạc sĩ Võ Duy Triết nói thật đơn giản về việc trồng rong sụn của bà con ngư dân ven biển.

Theo anh Triết, có ba phương pháp chính trồng rong sụn là: trồng bằng dàn nổi, làm dây đơn căng trên đáy, hoặc làm khung phao. Tùy theo vùng biển mà người dân chọn phương pháp trồng, vùng nước sâu thì dùng dàn, vùng nước cạn thì làm dây đơn căng trên đáy, còn nước nổi thì phải dùng phao. Nhưng chất lượng rong của phương pháp làm dàn là tốt nhất, vì không bị vật bám nhiều vì vùng biển sâu, nhưng chi phí cao vì phải làm neo để chống chịu với sóng gió.

Giống rong thì người dân cứ giữ từ năm này qua năm khác, cắt như rau muống và cắm xuống vùng khác để nuôi. Bụi rong có nhiều cây dài cứ cắt một đoạn thì nó sẽ nhanh chóng nở to trở lại.

Trồng rong sụn ở vịnh Vân Phong (Khánh Hòa).

Trồng rong sụn ở vịnh Vân Phong (Khánh Hòa).

Các phương pháp này đã được các anh tập huấn cho rất nhiều bà con qua các buổi hội thảo. Hiện nay, có ba vùng trồng rong sụn khá ổn định là vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) và đầm Sơn Hải (Phan Rang, Ninh Thuận), ngoài ra còn một số nơi nuôi rải rác. Ở Phú Quốc (Kiên Giang), Bình Thuận cũng đã trồng nhưng điều kiện tự nhiên không tốt do bãi ngang bị sóng đánh nhiều nên cây rong khó phát triển. Cà Ná vẫn nuôi nhưng diện tích hạn chế, mùa hè nuôi nhiều hơn mùa này.

Mới đây, một doanh nghiệp Nhật Bản đã sang Việt Nam tham quan các vùng trồng rong sụn của miền trung để xây dựng nhà máy chiết xuất chất Carrageenan. Tuy nhiên, sản lượng trồng rong sụn của nước ta còn quá thấp, chưa đủ để nhà máy này hoạt động. Anh Triết cho biết, các nhà khoa học đang thương lượng với doanh nghiệp này hỗ trợ người dân mở rộng vùng trồng rong sụn để đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Nhưng doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu phía Việt Nam phải có vốn đối ứng thì mới triển khai. Thế nên, tất cả mới chỉ là tâm nguyện của những người làm khoa học đầy nhiệt huyết với cây rong giúp dân xóa nghèo, những việc còn lại đang cần sự vào cuộc của các địa phương có vùng trồng rong và các cơ quan quản lý.

Thu hoạch và phơi khô rong sụn ở vịnh Cam Ranh.

Thu hoạch và phơi khô rong sụn ở vịnh Cam Ranh.

HỒNG VÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/31943402-bai-1-loai-rong-duoc-di-trong-tu-philippines-sang-nhat-ban-den-viet-nam.html