Bài 1: Nước mắt người dân trên mỏ quặng
Nhiều năm qua, 900 hộ dân và cơ sở hạ tầng ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An oằn mình dưới sự khai thác khoáng sản rầm rộ của 11 doanh nghiệp trên địa bàn. Trong khi đợi các cơ quan chức năng kết luận về nguyên nhân xuất hiện các hố tử thần, người dân thấp thỏm không biết bao giờ mới an cư, lạc nghiệp.
Không chỉ khốn khổ, sợ hãi những hố tử thần bất kể ngày đêm “nuốt chửng” nhà cửa, người, gia súc bất cứ lúc nào. Người dân và đồng ruộng Châu Hồng đang chết khát khi có tới 299 giếng nước cạn trơ đáy.
Ám ảnh hố tử thần
Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, từ tháng 12.2020 đến nay, trên địa bàn các bản Na Hiêng, Na Noong, Poong, Công của xã liên tiếp xảy ra nhiều điểm sụt lún đất. Các vết nứt đất kéo dài, xuyên qua sân, vườn, nhà ở của nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, vết nứt còn xuất hiện tại Trường THCS Hồng Tiến, điểm Bưu điện Văn hóa xã và trụ sở HĐND, UBND xã Châu Hồng. Theo ước tính ban đầu, thiệt hại 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, nay con số thiệt hại còn cao hơn nhiều vì toàn xã chỉ có 900 hộ dân nhưng có tới 249 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần” xuất hiện, 299 giếng nước bị cạn trơ đáy.
Kể lại cuộc tháo chạy lúc rạng sáng 27.5.2022, ông Điền Viết Tứ, bản Na Hiêng, xã Châu Hồng cho biết, 4 giờ sáng, gia đình ông đang ngủ thì nghe một tiếng động lớn, sau đó là tiếng động thứ hai, thứ ba. Hốt hoảng chạy ra, vợ chồng ông Tứ, bà Nga rụng rời chân tay khi phát hiện một “hố tử thần” đang sụt lún dưới móng nhà. Nghe thấy vợ chồng ông Tứ hô hoán, đã thành lệ, bà con gõ kẻng liên hồi, tất cả mọi người trong bản dắt díu nhau ra đường.
Nhà ông Tứ bà Nga ở ngay trước cổng trụ sở xã Châu Hồng. Được biết, hố sụt ban đầu mới xuất hiện rộng chưa tới một mét, đến thời điểm 9h30 sáng cùng ngày đã rộng tới gần 10 mét. Chiều 27.5, trong khi cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân “hố tử thần” xuất hiện ở xã Châu Hồng thì gia đình ông Vi Văn Hòa bị sụp cả đáy giếng nước.
Bản Na Hiêng là bản bị thiệt hại nặng nề nhất tại xã Châu Hồng. Bản này chỉ cách mỏ quặng thiếc Thung Lùn của Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang 500 mét. Gia đình bà Hoàng Thị Hoài - cách vành đai của mỏ khai thác quặng khoảng 400m, cho biết, tháng 2.2022 khi đang ở trong nhà, hai vợ chồng bà thất kinh khi nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất. Rồi tường nhà nứt nẻ, gạch lát nền bị đẩy bung khỏi nền nhà, lộ ra hố sụt lún ở dưới. Các nhà bên cạnh cũng trong tình trạng tương tự.
Nhà sàn gia đình bà Lương Thị Huệ gần đó bị sụt vào tháng 3.2021. Những căn nhà chắc chắn, mới xây cũng không chịu được hố tử thần. Bà Sầm Thị Nga, bản Na Hiêng cho biết, căn nhà cất mới vào năm 2019 nhưng đến cuối năm 2021 đã xuất hiện các vết nứt. Ban đầu chỉ là các vết nứt nhỏ nhưng theo thời gian, vết nứt ngày càng sâu, lan rộng khiến gia đình vô cùng lo lắng.
Nhiều trường học, trạm y tế trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự. Nghiêm trọng nhất là các vết nứt ở Trường THCS Châu Hồng, đe dọa tính mạng của hàng trăm giáo viên và học sinh. Trụ sở UBND xã Châu Hồng được đầu tư hàng tỷ đồng, mới nghiệm thu được 1 năm cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt chạy dọc tường, rộng gần 2 cm…
Không chỉ lo âu vì tử thần rình rập, người dân nơi đây còn lo lắng đồng ruộng khô cạn và sụt lún. Trên các cánh đồng lúa, chính quyền địa phương đã cắm chi chít những tấm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người dân tới gần. Có những mảnh ruộng rộng 500 m2 phải rào kín xung quanh để đề phòng trẻ nhỏ gặp tai nạn. Ông Vi Văn Hạnh, bản Na Hiêng cho biết, ruộng mình nhưng mình cũng chẳng dám đến gần, nói gì đến canh tác.
Giếng nước trơ đáy
Một hiện tượng lạ xuất hiện tại xã Châu Hồng là nước trong giếng khơi của hàng chục hộ dân bỗng dưng khô trơ đáy. Hiện tượng này chưa khi nào xuất hiện trong hàng chục năm qua kể từ ngày bà con đào giếng để sử dụng.
Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, Trương Văn Hóa cho hay, tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm ở xã bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2019. Ban đầu, các giếng cạn nước, sau đó nhà dân mới nứt nẻ, sụt lún, các hố tử thần xuất hiện… Mấy năm qua, xã Châu Hồng đã có 30 văn bản báo cáo về tình trạng sụt lún bất thường, và dù nhiều đoàn về kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết luận nguyên nhân.
Bản Công và bản Na Hiêng là hai bản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Có khoảng gần 100 hộ gia đình của hai bản bị mất nước hoàn toàn, giếng đã trơ đáy. Còn những hộ gia đình khác nước cũng hạ nhưng chưa đến mức trơ đáy, họ phải dùng một cách tiết kiệm.
Ông Vi Văn Thành, bản Công cho biết, nhiều tháng nay nguồn nước ngầm của gia đình bị cạn khô. Ngày xưa, giếng chỉ đào 8m là có nước (với mực nước giếng từ 4-6 m), nay đào sâu tận 14 m nhưng vẫn không có.
Trưởng bản Na Hiêng Lê Văn Bảy, cho biết, toàn bản có 140 hộ thì có đến 40 hộ nguồn nước ngầm cạn hoàn toàn, số hộ còn lại có ảnh hưởng một phần. Chính gia đình trưởng bản cũng đang “chết khát”, ông phải cùng 4 gia đình nữa chung tiền để kéo nước từ khe suối về sử dụng. Tại văn bản số 2407/STNMT ngày 29.4.2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An xác nhận giếng đào sâu 42m bị khô nước.
Chủ tịch UBND xã Châu Hồng Trương Văn Hóa cho biết, sau khi các giếng nước của người dân bị khô cạn, chúng tôi đã kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn xã cùng người dân xây dựng ba đường ống dẫn nước từ khe, suối về bản cho người dân dùng ăn uống, sinh hoạt. Mới đây, Công ty CP Tân Hoàng Khang cũng đã hỗ trợ xã Châu Hồng hơn 3 tỷ đồng để làm đường ống nước từ khe, suối về cho những hộ có giếng bị cạn trơ đáy. Tuy nhiên, đường ống này cũng chỉ đủ để phục vụ nước sinh hoạt cho vài chục hộ dân.