Bài 1: Nơi làm không hết việc
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Chính phủ quy định rất chặt chẽ và cụ thể đối với từng loại xã trên toàn quốc. Cũng chính vì phân bổ cứng số lượng nên khi áp dụng vào thực tế tỉnh Lào Cai đã và đang nảy sinh nhiều bất cập, ví như việc mang chiếc áo rộng mặc vào một cơ thể gầy gò hoặc mang chiếc áo chật mặc vào một cơ thể to lớn. Do vậy, vấn đề đặt ra cấp thiết là cần phải có sự điều chỉnh, tiến tới hạn chế dần tình trạng đổ đồng về số lượng khi bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã như hiện nay.
Sắp xếp bộ máy chính quyền cấp xã: Chật, rộng “chiếc áo” cơ chế!
Khi đưa ra quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, Chính phủ đã căn cứ trên số dân và diện tích đất tự nhiên bằng việc xây dựng ba-rem của xã loại 1, loại 2 và loại 3 tương ứng với việc bố trí số lượng biên chế cán bộ, công chức trong bộ máy. Tuy nhiên, khi thực hiện ở Lào Cai, do những đặc thù nên đã xuất hiện tình trạng có xã dân số đông, số lượng giao dịch lớn, đội ngũ cán bộ công chức làm không hết việc.
Cuối năm 2020, huyện Văn Bàn sáp nhập xã Văn Sơn vào xã Võ Lao, làm cho dân số tăng lên 3.328 hộ với 14.079 nhân khẩu. Xã gồm 29 thôn và 1 thị tứ, tốc độ đô thị hóa tại đây diễn ra mạnh mẽ, bộ máy chính quyền nông thôn đang phải quản lý cả khu vực đô thị. Hiện tại, xã Võ Lao có 29 cán bộ, công chức, do vừa sáp nhập nên xảy ra tình trạng một số vị trí cần nhưng không có, có vị trí lại thừa. Thực trạng này sẽ được giải quyết, vì theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ giảm dần số lượng cán bộ, công chức xuống còn không quá 23 người đối với xã loại 1 theo quy định tại Nghị định 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Nghị định 34).
Đồng chí Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao cho biết: Với quy mô dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, xã cần ít nhất 3 công chức địa chính, nhưng hiện tại mới có 1 công chức địa chính kiêm nông - lâm nghiệp, còn 1 công chức địa chính được biệt phái lên làm nhiệm vụ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, 1 tuần chỉ tham gia giải quyết công việc ở xã 3 ngày.
Cụ thể, công chức địa chính Đỗ Như Ngọc đang được phân công làm nhiệm vụ địa chính môi trường nhưng thường xuyên được giao giải quyết công việc thuộc lĩnh vực địa chính xây dựng bởi nhu cầu xây dựng, chuyển nhượng, giải quyết tranh chấp đất ở xã Võ Lao ngày càng tăng. “Nhiều khi đang tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, có vụ, việc phát sinh ở thôn liên quan đến đất đai, tôi phải xuống giải quyết khẩn cấp nên phải dừng công việc ở văn phòng. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, tôi phải tranh thủ làm thêm trong ngày nghỉ mới hết khối lượng công việc”, công chức Đỗ Như Ngọc trải lòng.
“Theo tôi, để phù hợp với điều kiện của xã Võ Lao như hiện nay, cần thay đổi số lượng cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp với thực tế, có thể thực hiện theo Nghị định 92/2009 ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định cán bộ, công chức cấp xã trên 23 người và không quá 25 người”, đồng chí Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao kiến nghị.
Tương tự, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên có 24 bản (thôn), dân số hơn 12.000 người nhưng bộ máy chính quyền ở xã này chỉ được bố trí 21 cán bộ, công chức. Vì thế, các cán bộ, công chức ở đây đang phải hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, nhiều khi quá tải đối với một số bộ phận.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Bảo Hà cho biết: Xã có 7 bản thuộc khu vực trung tâm, nơi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh vì đang trong lộ trình xây dựng đô thị loại 5. Hiện nay, chính quyền địa phương phải quản lý khoảng 19 dự án lớn về quy hoạch đô thị, với hàng nghìn hộ trong diện phải di chuyển để giải phóng mặt bằng. Mức độ biến động dân cư, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu lớn, lại là địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự… đang đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho bộ máy chính quyền.
Bình quân 3 năm trở lại đây, xã Bảo Hà giải quyết khoảng 12.000 thủ tục hành chính/năm, tính ra mỗi ngày, UBND xã phải tiếp nhận, giải quyết 47 hồ sơ các loại. Vất vả, áp lực nhất là công chức tư pháp, hiện chỉ có 1 người đảm nhận cả lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, tuyên truyền pháp luật và hòa giải. Xã đã đề nghị huyện bố trí thêm 1 công chức địa chính và 1 công chức kế toán để thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Công chức tư pháp Đậu Thị Thùy Dung bộc bạch: Có thời điểm tôi vừa phải tiếp công dân, vừa xây dựng các loại báo cáo, kế hoạch và xử lý văn bản nên hết giờ hành chính vẫn chưa giải quyết xong giao dịch với công dân. Ngày nào cũng vậy, 8 giờ hành chính đều sử dụng và xử lý công việc với tần suất cao mà vẫn không hết việc, tôi phải mang về nhà làm.
Một ví dụ khác là xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà - địa phương đang nằm trong lộ trình xây dựng đô thị loại 5 vào năm 2025. Hiện nay, xã có 22/23 cán bộ, công chức (không tính 1 công chức là Trưởng Công an xã do bố trí lực lượng công an chính quy) quản lý 1.788 hộ với 7.883 nhân khẩu. Theo thống kê của xã, năm 2020, bộ phận một cửa tiếp nhận và giải quyết gần 5.000 hồ sơ thủ tục hành chính, bình quân 1 ngày tiếp nhận và giải quyết hơn 20 hồ sơ.
Anh Hảng Seo Lử, công chức tư pháp - hộ tịch vừa chuyển công tác từ xã Cốc Lầu về xã Bảo Nhai tháng 4/2020 cho biết, công việc ở đây nhiều hơn so với khi anh làm việc ở xã Cốc Lầu. “Trước làm việc ở xã Cốc Lầu, 1 năm tôi chỉ thực hiện từ 30 đến 50 thủ tục khai sinh, ở xã Bảo Nhai, con số đó gấp khoảng 6 lần”, anh Lử ví dụ.
Còn theo anh Vàng Seo Sái, công chức tư pháp - hộ tịch xã Bảo Nhai, một số công dân của các xã Nậm Mòn, Nậm Đét, Bản Cái, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Cốc Ly cũng đến Bảo Nhai để chứng thực (do Bảo Nhai nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông) dẫn đến khối lượng công việc ở đây rất lớn.
Theo đồng chí Lương Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Bảo Nhai, hiện với 3 công chức địa chính đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chỉ có công chức địa chính xây dựng - đất đai là công việc nặng nề hơn vì ngoài yếu tố đông dân, địa phương còn đang trong tiến trình đô thị hóa mạnh để tạo đà đạt đô thị loại 5 vào năm 2025. Tại Bảo Nhai, tháng cao điểm nhất, công chức địa chính xây dựng - đất đai tiếp nhận gần 90 hồ sơ, tháng thấp nhất cũng tiếp nhận khoảng 40 hồ sơ hộ dân xin cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348225-bai-1-noi-lam-khong-het-viec