Bài 1: Những 'tiếng kêu cứu' của nhà xuất bản
Sách lậu, sách giả hiện nay là một vấn nạn còn nhiều nhức nhối trong xã hội mà chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng buôn bán sách lậu, sách giả đang có chiều hướng bùng nổ với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, thậm chí trên các sàn thương mại điện tử lớn. Vậy đâu là giải pháp để 'trị' nạn sách lậu, sách giả?
Tình trạng sách lậu, sách giả không chỉ mới ngày một, ngày hai mà đã trở thành thực trạng khiến các đơn vị phát hành, nhà xuất bản (NXB) “đau đầu” nhiều năm nay. Vấn nạn này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các NXB nói riêng, ngành xuất bản, phát hành sách nói chung và làm cho hoạt động của ngành xuất bản, phát hành rơi vào khó khăn.
Ngày càng phức tạp, tinh vi
Hiện nay, sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, không chỉ bày bán tràn lan trên vỉa hè, theo chân những người bán sách dạo mà còn công khai bày bán ở những cửa hàng sách lớn ở Hà Nội như ở đường Láng, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Đinh Lễ...
Khoản lợi nhuận khổng lồ mà sách giả, sách lậu mang lại khi không tốn chi phí bản quyền, dịch thuật, biên tập, chỉ sử dụng giấy, mực in rẻ tiền nên người in và buôn bán sách giả, sách lậu thu lời rất cao đã khiến người vi phạm bất chấp quy định của pháp luật.
Nhiều năm trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức in và bán lậu, nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng. Trước đây nhiều người thường hay nói đến khái niệm “sách in lậu” nhưng hiện nay, bên cạnh sách in thì audio book (sách nói) và e-book (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép.
Kinh doanh sách online đang dần chiếm ưu thế trong xã hội, tuy nhiên phát hành sách online cũng đem đến những bất cập do bạn đọc không được trực tiếp cầm nắm, thẩm định chất lượng xuất bản, các cơ quan chức năng gặp hạn chế trong việc tiến hành kiểm tra tính hợp pháp của xuất bản phẩm đang được phát hành, do đó vấn nạn in lậu không có dấu hiệu thuyên giảm.
Là đơn vị xuất bản phẩm giáo dục bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn, về mức độ thiệt hại, ông Nguyễn Chí Bính, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, theo thống kê của NXB Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đã phát hiện trên 3,3 triệu bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh thành trong nước.
Các đối tượng in-phát hành sách giả đã dùng các thủ đoạn ngày càng tinh vi để tổ chức hoạt động in sách giả, phát hành sách giả một cách chặt chẽ, kín đáo nhằm tránh sự kiểm tra, phát giác của các cơ quan chức năng.
Trong nhiều năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam nỗ lực đấu tranh chống in lậu, phát hành sách giả. NXB đã phối hợp với Bộ Công an và Công an các tỉnh/thành, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố; Thanh tra ngành Thông tin-Truyền thông trong việc cung cấp và xác minh thông tin, cung cấp sách mẫu và hồ sơ pháp lý liên quan đến các sản phẩm trong vụ việc mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm lậu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Chí Bính dẫn chứng, năm 2010, cơ quan chức năng đã thu giữ vụ in lậu 50.000 cuốn sách giáo khoa tại Hà Nội; năm 2013 cơ quan chức năng đã thu giữ 35.743 bản sách giáo khoa giả tại nhiều tỉnh; năm 2019 cơ quan chức năng đã thu giữ 119.602 bản sách lậu và 87.000 đĩa CD giả tại Hà Nội, Bình Định; năm 2020 cơ quan chức năng đã thu giữ gần 110.000 bản sách lậu thành phẩm và trên 7 tấn bán thành phẩm tại nhiều tỉnh thành; năm 2021 cơ quan chức năng đã thu giữ trên 3 triệu cuốn sách giả trong đường dây in, gia công, tiêu thụ sách giả tại Hà Nội và một số tỉnh/thành.
Là đơn vị phát hành sách tư nhân lớn, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng đang phải loay hoay chống chịu với vấn nạn này. Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch-Bản quyền của công ty thì không chỉ có các đầu sách bán chạy của Nhã Nam được “điểm mặt gọi tên” trên thị trường sách lậu, những tựa sách đã tuyệt bản, được nhiều bạn đọc yêu thích tìm kiếm cũng bị làm giả ngang nhiên và bị rao bán với giá trên trời, có thể kể đến các tựa sách, như: “Hảo nữ Trung Hoa”, “Thiên táng”, “Mật mã Tây Tạng”, “Ma thổi đèn”…
“Nếu nhiều năm trở về trước, sách lậu chỉ xuất hiện ở hình thức in và bán lậu thì nay Nhã Nam còn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc nhiều cá nhân tự ý sao chép và lưu hành ebook mà không có sự cho phép từ Nhã Nam.
Việc sao chép ebook từ bản in của Nhã Nam thậm chí còn nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in sách lậu. Có nhiều tựa sách Nhã Nam phát hành chưa lâu đã xuất hiện những bản ebook trái phép với tốc độ lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tác giả và đơn vị phát hành”, ông Nguyễn Xuân Minh than phiền.
Tự bảo vệ sản phẩm của mình
Vừa qua, tại “Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em” do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức, NXB Giáo dục Việt Nam đã trưng bày các mẫu sách và có đối chứng thật-giả để giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, nhận diện nhằm trang bị thêm kiến thức cho bản thân khi mua sắm, tránh mua phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sai lệch về nội dung.
Qua đó, người tiêu dùng sẽ có cái nhìn khách quan và kiến thức để thấy xuất bản phẩm giả sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng, nhất là đối với học sinh. “Xuất bản phẩm giáo dục giả thường có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, sai về kiến thức hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin… có thể dẫn đến sai lệch về nội dung, làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận kiến thức của học sinh.
Hiện nay, công nghệ in rất phát triển, có những trường hợp khá khó phân biệt sách thật-sách in lậu. Nhưng nói chung, sách giáo dục thật thường được in với nét mực đều đặn, sắc nét, các đường căn chỉnh lề trên-dưới, trái-phải kỹ càng, không bị tràn chữ, méo mó các hàng… Sách in lậu thường chất lượng in kém hơn, màu sắc không thật, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Chí Bính nhận định.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, thời gian qua NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã tự bảo vệ sản phẩm của mình bằng tem chống hàng giả và gần đây sử dụng tem quét mã QR-code định danh thứ tự từng cuốn sách, giúp bạn đọc nhận diện chính xác từng ấn phẩm của NXB. Cùng với đó, NXB đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên trang điện tử của NXB, giới thiệu chi tiết nội dung, hình thức cuốn sách, địa chỉ liên hệ mua sách.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc-Phó Tổng Biên tập Phạm Thị Thinh, điều quan trọng nhất ở đây là không thể cứ mãi tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý mà vấn đề cốt lõi là truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của bạn đọc, để bạn đọc phân biệt được sách thật và sách giả, tác hại của sách lậu, sách giả, “nói không với sách lậu, sách giả”.
“Có thể lấy dẫn chứng như Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo của Công an, Quân đội đã có những quy định cụ thể đối với sinh viên là bắt buộc phải học, đọc và dẫn theo sách thật, sách do các nhà xuất bản phát hành.
Trường hợp sinh viên vi phạm trong việc sử dụng sách giả, sách lậu sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của nhà trường. Cách làm này đã thực sự góp phần vào việc truyền thông và tuân thủ Luật Xuất bản, Luật Bản quyền tác giả một cách thiết thực nhất”, bà Phạm Thị Thinh phân tích.
Quyết liệt trong “cuộc chiến” bảo vệ sản phẩm của mình, thời gian qua, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông với mục đích tuyên truyền về vấn nạn sách lậu, sách giả hoành hành.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch-Bản quyền Nhã Nam thông tin, Nhã Nam đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông với mục đích tuyên truyền về vấn nạn sách giả sách lậu hoành hành.
Trước hết phải kể đến việc truyền đi thông điệp “Mua bán sách giả là giết chết sách thật” bằng nhiều phương thức, như: Gắn logo kèm thông điệp lên mỗi cuốn sách mà Nhã Nam phát hành, đăng tải nhiều nội dung liên quan lên hệ thống kênh truyền thông như cảnh báo người tiêu dùng về nạn sách giả trên thị trường, hướng dẫn độc giả cách phân biệt sách thật-sách giả, công bố các địa chỉ đảm bảo để độc giả có thể tìm mua sách thật.
Bên cạnh đó, Nhã Nam duy trì hoạt động của nhóm Facebook “Nhã Nam reading club” với mong muốn đây sẽ là nơi giao lưu, trao đổi thông tin cho độc giả, để các bạn độc giả có thể tìm kiếm trợ giúp trong quá trình tìm mua sách từ các thành viên trong nhóm, cùng nhau trở thành một cộng đồng thông thái, không tiếp tay cho nạn sách lậu và sách giả.