Bài 1: Nguyên tắc xuyên suốt của Đảng

Tự phê bình và phê bình (TPB&PB) là một trong những nguyên tắc xây dựng Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là 'vũ khí sắc bén' để uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến' 'tự chuyển hóa'; giúp nhận rõ những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, sai phạm... nhằm mục đích để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi TPB&PB là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. TPB&PB để trị bệnh cứu người, dân chủ trong Đảng tốt hơn, kỷ luật cao hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm hơn, làm cho mỗi tổ chức mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn. Vận dụng quan điểm của Người vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, công tác TPB&PB trong Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực về xây dựng Đảng và giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên.

NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN CỦA ĐẢNG

Đã 94 năm, trải qua bao khó khăn, thử thách, nhờ tinh thần TPB&PB mà Đảng ta không ngừng lớn mạnh. Nhưng thực tiễn cách mạng đang đặt ra những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi phải đẩy mạnh TPB&PB hơn nữa. Vì vậy, nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng được ban hành nhằm đáp ứng đòi hỏi ấy.

Đảng viên sinh hoạt đầy đủ và mạnh dạn đóng góp ý kiến tại Chi bộ khu 1, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo.

Đảng viên sinh hoạt đầy đủ và mạnh dạn đóng góp ý kiến tại Chi bộ khu 1, thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo.

Song, trên thực tế TPB&PB vẫn còn nhiều hạn chế trong sinh hoạt Đảng; tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý còn phổ biến ở không ít nơi, tiềm ẩn nhiều vấn đề như mất đoàn kết nội bộ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng giảm sút; cán bộ, đảng viên vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Bác Hồ từng cho rằng, khuyết điểm cũng như một chứng bệnh, phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm, “Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc”, Bác Hồ đã viết như vậy trong bài Phê bình, đăng Báo Nhân Dân số 16, ngày 12-7-1951.

Vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề TPB&PB. Người cho rằng, mục đích TPB&PB đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ. Theo Người, Đảng phải vận động để TPB&PB trở thành một thói quen, một nếp sinh hoạt. Bác Hồ thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện TPB&PB “như rửa mặt hằng ngày”.

Do đó, mỗi tổ chức Đảng, đảng viên coi TPB&PB là công việc thường xuyên và nghiêm túc; nêu cao tính tự giác, tính chiến đấu, tính nêu gương, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực, làm rõ những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, đề xuất những biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm... được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà “Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”.

Khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng TPB&PB, coi đây là nguyên tắc sinh hoạt quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc học tập đi đôi với làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, không nói suông, không chung chung, không hình thức… phải nêu cao tinh thần TPB&PB, xem đây là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; đồng thời, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm.

Mỗi đồng chí phải mạnh dạn tự phê bình, tự kiểm điểm, tự soi rọi lại chính mình, tự đấu tranh để không sa vào những cám dỗ về vật chất, danh lợi, tránh rơi vào chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực.

Nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được ban hành và đã đạt nhiều kết quả tích cực; trong đó, TPB&PB luôn là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu.

Từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề cập đến 4 giải pháp, trong đó nhóm giải pháp về TPB&PB, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên được đưa lên hàng đầu. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc về TPB&PB: “Từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo là giữ đúng nguyên tắc, có tình đoàn kết, thương yêu đồng chí; vừa có lý, có tình, vừa phải xử lý nghiêm minh những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm, theo phương châm “trị bệnh cứu người”, giúp nhau cùng tiến bộ.

Nội dung kiểm điểm đã bám sát vào các nội dung, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4. Các vấn đề nổi cộm, bức xúc đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ và rút ra những bài học sâu sắc. Không khí thảo luận, góp ý, TPB&PB dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, chân thành”.

Đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tiếp tục khẳng định giải pháp hàng đầu là về nêu gương TPB&PB của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp, gắn với Chỉ thị 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trong Đảng bộ tỉnh tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; ban hành hệ thống văn bản đồng bộ thống nhất, có tác động sâu rộng tới tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và là căn cứ đánh giá, việc kiểm điểm TPB&PB đối với cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức Đảng, như: Quy định trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; cũng như tập trung triển khai, quán triệt việc thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn 12 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong đó, một trong những mục đích quan trọng là: TPB&PB theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

PHÊ BÌNH GIÚP NHAU CÙNG TIẾN BỘ

TPB&PB là việc khó, bởi lẽ thường không ai “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu tự phê bình phải có tinh thần dũng cảm, trung thực và cầu tiến bộ thì phê bình cần một thái độ chân thành, cảm thông chia sẻ và đúng nơi, đúng lúc, đúng việc, tức là nhằm đúng bệnh, như cách nói của Bác Hồ.

Buổi sinh hoạt Chi bộ tại ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây luôn tạo được sự đoàn kết, thống nhất. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Buổi sinh hoạt Chi bộ tại ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây luôn tạo được sự đoàn kết, thống nhất. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Việc TPB&PB có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào thái độ, tinh thần và động cơ của người phê bình. Lặng lẽ mang khuyết điểm của đồng chí mình nói với cấp trên; chỉ nói yếu kém của đồng nghiệp sau lưng, dù điều đó là có thật thì không thể gọi là phê bình, không giúp được gì nhau mà chỉ thêm mất đoàn kết.

Tìm hiểu công tác TPB&PB tại các chi, đảng bộ cơ sở, cấp ủy đã vận dụng tư tưởng của Bác Hồ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là “Phê bình việc làm, chứ không phê bình người” nên tạo được sự đoàn kết, thống nhất hơn. Cụ thể, Chi bộ ấp Long Hưng (xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) hiện có 54 đảng viên.

Trong đó chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu, nhưng tinh thần trách nhiệm đều rất cao trong cả sinh hoạt và đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, Chi bộ ấp Long Hưng vẫn có đảng viên còn tồn tại, hạn chế. Từ khi công tác TPB&PB được chi bộ tập trung triển khai đã có chuyển biến tích cực.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Bí thư Chi bộ ấp Long Hưng cho biết, có thời điểm, đảng viên trong Chi bộ đã tập trung đóng góp ý kiến cho đồng chí của mình về tác phong, lề lối sinh hoạt Đảng “đi muộn, về sớm”, “không nghiêm túc trong sinh hoạt như hút thuốc, nói chuyện riêng”. Những ý kiến đều trên tinh thần xây dựng, vì vậy nhiều đảng viên đã nhận thấy khuyết điểm của mình gây ảnh hưởng đến việc duy trì nền nếp sinh hoạt của Chi bộ nên đã thay đổi, gương mẫu không chỉ trong sinh hoạt Đảng mà cuộc sống hằng ngày.

6 năm liền đạt “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Chi bộ ấp Bình An (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) luôn thực hiện tốt công tác TPB&PB trong các cuộc họp Chi bộ vào ngày 12 hằng tháng. Bí thư Chi bộ ấp Bình An Lê Văn Quang cho biết, hằng tháng, trước khi tổ chức họp Chi bộ, Chi ủy tiến hành họp trước để thảo luận, xác định, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, then chốt để định hướng cho tháng sau.

Trong mỗi cuộc họp, Chi bộ dành phần lớn thời gian để đánh giá vai trò của mỗi đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ chung và vai trò lãnh đạo của cấp ủy, xác định nguyên nhân hạn chế, yếu kém để khắc phục. Năm 2023, Chi bộ ấp Bình An còn được chọn làm điểm xây dựng “Chi bộ 4 tốt” (thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).

Đối với các tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã thực hiện nghiêm công tác TPB&PB trong sinh hoạt chi, đảng bộ. Dù chỉ có 20 đảng viên, nhưng cuộc họp chi bộ hằng tháng tại Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh kéo dài hơn 3 giờ.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Điệp, Bí thư Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khẳng định: Ở đời, ai cũng có cái hay, cái dở, nhưng tự mình không thể biết hết được mà phải có người khác chỉ cho, như soi gương mới nhìn thấy vết bẩn trên mặt.

Ai chân thành chỉ ra đúng cái hay, cái dở của mình mới thật sự là người bạn thân thiết. Trong sinh hoạt Đảng cũng vậy, có thật thà TPB&PB chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm của đồng chí mình mới là cách tốt nhất để giúp nhau cùng tiến bộ.

Cụ thể ở Chi bộ Hội Phụ nữ, do là một tổ chức chính trị - xã hội với nhiều hoạt động gắn liền với phụ nữ, với nhân dân, vì thế, cán bộ phụ nữ luôn cải tiến lề lối làm việc hiệu quả, sáng tạo; xây dựng mối quan hệ mật thiết với hội viên, phụ nữ, đề cao phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.

Trong các cuộc họp Chi bộ, người đứng đầu cơ quan, cũng như Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ đều là những người tiên phong trong công tác TPB&PB, chỉ rõ từng hạn chế của từng đảng viên trong từng hoạt động để từ đó có hướng khắc phục tốt hơn cho những hoạt động tiếp theo…

TPB&PB phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp nói ý kiến của mình để “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, không “nhẹ trên, nặng dưới”.

Biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên phải tự giác, gương mẫu TPB&PB trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện TPB&PB. TPB&PB phải được thực hiện trong tổ chức của Đảng, không được nói xấu sau lưng nhau nhằm giúp nhau cùng tiến bộ.

LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202409/tu-phe-binh-va-phe-binh-vu-khi-sac-ben-trong-xay-dung-dang-bai-1-nguyen-tac-xuyen-suot-cua-dang-1020654/