Bài 1: Lợi ích nhóm đang làm 'méo mó' công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại Hà Nội?
LTS: Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa tại một số tỉnh, thành phố đặc biệt là một số thành phố lớn diễn ra nhanh chóng, trong đó vai trò của công tác lập, quản lý quy hoạch đặc biệt quan trọng; trong đó hệ lụy của việc 'tự tiện' điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Hệ quả là, lợi nhuận của một vài chủ đầu tư tăng lên, nhưng đời sống của cộng đồng người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có hay không sự 'tùy tiện', 'lợi ích nhóm' trong công tác quản lý, điều chỉnh quy hoạch? Pháp luật về quy hoạch và các quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng đã quy định chi tiết các nội dung, nhưng tại sao những người lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch vẫn áp dụng sai, có nhiều tiếng nói khác nhau trong cùng một đồ án về quy hoạch? Giai đoạn tới, nhà quản lý và những người làm quy hoạch cần làm gì để giải quyết những vấn đề bức bối này? Loạt bài: 'Công tác quản lý và sự 'tùy tiện' trong điều chỉnh quy hoạch' sẽ làm rõ phần nào những thực trạng và 'góc khuất' trong công tác lập, quản lý quy hoạch hiện nay.
Hà Nội bước vào giai đoạn đổi mới đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, văn hóa -xã hội, từ một thành phố bị ảnh hưởng bởi chiến tranh đã bứt phá, vươn lên, trở thành một trong những “kỳ lân” của khu vực Châu Á. Với tầm nhìn chiến lược, Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Sự phát triển diễn ra nhanh chóng, nhưng thiếu các định chế giám sát, sự nghiêm minh trong xử lý sai phạm, đã kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác quy hoạch, quản lý và điều chỉnh quy hoạch.
Thực trạng quy hoạch Hà Nội những năm sau đổi mới
Quá trình phát triển đô thị cho thấy, công tác lập, quản lý quy hoạch có một “quyền năng” vô cùng lớn, nó không chỉ cho xây dựng một công trình, một đô thị, mà còn định hướng cho phát triển cả một nền kinh tế đô thị, kinh tế vùng đô thị.
Nhìn lại đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô năm 1992, Hà Nội chủ yếu phát triển về phía Nam sông Hồng với chỉ tiêu đất đô thị bình quân là 43,7m2/người lên 54m2/người. Năm 1998, với sự phối hợp của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTG (gọi tắt là Quy hoạch chung 198). Mục tiêu quy hoạch nhằm xác định vị trí, vai trò đặc biệt của Thủ đô trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, phù hợp với phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết hợp hài hòa giữa xây dựng, phát triển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải tạo với xây dựng mới, nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố vừa hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống ngàn năm văn hiến…
Theo KTS.Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, đây là một quy hoạch khá công phu, là sự nỗ lực của cả cộng đồng, người nghiên cứu. Từ thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng cho đến các trường Đại học, các đơn vị tham vấn trong và ngoài nước. Với quy hoạch này, bộ mặt đô thị từng bước thay đổi, cuộc sống của người dân được nâng cao về vật chất, văn hóa, tinh thần...Từ chi phối bởi định hướng khô cứng, thời điểm năm 1993 đến năm 1998, đất nước có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, các mô hình kinh tế thay đổi liên tục, từ 3 lợi ích cho đến kinh tế Nhà nước, liên doanh.
“Bản quy hoạch này có những bước tiến mới, từ cách lập bản đồ, thuyết minh, dù còn sơ khai, nhưng đã rất tiến bộ, nội hàm thể hiện những bứt phá lớn, thay vì xưa kia phát triển trong thành phố đã phát triển sang bên kia sông Hồng với nhiều cây cầu như Chương Dương, Thăng Long kết nối Sân bay Nội Bài nhằm tạo cực hút. Tại Bắc Sông Hồng có Gia Lâm, Long Biên, các khu đô thị hình thành những nền tảng như Sóc Sơn…Các tuyến đường xuyên tâm, đường vành đai…tính liên kết đến bây giờ vẫn rất tốt”, KTS.Trần Huy Ánh cho hay.
Tuy nhiên, với mong muốn xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế…Chính phủ tiếp tục cho phép nghiên cứu mở rộng Hà Nội và đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 (tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg).
Để đảm bảo tính đồng bộ, Luật quy hoạch đô thị và Luật Thủ đô sau đó cũng chính thức được Quốc hội thông qua; các quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dần được hoàn thiện.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, giai đoạn 2011 – 2020, Hà Nội phát triển với nhiều thành tựu nổi bật: Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng lên; Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực…
Lợi ích nhóm làm “méo mó” nhiều đồ án quy hoạch
Bên cạnh nhiều thành tựu nổi bật, tốc độ phát triển đô thị nhanh, mặt trái của đô thị cũng bắt đầu phát sinh. Sự phát triển vượt trên tầm quản lý của các nhà quản lý dẫn đến việc lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh đôi khi “tùy tiện”, chồng chéo, phá vỡ lẫn nhau. Điển hình như tại một vài huyện của TP.Hà Nội vẫn có tình trạng song song 2 đồ án quy hoạch, đó là quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong 2 đồ án quy hoạch này nhiều nội dung chồng chéo nhau, ý tưởng ngược nhau và đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vì vậy cấp dưới không biết thực hiện như thế nào?
Một đồ án quy hoạch khi lập, phê duyệt đã được các nhà tư vấn áp dụng các quy chuẩn quy hoạch để lập. Bản chất phát triển của đồ án quy hoạch xuất phát từ quy mô dân số; từ dân số yêu cầu các loại đất như: Đất ở, đất cây xanh, đất văn hóa - giáo dục, đất xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật…những điều đó đã làm nên một đồ án quy hoạch hoàn chỉnh. Nhưng trên thực tế, không có một khu đô thị nào được xây dựng như quy hoạch được duyệt ban đầu. Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm mục đích nâng tầng, tăng dân số dẫn đến phá vỡ tất cả những tính toán ban đầu. Điều này đặt ra câu hỏi, những người đề xuất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch căn cứ vào đâu? Dư luận cho rằng, đây không chỉ thuần túy là trình độ năng lực quản lý mà còn có lợi ích nào khác?
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch cũng không chú ý đúng mức, nặng hình thức. Có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch cục bộ do mong muốn thu hút đầu tư hoặc áp lực từ phía nhà đầu tư. Việc này dẫn đến không tính toán sự phù hợp, khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, điển hình như ở Hà Nội.
Theo đó, các quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng, lợi ích của người sử dụng như: Tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm mật độ cây xanh. Điều này gây bức xúc cho xã hội, thậm chí không thể khắc phục được, như tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước và ô nhiễm môi trường ngày càng diễn ra trầm trọng.
Luật Xây dựng 2003 và Luật Quy hoạch đô thị 2014 cũng đã có quy định về điều kiện điều chỉnh quy hoạch và trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch, nhưng xem xét hàng trăm đồ án điều chỉnh quy hoạch tại Hà Nội, có mấy đồ án được thực hiện đúng theo quy định của Luật? Có một điều khiến dư luận băn khoăn, trong quy định điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch đô thị có quy định việc điều chỉnh cho một lô đất, vậy trong trường hợp này thì điều chỉnh nội dung gì, nếu không phải là nâng tầng cao và tăng dân số? Cũng bởi vậy, trên một tuyến đường, dự án nào, lô đất nào cũng tăng tầng cao, dân số, tạo ra một khu đô thị chật chội, ô nhiễm, ách tắc giao thông, phá vỡ các nhu cầu đối với công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như đã tính toán ban đầu. Các nhà lập pháp, các cơ quan có trách nhiệm cũng cần nghiên cứu lại, bởi đây là “kẽ hở” để phá vỡ đô thị ban đầu đã được lập và phê duyệt.
Cũng cần nói thêm, trong quản lý quy hoạch, Hà Nội còn phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, trong khi chưa có quy hoạch phân khu, nội dung này sau đó lại được cập nhật vào quy hoạch phân khu để phê duyệt. Làm như vậy có khác gì “hợp thức” các sai phạm trong quá trình quản lý quy hoạch xây dựng đô thị?
Có thể lấy ví dụ về công tác quản lý, điều chỉnh quy hoạch tại hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính để thấy rõ những tồn tại, hạn chế.
Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ (QHCT) lệ 1/5000, 1/2000, 1/500 từ những năm 1999, các Quy hoạch phân khu đô thị (QHPKĐT) S4, H2-2, GS từ năm 2013-2015 làm cơ sở để lập thẩm định phê duyệt QHCT, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng vừa qua cho thấy, việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiều đồ án vi phạm quy định pháp luật. Chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước, đồ án có tỷ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án tỷ lệ lớn hơn mà không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Và đặc biệt dân số tuyến đường tăng rất nhiều lần so với quy hoạch ban đầu được phê duyệt. Đây đâu phải là bài toán giải quyết dân số đối với đô thị Hà Nội trong điều kiện thiếu đất xây dựng?
TS.Nguyễn Văn Muôn, Giảng Viên Cao cấp Trường Đại học Kiến trúc, Phó tổng Thư ký Hội Môi trường đô thị Việt Nam cho biết: “Quy hoạch phải đi đầu, phải được lập dựa trên khoa học, cơ sở pháp lý, bám vào thực tế ngành, được rút ra từ những bài học từ lịch sử để lại, hướng tới xây dựng quy hoạch có tầm nhìn xa, rộng, bao quát và đi trước. Thực tế cho thấy, việc xây dựng, ban hành rồi áp dụng quy hoạch vào thực tiễn thực sự rất khó khăn. Nếu không làm nghiêm túc, rất có thể sẽ bị lạm dụng, tận dụng, quy hoạch có thể bị “băm nát” bởi lợi ích tức thời của một ai đó hay doanh nghiệp nào đó. Những tồn tại về quy hoạch xây dựng hai bên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) là câu chuyện đáng để suy nghĩ, rút bài học sâu sắc”.
Cũng theo TS.Nguyễn Văn Muôn, đối với các dự án đã được phê quy hoạch thì không nên cho thay đổi quy hoạch, đặc biệt, đối với các điều chỉnh phá vỡ quy hoạch như tăng mật độ dân cư, tăng chiều cao, giảm cây xanh,…Hệ lụy phá vỡ quy hoạch sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các vấn đề như: Tạo sức ép lên hạ tầng giao thông, thiếu trường học, y tế không đáp ứng kịp…Đương nhiên, môi trường sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Nhà nước khó quản lý, từ đó này sinh nhiều vấn đề phức tạp khác như an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường.
“Trước đây, chúng ta đã có 2 khu đô thị được quy hoạch cực kỳ tuyệt vời ở 2 đầu đất nước đó là Hà Nội với Khu đô thị Linh Đàm còn Sài Gòn có Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, đến nay, có thể nói rằng, cả 2 khu đô thị này đều đã “nát”, đó là hệ lụy của việc “cấy” trong việc điều chỉnh quy hoạch của các cơ quan có thẩm quyền”, TS.Nguyễn Văn Muôn cho hay.
Các ý kiến được hỏi, đều đồng quan điểm: Quy hoạch không phải thứ để có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.
Một số ý kiến khác cho rằng, để ngăn chặn tình trạng “tùy tiện” trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng, vấn đề cần lưu tâm trước hết đó là nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch. Nói cách khác, quy hoạch được xây dựng cần có tính đón đầu, có tầm nhìn xa về sự phát triển của từng địa phương. Trong đó, cần chú trọng việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư góp ý vào quy hoạch theo quy định, bảo đảm đúng đối tượng, khách quan, chính xác. Trong lập quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch, cần bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng cư dân.
Luật sư Vi Văn A – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng: Để tăng tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ Luật hình sự cần có quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự đối với người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng và điều chỉnh quy hoạch xây dựng trái pháp luật. Phải gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong sai phạm về điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch đô thị. Theo đó, người buông lỏng quản lý, người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trái luật phải bị xử lý nghiêm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về chữ ký của mình.
Có thể thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch, song hệ quả chung của việc điều chỉnh quy hoạch “tùy tiện” đó là dẫn đến việc gia tăng dân số, gia tăng áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông…Đặc biệt là tình trạng tắc đường, úng ngập, ô nhiễm không khí, mất an toàn cháy nổ, không gian sống ngột ngạt…Những “góc khuất” trong công tác lập, quản lý và điều chỉnh quy hoạch sẽ tiếp tục được làm rõ ở các bài viết sau.