Bài 1: Luôn coi trọng công tác phòng, chống thiên tai
LTS: Theo các đánh giá quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai thất thường và có mức độ tàn phá tăng cao.
Do đặc điểm tự nhiên, miền Trung luôn là nơi phải gánh chịu nhiều thiên tai nhất cả nước. Từ những chủ trương, chính sách và sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của đồng bào và bạn bè quốc tế, một số mô hình chung sống an toàn với thiên tai đã được triển khai ở miền Trung. Tuy nhiên, để đồng bào miền Trung chung sống an toàn với thiên tai, biến đổi khí hậu, cần có nhiều hơn mô hình hay, giải pháp đúng...
5 cơn bão liên tiếp đổ vào miền Trung dẫn tới bão chồng bão, lũ chồng lũ. Người dân miền Trung chưa bao giờ phải đối mặt với khó khăn lớn như thế vì thiên tai. Sau một thời gian cả nước căng mình cùng chia sẻ với nhân dân miền Trung, khi tĩnh tâm nhìn lại, chúng ta thấy rằng, tất cả những gì xảy ra đều đã nằm trong phán đoán của chúng ta. Hồi chuông báo động về sự cuồng nộ của thiên nhiên do biến đổi khí hậu đã được gióng lên từ rất lâu, chúng ta cũng đã chứng kiến những hậu quả từ biến đổi khí hậu xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Và thực tế là Đảng, Nhà nước ta chưa bao giờ chủ quan với thiên tai, luôn coi phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu...
Miền Trung oằn mình vì bão lũ, sạt lở đất
Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều đợt thiên tai lớn, gây thiệt hại nặng nề ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở những quốc gia có cơ sở hạ tầng rất hiện đại. Có những đợt thiên tai làm chết tới hàng chục nghìn người, gây thiệt hại về kinh tế hàng trăm tỷ đô la Mỹ.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Số liệu thống kê trong 20 năm qua cho thấy, thiên tai có xu hướng ngày càng nhiều và khó lường hơn, có những diễn biến bất thường, trái quy luật và ngày càng nghiêm trọng. Bão lớn trên cấp 12 xảy ra thường xuyên hơn, hoạt động bất thường hơn. Mưa, lũ đặc biệt lớn, liên tục phá vỡ các mức cao nhất ghi nhận trong lịch sử.
Đăng đàn trước Quốc hội sáng 5-11, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 7 trong số các quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan. Nhận định khu vực miền Trung là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường khái quát, thảm họa thiên tai tại miền Trung vừa qua là tổ hợp các dạng thiên tai cộng gộp lại; 4 cơn bão đến liên tiếp (trong đó, bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm qua), lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử.
Bão và hoàn lưu bão gây mưa lớn khiến lũ lụt liên tục càn quét ở các tỉnh miền Trung. Tại thời điểm cao nhất, hơn 317.000 hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập sâu, có nơi kéo dài tới 15 ngày. Trong đó, Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất với hơn 109.000 hộ (437.000 nhân khẩu), có nơi ngập sâu đến 2-3m (tại các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh). Đặc biệt, các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 ở Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ.
Lực lượng chức năng Quân khu 4 tích cực tìm kiếm cứu nạn tại vụ sạt lở đất ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: TRỌNG HẢI
Phòng, chống thiên tai luôn là ưu tiên hàng đầu
Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Bác Hồ đã thấy rõ những tác động tiêu cực của thiên tai, nhất là bão lũ, tới đời sống của nhân dân và đã có những chỉ đạo rất sát sao trong công tác phòng, chống thiên tai. Trong các bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bão lụt và phòng, chống bão lụt là những cụm từ xuất hiện rất nhiều. Điều đó cho thấy, làm sao để phòng, chống bão lụt hiệu quả, bảo đảm an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế luôn thường trực trong suy nghĩ của Bác. Trong bài viết “Tại sao dân ta đói? Cứu đói phải thế nào?” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 30-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới giải pháp “Di dân ở những nơi lũ lụt mất mùa sang ở những chỗ được mùa”. Ngày 10-1-1946, khi nói chuyện với nông dân và điền chủ Hưng Yên, Người mở đầu: “Chúng tôi xuống đây có hai việc: Trước hết là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê. Chúng ta cần phải chăm lo việc đắp đê để đề phòng nạn lụt” và đề nghị “...mọi người đều phải sốt sắng giúp dập vào việc đắp đê. Bằng không thì còn lụt, còn đói, còn chết nữa”. Trong thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt tháng 6-1947, Người nhấn mạnh: “Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm... Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm” và “...tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình”. Nhờ sự sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “giặc lụt” đã bị đẩy lùi, bà con nông dân khắp nơi phấn khởi tăng gia sản xuất, thừa thắng tiến lên diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”.
Như vậy, ngay từ những ngày đầu điều hành chính quyền của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đánh thắng “giặc lụt” để bảo vệ tính mạng, tài sản và chăm lo phát triển sản xuất cho nhân dân, giúp nhân dân chung sống an toàn với thiên tai.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta cũng thường xuyên chăm lo tới công tác phòng, chống thiên tai, nhất là ở khu vực miền Trung. Các đánh giá về thiên tai, hạn hán, bão lụt, sạt lở đất... và giải pháp phòng, chống xuất hiện thường xuyên trong các văn bản chính thức của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng dành hẳn một mục nói về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, trong đó nêu rõ: “Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các lực lượng vũ trang; phát huy vai trò của cộng đồng, của doanh nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Nâng cao khả năng chống chịu; huy động nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; phòng, chống ngập úng đô thị. Kịp thời di dời đồng bào ra khỏi khu vực bị sạt lở”.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật xung quanh công tác phòng, chống thiên tai; đến năm 2013 đã ban hành Luật Phòng, chống thiên tai để hệ thống hóa các quy định về phòng, chống thiên tai nằm rải rác ở nhiều văn bản luật khác nhau thành một đạo luật chung, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để việc phòng, chống thiên tai được hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị; các bộ ban hành nhiều thông tư, thông tư liên tịch để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Bộ máy và trang thiết bị phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn được tăng cường. Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia; các địa phương đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai. Các chính sách hỗ trợ nhân dân phòng và ứng phó với thiên tai được thực hiện thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước, các quỹ phòng, chống thiên tai và sự chung tay, góp sức của đồng bào cả nước cũng như bạn bè quốc tế.
Tinh thần “thời chiến” khi ứng phó với thiên tai
Những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đã được cụ thể hóa thành những hành động cụ thể, quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống thiên tai.
Nhìn lại tất cả các cơn bão, những đợt lũ lụt đã qua sẽ thấy rất rõ tinh thần “thời chiến” khi ứng phó với thiên tai ở nước ta. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự khẩn trương cao nhất, dành ưu tiên mọi nguồn lực ở mức cao nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới cơ sở thường xuyên kiểm tra, bám nắm, chỉ đạo và đôn đốc việc phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng chức năng, đặc biệt là quân đội, luôn huy động tối đa lực lượng, phương tiện cho nhiệm vụ này.
Khi đi vào Biển Đông sáng 26-10 vừa qua, bão số 9 di chuyển nhanh và gia tăng cường độ cấp 14, giật cấp 17. Với nhận định đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm gần đây đổ bộ vào miền Trung nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác phòng, chống rất sớm. Trước khi bão vào Biển Đông, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả các phương tiện hiện đại (máy bay, tàu kiểm ngư, xe lội nước...) ứng phó. Ngay sáng 26-10, Thủ tướng chủ trì cuộc họp khẩn tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, với sự tham dự của các địa phương miền Trung tại các đầu cầu trực tuyến. Ngay sau đó, Thủ tướng tiếp tục đến Tổng cục Khí tượng Thủy văn điều hành cuộc họp trực tuyến với các đơn vị về công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó bão số 9...
Với sự chủ động, quyết liệt từ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới hành động của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta đã đạt được kết quả tốt. Thiệt hại về người và tài sản đã giảm đáng kể so với trước đây. Một số cơn bão gây thiệt hại nặng nề cho nước bạn, nhưng khi vào nước ta thiệt hại đã giảm mạnh mặc dù cường độ bão và hoàn lưu không giảm nhiều. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác phòng, chống lụt bão ở nước ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện để hạn chế hơn nữa thiệt hại cho nhân dân.
(còn nữa)