Bài 1: Mở van tín dụng và những thách thức trong kiểm soát dòng tiền

Triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tín dụng hỗ trợ vốn cho kinh doanh, tháo gỡ một số khó khăn hiện tại của nền kinh tế, các ngân hàng đã thực thi khá mạnh mẽ nhiều chương trình tín dụng. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ cho ngành Ngân hàng là việc kiểm soát dòng vốn đi đúng hướng phục vụ đúng khách hàng, đối tượng được hỗ trợ… nhằm đảm bảo tối ưu hiệu quả vốn.

Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính. Ảnh: TL

Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính. Ảnh: TL

Tại Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và Công điện 1156/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cung cứng vốn cho nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng giao ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp khơi thông tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại thời gian qua cũng đã thực hiện nhiều chính sách tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như nhà ở xã hội, xuất khẩu, tiêu dùng…

Nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ Chính phủ

Nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn do ảnh hưởng những vấn đề phát sinh từ năm 2022, trong đó có một số vụ án kinh tế xảy ra như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, gây tắc nghẽn dòng vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Trước bối cảnh đó, ngay từ cuối năm 2022, Thủ tướng đã có Công điện 1156 yêu cầu ngành Ngân hàng kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hoạt động ngân hàng đúng hướng, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trải qua những khó khăn, đặc biệt có nhiều biến cố trong nửa cuối năm 2022, nền kinh tế đầu năm 2023 vẫn đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ mức 8% vào năm 2022 xuống chỉ còn 3,3% trong quý I/2023. Trong đó, những khó khăn của thị trường bất động sản có dấu hiệu ảnh hưởng sang nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.

Một nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gần đây cho thấy, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019-2021 là khoảng 14%, ngành bất động sản có khả năng lan tỏa đến hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác.

Nghị quyết 33 đặt ra yêu cầu về nguồn vốn tín dụng là điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng cân đối nguồn lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…).

Đồng thời, toàn ngành tập trung cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…

Nhiều giải pháp được thực thi

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại cũng đã thực hiện một số giải pháp cơ bản. Đầu tháng 4/2022, NHNN đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, theo Nghị quyết 33.

Theo nội dung chương trình này, đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng quản lý. Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, nguồn tiền thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất lần này huy động từ các ngân hàng thương mại. Lãi suất được hỗ trợ cả ở phía cung (chủ đầu tư) và phía cầu (người mua nhà) nên thực tế tổng 2 đầu là khoảng gấp đôi mức 1,5% - 2%, tức lên đến khoảng 3,5%. Việc này vừa góp phần giảm giá thành nhà ở xã hội, vừa tăng khả năng tiếp cận cho người dân, cũng giảm sự mất cân đối cung cầu về nhà ở.

Ngoài ra, một trong các giải pháp được thị trường kỳ vọng là Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. NHNN trao quyền chủ động cho các ngân hàng trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Những kỳ vọng với chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã và đang triển khai, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02 dự kiến sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-1-mo-van-tin-dung-va-nhung-thach-thuc-trong-kiem-soat-dong-tien-127680.html