Bài 1: 'Phao cứu sinh' của phụ nữ nghèo

Trong 6,6 triệu khách hàng diện hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), có tới 4,4 triệu khách hàng là phụ nữ nghèo, chiếm trên 66%. Trong số này, có hàng triệu khách hàng và gia đình đã vượt qua đói nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Điều đáng quý, tất cả họ đều khởi nghiệp và thành công bằng chính nguồn vốn tín dụng chính sách…

Tạo bước ngoặt

Nhìn vào căn nhà khang trang, cùng đàn bò "đông đúc" hiện tại, ít ai biết rằng gia đình chị Sơn Thị Nguyên, người dân tộc Khmer ở khóm 6, phường 8, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh từng có cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả và là hộ nghèo "bền vững" của phường 8. Chị Nguyên cho biết, năm 2013, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 8 và Tổ tiết kiệm và vay vốn khóm 6 hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay chương trình hộ nghèo. Nguồn vốn vay thực sự là phao cứu sinh cho gia đình chị Nguyên.

Cán bộ NHCSXH Quản Bạ, Hà Giang hướng dẫn chương trình vay mới cho bà con. Ảnh: Trần Việt

Cán bộ NHCSXH Quản Bạ, Hà Giang hướng dẫn chương trình vay mới cho bà con. Ảnh: Trần Việt

"Từ con bò đầu tư ban đầu bằng nguồn vốn NHCSXH cho vay, sau 2 năm gia đình tôi đã có những con nghé đầu tiên rồi tăng đàn lên tới 10 con. Chúng tôi đã lựa chọn bán bớt một số bò thịt để trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình, sửa chữa căn nhà đang ở, nuôi các con học hành, tiết kiệm và trả nợ vay" - chị Nguyên tâm sự.

Ý nghĩa của đồng vốn càng trở nên ý nghĩa hơn với những người dân tha hương lập nghiệp như chị Phan Thị Thanh Hoa - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 3, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Năm 2002, từ bỏ cuộc sống nghèo khổ ở Nghệ An để đến vùng kinh tế mới huyện Kon Plông sinh sống với bao hy vọng. Tuy nhiên, cuộc sống hiện thực khó khăn không kém quê nhà khiến chị Hoa đã nhiều lần tính trở về quê.

Cũng may năm 2003, sau khi NHCSXH huyện Kon Plông được thành lập và đi vào hoạt động, được sự hướng dẫn tận tình của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị Hoa được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Với 10 tổ viên khởi đầu, lúc đó chỉ vay ít ỏi có 50 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo, nhưng cũng giúp các tổ viên có nguồn vốn khởi nghiệp nuôi trâu, bò hoặc trồng mì, đời sống có phần khá hơn. Họ cũng trở thành những điển hình lôi kéo phong trào phát triển kinh tế thông qua vay vốn tín dụng trong thôn, xã. Hiện nay, Tổ Tiết kiệm và vay vốn do chị Hoa quản lý có 60 thành viên với dư nợ 4,1 tỷ đồng và không có nợ quá hạn.

"Nhìn lại 20 năm qua, chúng tôi đã kịp thời chuyển tải nguồn vốn tới hơn 200 lượt hội viên, với doanh số cho vay gần 20 tỷ đồng. Nguồn vốn đã thực sự giúp chị em vươn lên, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng khu dân cư giàu mạnh; góp phần đưa xã Đăk Long - một xã đặc biệt khó khăn kể từ trước khi tách huyện, trở thành thị trấn Măng Đen - một điểm du lịch nổi tiếng của cả nước ngày nay" - Tổ trưởng Phan Thanh Hoa tự hào.

Phụ nữ - kênh dẫn vốn quan trọng

Không chỉ tín dụng chính sách mang lại cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cơ hội để đổi đời. Ngược lại, các chị em và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng là một kênh dẫn vốn quan trọng của NHCSXH, góp phần làm nên sự thành công của chính sách tín dụng đặc thù, đậm tính nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Hơn 10 năm gắn bó cùng NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Đông Trị, xã Thành An - Phạm Thị Thảo đã trở thành "cầu nối" quen thuộc của những hộ khó khăn với "Ngân hàng vì người nghèo". Bà Thảo cho biết, lúc mới tiếp nhận công việc, bà cũng rất lo lắng. Vì bà con xóm làng, bà Thảo đã nỗ lực học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu quy định mới nhất về vay vốn, cố gắng nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu vay vốn của các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn để tư vấn, hỗ trợ thông qua các buổi họp tổ thường kỳ, buổi giao lưu, thậm chí đến từng nhà để động viên, hướng dẫn.

Theo bà Thảo, điều quan trọng nhất để tạo nên uy tín của người Tổ trưởng là trong quá trình bình xét cho vay phải luôn tôn trọng các thành viên, lấy ý kiến công khai; đồng thời phân tích để thành viên hiểu được trường hợp, hoàn cảnh khó khăn cần ưu tiên, tạo điều kiện cho vay với nguồn vốn cao nhất. Bên cạnh đó, khi nguồn vốn được giải ngân, Tổ trưởng không bỏ mặc thành viên tự tìm hướng đi cho mình mà cần thường xuyên bám sát, gần gũi, động viên họ tham gia lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, định hướng để thành viên chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Trách nhiệm và tâm huyết của người tổ trưởng; quyết tâm thoát nghèo của từng chị, em đã được trợ lực kịp thời bằng nguồn vốn ưu đãi. Từ khoảng 30 hộ vay vốn ban đầu, đến nay, trong ấp Đông Trị đã có 60 hộ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, với tổng dư nợ đạt hơn 2,2 tỷ đồng. Nhiều hộ vay vốn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Có thể nói, trong suốt 20 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nguồn vốn chính sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng dư nợ đạt 110 nghìn tỷ đồng cho gần 2,5 triệu hộ vay tại 62.300 Tổ tiết kiệm vay vốn ở khắp các bản, làng; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,14% tổng dự nợ. Tổ tiết kiệm và vay vốn trở thành "mắt xích" quan trọng trong kênh dẫn vốn của NHCSXH.

Với nhiều cách làm hay, linh hoạt, đầy sáng tạo, Hội đã nối dài "kênh" dẫn vốn, phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần giúp những địa phương và cá nhân "khát vốn" có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-1-phao-cuu-sinh-cua-phu-nu-ngheo-i344500/