Bài 1: Phát huy vai trò của báo chí

Những năm qua, đội ngũ người làm báo tỉnh Tiền Giang luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức và trách nhiệm của nhà báo, nỗ lực để xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Song, trước xu thế hội nhập và phát triển, các cơ quan báo chí cũng như người làm báo đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của nền báo chí cách mạng hiện đại.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều đổi mới, phát triển, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đem đến cho công chúng nhiều tác phẩm báo chí mang đậm “hơi thở” cuộc sống, phản ánh sâu sắc, sinh động các vấn đề, sự kiện trên địa bàn tỉnh.

“NGHỀ CAO QUÝ, THIÊNG LIÊNG”

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ kinh nghiệm làm báo, viết báo của mình, Người căn dặn: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?”.

Phóng viên Báo Ấp Bắc đang tác nghiệp cho một phóng sự trên Báo Ấp Bắc điện tử.

Phóng viên Báo Ấp Bắc đang tác nghiệp cho một phóng sự trên Báo Ấp Bắc điện tử.

Đồng thời, Người còn chỉ rõ mục đích, đối tượng, nội dung của báo chí rằng “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.

Điều đặc biệt, Người luôn căn dặn các nhà báo phải luôn luôn trung thực, coi đó như một tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn”.

Đó không chỉ là lời căn dặn của Bác Hồ đối với đội ngũ những người làm báo về đạo đức cách mạng, mà còn được những người làm báo xem là kim chỉ nam soi đường chỉ lối trong suốt hành trình làm báo của mình.

Thấm sâu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân”.

Từng có một thời gian dài gắn bó với nghề báo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được xem là tấm gương sáng ngời về đức tính “Khiêm tốn, chân chính và mẫu mực” với nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao đã truyền lửa cho những người làm báo lòng yêu nghề, sẵn sàng đấu tranh vì lẽ phải, giúp hình thành những giá trị tích cực, góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

BÁM SÁT NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ ĐỊA PHƯƠNG

Tiếp bước theo các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam, những năm qua, đội ngũ những người làm báo tại tỉnh Tiền Giang luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục và thường xuyên, nhằm góp phần đắc lực vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 27 cơ quan báo chí ngoài tỉnh, 7 tạp chí hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và 2 cơ quan báo chí địa phương là Báo Ấp Bắc và Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Tiền Giang.

Các nhà báo tác nghiệp trong một lần Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TUẤN LÂM

Các nhà báo tác nghiệp trong một lần Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TUẤN LÂM

Đội ngũ người làm báo khoảng 95 người, trong đó các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh là 34 người, cơ quan báo chí địa phương là 61 người. Ngoài ra, còn có các đội ngũ phóng viên, nhà báo tại các đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh nói chung và báo chí địa phương nói riêng đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ địa phương, tích cực thông tin, tuyên truyền đưa các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội.

Trong đó, Báo Ấp Bắc, Đài PT-TH Tiền Giang đã phát huy tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang, truyền tải kịp thời các quan điểm, chủ trương, chính sách của Trung ương, của lãnh đạo tỉnh đến với nhân dân tỉnh nhà.

Với lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, Báo Ấp Bắc đã không ngừng đổi mới, cho ra đời nhiều sản phẩm báo chí từ báo in, báo điện tử đến truyền hình mang đậm hơi thở cuộc sống. Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc Nguyễn Minh Tân cho biết: Các sản phẩm của Báo Ấp Bắc đã thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Các cơ quan báo chí trong tỉnh luôn bám sát tôn chỉ, mục đích và định hướng công tác tuyên truyền của Trung ương, tỉnh.

Các nhà báo, phóng viên báo chí Trung ương tác nghiệp tại tỉnh có sự phối hợp tốt trong công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương, giới thiệu những nhân tố mới, điển hình tiên tiến... góp phần vào sự phát triển chung của Tiền Giang.

Thông qua các thông tin từ các cơ quan báo chí hằng ngày giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin những vấn đề còn bức xúc trong nhân dân để chỉ đạo, chấn chỉnh, thực hiện tốt hơn vai trò quản lý nhà nước ở địa phương.

Đồng thời, các cơ quan báo chí đã phản biện lại các vấn đề, thông tin viết về địa phương thiếu chính xác, phiến diện. Mặt khác, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã phản ánh trung thực, khách quan, mang tính xây dựng về những mặt còn hạn chế, thiếu sót ở địa phương, qua đó lãnh đạo tỉnh đã kịp thời chỉ đạo giải quyết, xử lý, khắc phục”

ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TIỀN GIANG CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG

Đặc biệt, Báo Ấp Bắc đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận, xử lý, đăng tải thông tin kịp thời, chính xác; thực sự là diễn đàn của nhân dân theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng Đảng bộ và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh.

Ngoài ra, Báo Ấp Bắc còn tích cực tuyên truyền, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực, góp phần định hướng tư tưởng và dư luận xã hội. Chất lượng xuất bản báo theo hướng vừa đi vào chiều sâu, đi vào bản chất và đi vào lòng người, vừa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Báo, đúng định hướng chính trị, kiên quyết không để sai sót, tăng tính hấp dẫn.

Tương tự, 45 năm qua, Đài PT-TH Tiền Giang không ngừng nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền trên các nền tảng: Phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử với nhiều bản tin, chuyên mục, tiết mục, phóng sự và ghi nhận, chương trình truyền hình trực tiếp đa dạng các chủ đề.

Phóng viên Đài PT-TH Tiền Giang phỏng vấn người dân.

Phóng viên Đài PT-TH Tiền Giang phỏng vấn người dân.

Nét nổi bật của Đài PT-TH Tiền Giang thể hiện rõ ở nội dung chương trình bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đúng định hướng; trong tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm theo từng sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh Tiền Giang. Cơ cấu chương trình bố trí phù hợp theo từng nhóm tuổi, khung giờ và nhu cầu cần thiết của bạn nghe và xem Đài.

Bên cạnh đó, chất lượng từng bản tin thời sự, chuyên - tiết mục và chương trình giải trí từng bước được cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức, thu hút đông đảo bạn nghe và xem Đài quan tâm, theo dõi. Đặc biệt, Đài PT-TH Tiền Giang có những chương trình “đinh” mang đậm thương hiệu THTG như: Gameshow “Đường đến vinh quang”, Chương trình “Địa chỉ nhân đạo”, Chương trình “Nâng bước đến trường”, Chương trình “Mái ấm nghĩa tình”, Chương trình “Cây lành trái ngọt” trên sóng truyền hình hay Chương trình “Bác sĩ gia đình”, “Lắng nghe trò chuyện” trên sóng phát thanh…

Đặc biệt, các cơ quan báo chí địa phương cũng đã tích cực theo dõi, kịp thời chấn chỉnh thông tin sai lệch, định hướng thông tin cho người dân về các vấn đề nổi cộm, nhạy cảm trong xã hội có liên quan đến địa phương.

Từ đó tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

HOÀI THU - LÊ NGUYÊN

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202409/hoc-bac-de-lam-tot-trong-trach-cua-nguoi-lam-bao-bai-1-phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-1022423/