Bài 1: Nhân lực số - 'nút thắt' ở cấp xã
Chuyển đổi số đang là nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Trung ương đang chủ trương sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với các địa phương, đặc biệt là cấp xã tại Lào Cai, chính là nhân lực phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo vào quản lý nhà nước vẫn là điều xa vời. Nhiều cán bộ chưa được đào tạo bài bản về công nghệ, dẫn đến khó đảm bảo vận hành hệ thống thông tin khi gặp sự cố, kéo theo nguy cơ mất an toàn dữ liệu và gián đoạn hoạt động quản lý.

Tình trạng này càng nan giải hơn ở cấp xã. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc trước đây, công tác tuyển dụng và đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, ngay cả những đơn vị còn chỉ tiêu biên chế cũng khó tuyển được nhân sự có chuyên môn về công nghệ thông tin.
Minh chứng rõ nét nhất là tại huyện Văn Bàn. Trong số 22 xã, thị trấn của huyện thì hiện nay chỉ 2 xã có công chức phụ trách chuyển đổi số được đào tạo về công nghệ thông tin (xã Minh Lương và Làng Giàng), còn lại đều là công chức kiêm nhiệm, chủ yếu thuộc nhóm công chức Văn phòng - Thống kê. Điều này khiến việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số gặp rất nhiều khó khăn, khi người phụ trách phải vừa làm vừa tự học.

Tại xã Võ Lao, một trong những địa phương đạt kết quả tích cực trong chuyển đổi số, bài toán nhân lực số vẫn là một thách thức lớn.

Không chỉ thiếu nhân sự chuyên trách, mà ngay cả những cán bộ đang làm công tác chuyển đổi số cấp xã cũng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ như mong đợi. Lào Cai đã có chính sách thu hút người có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông vào làm việc tại các vị trí chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, phần lớn cán bộ cấp xã không được thụ hưởng do kiêm nhiệm và không có chuyên môn chính thức. Trong khi đó, mức lương cho nhân lực công nghệ thông tin trên thị trường khá cao, khiến việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài trong khu vực công càng khó khăn hơn.

Thực tế, đa số công chức phụ trách nhiệm vụ công tác chuyển đổi số tại UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa có vị trí việc làm cụ thể. Họ cũng chưa đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, trình độ đào tạo theo vị trí việc làm tương ứng.
Những bất cập trong nhân lực số tại cấp xã đang trở thành rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi số. Nguồn nhân lực về chuyển đổi số, an toàn thông tin chưa theo kịp sự phát triển, chưa đáp ứng về số lượng, chất lượng nên việc thực hiện chuyển đổi số sẽ gặp nhiều bất cập, bởi con người là một trong những nhân tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi.

Để giải quyết bài toán này, Lào Cai đã xác định cần tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao kết hợp đào tạo bổ sung kiến thức mới cho nhân lực công nghệ thông tin hiện có; xây dựng, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Đối với cấp xã, thực tế đòi hỏi cần tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin chuyên trách tại cấp xã, đảm bảo có người phụ trách xuyên suốt, không phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Việc có nhân lực chất lượng trong chuyển đổi số tại cấp xã sẽ góp phần thực hiện tốt hơn chính quyền điện tử, chính quyền số. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số, trang bị kỹ năng thực tiễn cho cán bộ cấp xã để đáp ứng yêu cầu công việc.

Thực hiện chương trình phối hợp về chuyển đổi số giữa UBND tỉnh với Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Lào Cai đã đưa ra gợi ý cho tỉnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó trọng tâm 6 nội dung về hạ tầng số, thể chế số, ứng dụng và nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số, an toàn thông tin và an ninh mạng.
Tỉnh Lào Cai cũng xác định, nhân lực số là một trong những nội dung quan trọng cần được quan tâm trong chuyển đổi số. Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ chuyển đổi số đang đặt ra hết sức cấp thiết.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Có nền tảng số tốt mà không có người vận hành hiệu quả thì cũng không thể phát huy tác dụng. Do đó, cần có kế hoạch đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật sát sao, lâu dài để đảm bảo chuyển đổi số thực sự đi vào thực tế và mang lại giá trị cho người dân.

Trình bày: Khánh Ly
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-1-nhan-luc-so-nut-that-o-cap-xa-post400027.html