Bài 1: Nhiều học sinh chưa ra lớp

Sau kỳ nghỉ dài để phòng, chống dịch Covid-19, học sinh trong tỉnh đã trở lại trường học tập và đang chạy nước rút để kết thúc năm học trước ngày 15/7. Tuy nhiên, ở nhiều trường học vùng cao vẫn còn không ít học sinh chưa ra lớp vì nhiều nguyên nhân.

Giáo dục vùng cao: Nỗi lo sau mùa dịch Covid-19

Nhiều học sinh THCS, THPT chưa ra lớp

Chúng tôi đến Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Nàn Sín, ngôi trường ở xã xa nhất của huyện Si Ma Cai. Gần 1 tháng nay, cô giáo Thào Thị Bầu, Chủ nhiệm lớp 9B của trường không thể ngủ ngon vì hôm nào cũng lo vận động một số học sinh ở các thôn, bản xa đến lớp. Lớp 9B có 19 học sinh thì đến nay còn 3 học sinh chưa ra lớp gồm: Ma Thị Sủa, Sùng Thị Linh và Giàng Seo Vư. Mặc dù đã đến tận nhà vận động nhiều lần nhưng cô giáo Bầu dường như bất lực vì các em không đến trường học, trong khi sắp đến thời điểm tốt nghiệp THCS.

Thầy giáo Hoàng Văn Khắn, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Nàn Sín không giấu nổi nỗi lo: Không chỉ lớp 9B mà ở nhiều lớp khác, tình trạng học sinh chưa trở lại lớp học sau đợt nghỉ dài từ tết Nguyên đán 2020 đến ngày 4/5/2020 vẫn diễn ra...

Trường có 28 lớp với 561 học sinh. Theo thống kê của nhà trường, còn 13 học sinh ở các thôn, bản chưa ra lớp. Điều đáng lo ngại là năm học sắp kết thúc nhưng nhiều học sinh lớp 9 vẫn không đến trường, nguy cơ bỏ học rất cao.

Trường THPT số 3 Mường Khương gặp khó khăn trong duy trì sỹ số học sinh.

Trường THPT số 3 Mường Khương gặp khó khăn trong duy trì sỹ số học sinh.

Rời xã Nàn Sán, chúng tôi tiếp tục hành trình đến xã Cao Sơn và xã La Pan Tẩn của huyện Mường Khương. Tại Trường PTDT bán trú THCS xã La Pan Tẩn, giữa những ngày tháng 5, các thầy cô giáo ở đây như đang ngồi trên “chảo lửa”, nhưng không phải vì nắng nóng mà vì học sinh bỏ học. Kể từ khi học sinh trở lại trường học tập, đến nay còn 8 học sinh chưa ra lớp. Còn Trường THPT số 3 Mường Khương đặt tại xã Cao Sơn cách đó không xa, tình trạng học sinh chưa ra lớp còn “nóng” hơn vì cũng có 23 học sinh không đến lớp học.

Thầy giáo Lù Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Mường Khương trăn trở: Trường có 8 lớp với 261 học sinh. Tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài năm học này có xu hướng tăng so với năm trước, đặc biệt là sau đợt học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của trường thuộc tốp thấp nhất tỉnh, đạt trung bình 90%, thời điểm đạt cao là 97% và có khi chỉ đạt 80%. Học sinh chưa ra lớp tập trung chủ yếu ở khối lớp 10 và lớp 11. Mặc dù đã thực hiện rất nhiều biện pháp vận động học sinh ra lớp nhưng đây đang là bài toán khó khiến thầy cô giáo đau đầu.

Tình trạng chung của nhiều trường vùng cao

Ông Nhâm Tiến Đức, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai thẳng thắn: Tình trạng học sinh chưa ra lớp trên địa bàn huyện Si Ma Cai hiện nay rất nan giải. Đây không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục mà là của toàn xã hội nên ngành giáo dục phải công khai để có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai, hiện tại các trường học từ mầm non đến THCS do phòng quản lý còn 42 học sinh chưa ra lớp, tập trung chủ yếu ở khối THCS. Trong đó, nhiều nhất là Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nàn Sín có 13 học sinh, Trường PTDT bán trú THCS Sán Chải có 4 học sinh, các trường THCS khác có từ 2 đến 3 học sinh chưa ra lớp.

Giờ học của học sinh Trường PTDT bán trú THCS Dền Thàng (huyện Bát Xát).

Giờ học của học sinh Trường PTDT bán trú THCS Dền Thàng (huyện Bát Xát).

Không chỉ khối THCS mà đối với khối THPT ở Si Ma Cai, tình trạng học sinh bỏ học, không ra lớp từ đầu năm học 2019 - 2020 đến nay, đặc biệt là sau đợt nghỉ học chống dịch Covid-19, càng trở nên nghiêm trọng. Tính riêng khối THPT, từ đầu năm học đến nay có hơn 80 học sinh bỏ học, nhiều nhất là ở Trường THPT số 2 Si Ma Cai, THPT số 1 Si Ma Cai, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Si Ma Cai. “Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân học sinh khi năm học sắp kết thúc mà còn ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục nói chung của huyện”, ông Nhâm Tiến Đức cho biết thêm.

Còn tại huyện Mường Khương, vấn đề học sinh không ra lớp cũng đang gióng lên hồi chuông báo động. So với thời điểm đầu năm học 2019 - 2020, hiện nay khối THCS của huyện giảm 86 học sinh, khối THPT giảm 100 học sinh. Điều đáng nói là từ khi học sinh đi học trở lại sau đợt nghỉ phòng, chống dịch, toàn huyện còn gần 100 học sinh chưa ra lớp, trong đó cấp tiểu học có 9 học sinh, cấp THCS có 31 học sinh, cấp THPT có 52 học sinh.

Ngoài Mường Khương, Si Ma Cai, tại các huyện vùng cao khác của tỉnh như Bắc Hà, Bát Xát, thị xã Sa Pa, tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài, chưa ra lớp và có nguy cơ bỏ học ở một số trường cũng đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ ở những trường vùng cao của tỉnh mà tại một số trường ở khu vực thuận lợi, vùng thấp cũng đang gặp phải bài toán khó này. “Tiêu biểu” như các trường: THPT số 2 Bắc Hà, THPT số 1 Mường Khương, THPT số 2 Mường Khương…

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau đợt nghỉ chống dịch Covid-19, toàn tỉnh còn 739 học sinh THCS, THPT chưa ra lớp, trong đó 387 học sinh THPT và 352 học sinh THCS. Đây là con số không hề nhỏ, có thể tương đương với số học sinh của 1 - 2 trường học.

Tại sao sau đợt nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, tình trạng học sinh chưa ra lớp và có nguy cơ bỏ học lại gia tăng đột biến, nhất là ở các huyện vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh? Tình trạng này kéo theo những hệ lụy gì? Câu trả lời sẽ được chúng tôi giải đáp trong kỳ sau của phóng sự này.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-1-nhieu-hoc-sinh-chua-ra-lop-z62n20200621153824776.htm