Bài 1: Ô nhiễm rác thải nhựa và lời nguyền của đại dương
Lời Tòa soạn: Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa xả ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển trên toàn thế giới. Việt Nam xếp thứ tư trong danh sách những nước làm phát sinh ô nhiễm nhựa biển trên toàn thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Rác thải nhựa đại dương là vấn đề mới, việc triển khai thực hiện công tác quản lý còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, phương pháp điều tra, thống kê rác thải nhựa đại dương; đặc biệt trong việc ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và giám sát toàn diện các vấn đề có liên quan. Để tham khảo kinh nghiệm cũng như cách làm của một số nước trong lĩnh vực này, Báo Đại biểu Nhân dân xin giới thiệu chuyên trang'Kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống rác thải nhựa'.
Bài 2: Khởi động hiệp ước quốc tế đầu tiên về rác thải nhựa - bước đi lịch sử
Bài 3: Xu hướng cấm sử dụng sản phẩm nhựa trên thế giới
Người ta hay nói về tình trạng ô nhiễm nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đe dọa các đại dương trên thế giới. Sự ô nhiễm ấy đang trở lại như một “lời nguyền” đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Mỗi phút có 1 xe rác đổ ra biển
Theo một báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa công bố hồi tháng 2.2022, trên toàn thế giới, có khoảng từ 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm - tương đương một xe container rác đổ ra biển mỗi phút - trong đó, phần lớn là rác thải sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương, mặc dù, ngày càng nhiều quốc gia áp dụng các quy định cấm sử dụng sản phẩm nhựa này.
Báo cáo của WWF được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu riêng về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa đạng sinh học và sinh thái biển. Theo đó, WWF cho biết, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của trái đất như vùng băng Bắc Cực và trong các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.
Theo một nghiên cứu trước đó vào năm 2021, trong số 555 loài cá được kiểm tra, có tới 386 loài đã ăn phải rác thải nhựa. Một nghiên cứu khác được tiến hành với các loài cá đánh bắt phục vụ thương mại cho thấy, 30% cá tuyết trong một đợt đánh bắt tại biển Bắc chứa hạt vi nhựa trong dạ dày của chúng.
WWF cho hay, hiện không có đủ bằng chứng để ước tính những hậu quả tiềm ẩn của tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương đối với con người. Tuy vậy, báo cáo phát hiện sự tồn tại của các chất có gốc là nhiên liệu hóa thạch ở mọi khu vực của biển cả, từ mặt biển đến đáy sâu đại dương, từ các cực đến đường bờ biển của những hòn đảo xa xôi nhất, phát hiện ở cả những sinh vật phù du nhỏ nhất cho đến cá voi - loài lớn nhất sinh sống ở biển.
Thực tế cho thấy, khi ở trong nước, nhựa bắt đầu phân hủy, nhỏ hơn và thậm chí nhỏ đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, ngay cả khi các vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong đại dương hoàn toàn chấm dứt, lượng vi nhựa tại đây vẫn có thể tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Trong khi đó, rác thải nhựa vẫn tiếp tục đổ ra biển với khối lượng tăng gấp 2 lần vào năm 2040 theo ước tính. Cũng trong khoảng thời gian này, WWF dự báo ô nhiễm nhựa tại các đại dương sẽ tăng gấp 3 lần.
Hiện tại, nhựa chiếm 85% tổng khối lượng rác thải trên các đại dương. Đến năm 2040, con số này sẽ tăng gần gấp 3 lần, thêm 23 - 37 triệu tấn chất thải vào đại dương mỗi năm. Điều này có nghĩa là khoảng 50kg nhựa trên mỗi mét bờ biển.
Sự trả thù của thiên nhiên
Có thể nói, rác thải nhựa đang giết chết đa dạng sinh học trên trái đất. Ước tính sự sống của 700 loài động vật biển đang trên bờ tuyệt chủng bị ảnh hưởng do rác thải nhựa gây ra. Tình trạng ngày càng tệ hơn khi ô nhiễm nhựa đã gây nguy hại tới không chỉ động vật biển sinh sống gần bờ mà cả những sinh vật sinh sống sâu dưới đáy đại dương. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Ireland (NUIG), gần 73% cá sinh sống dưới vùng đáy biển phía Tây Bắc Đại Tây Dương đều đã nuốt phải hạt vi nhựa từ rác thải.
Đáng lo ngại, ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái như rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, gây phá hủy, hoặc suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loại sinh vật bị chết do vướng vào lưới đánh cá bị mất, hoặc bị bỏ lại trên các đại dương, cũng như ăn nhầm nhựa do nhầm lẫn với thức ăn. Các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển. Các hạt này theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn.
Cơ thể con người cũng dễ bị tổn thương tương tự. Nhựa được hấp thụ qua hải sản, đồ uống và thậm chí cả muối thông thường. Chúng cũng xâm nhập vào da và được hít vào khi lơ lửng bay trong không khí. Mới đây, hồi tháng 3 và tháng 4.2022, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện hạt vi nhựa trong máu và trong phổi của người sống. Nhóm chuyên gia đã phân tích mẫu máu của 22 người hiến tặng ẩn danh, tất cả đều là người lớn khỏe mạnh. Từ đây, họ tìm thấy các hạt nhựa trong 17 người. Đặc biệt, 50% mẫu chứa nhựa PET, loại thường được sử dụng trong chai đựng đồ uống. 1/3 chứa polystyrene - chất được sử dụng để đóng gói thực phẩm và các sản phẩm khác. Ngoài ra, 1/4 số mẫu máu chứa polyetylen, chất tạo ra túi nylon. Khám phá cho thấy các hạt có thể di chuyển xung quanh cơ thể và chui vào nhiều cơ quan. Hiện tại, họ chưa thể xác định ảnh hưởng của những hạt vi nhựa tới sức khỏe. Song, các nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo ngại. Bởi các hạt vi nhựa gây tổn thương tế bào của con người trong phòng thí nghiệm. Các hạt ô nhiễm không khí siêu nhỏ đã xâm nhập vào cơ thể, gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm.