Bài 1: Rác thải, 'hiểm họa' trong đô thị lớn của tỉnh
Ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng rác trong mỗi hộ gia đình thải ra nhiều, người dân thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) lại nhớ lại ngày cả đô thị kinh hoàng bị chìm trong mùi hôi thối, bốc lên từ những đống rác kếch xù, tồn đọng gần tuần lễ, hồi đầu tháng 8/2021.
Trận đại họa môi trường ấy may được cả tỉnh tập trung trí lực khắc phục hậu quả. Nay, tưởng sự đã yên, nhưng tình hình chỉ là tạm lắng xuống, hiểm họa vẫn còn kề kề. Năm mới, nhớ lại chuyện cũ: Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương quyết liệt đóng cửa các khu chôn lấp rác, dù rằng các khu xử lý rác theo công nghệ chôn lấp ấy mới được xây dựng năm 2006, đầu tư bằng vốn vay ODA của Chính phủ Đan Mạch, còn chưa hết khấu hao.
Thành phố Hạ Long đóng cửa bãi rác Đèo Sen, phường Hà Khánh và bãi rác An Tiêm, phường Hà Khẩu. Thành phố Cẩm Phả đóng cửa bãi rác Km7, phường Quang Hanh. Hai thành phố lớn của tỉnh khi ấy khối lượng rác thải sinh hoạt khoảng trên dưới 500 tấn/ngày, được chuyển về Nhà máy xử lý rác thải rắn Vũ Oai của Tập đoàn Indevco đang xây dựng nhà máy để chờ đốt.
Dự án Nhà máy đốt rác công nghệ tiên tiến châu Âu, công suất 900tấn/ngày của Tập đoàn Indevco, tỉnh hy vọng sẽ làm chủ được vấn đề xử lý rác thải đô thị của địa phương. Nhưng, nhà máy xây dựng xong lại không đốt được rác, khiến 860.000 tấn rác đã trót chở về chờ đốt bị ứ đọng, buộc Indevco phải dừng tiếp quản rác nên mới xảy ra đại họa rác tồn đọng lưu cữu lâu ngày rồi tự phân hủy bốc mùi ở thành phố Hạ Long và Cẩm Phả năm đó.
Vấn đề xử lý rác thải ở hai thành phố lớn của Quảng Ninh nhiều chuyện thật mà tưởng như đùa, có những “bí sử” “để thì buồn - cắt thì đau”: Ngày 10/11/2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an từng bắt quả tang xe chở rác của thành phố Hạ Long vụng trộm đưa rác thải sinh hoạt lên khai trường của mỏ than Núi Béo đổ lẫn vào bãi thải mỏ nhằm giải phóng rác tồn trong đô thị. Làm vậy sạch chỗ này lại bẩn chỗ khác, rốt cuộc chỉ vì sự “độc quyền” trong quản lý bãi rác.
Rồi chuyện UBND tỉnh chỉ đạo tạm cho thành phố Hạ Long và Cẩm Phả đổ chung rác vào khu xử lý rác tạm ở xã Vũ Oai, nhưng theo địa giới đất xã Vũ Oai thuộc thành phố Hạ Long thì bảo vệ bãi rác này ngăn cản không cho thành phố Cẩm Phả đổ rác vào thổ đất của địa phương mình, dẫn đến sự đôi co hai bên không nhượng bộ được, phải nhờ đến cấp trên can thiệp.
Hiện ở thành phố Hạ Long, lượng rác thải sinh hoạt khoảng trên dưới 300 tấn/ngày đang xử lý ở khu vực giáp ranh giữa xã Vũ Oai và xã Hòa Bình theo công nghệ chôn lấp. Nhưng thực chất cũng chỉ là khắc phục tình thế, chưa đảm bảo hợp quy -quy chuẩn của công nghệ xử lý chôn lấp hợp vệ sinh, như: không xây dựng bể chứa, hệ thống thoát nước thải - khí thải, hệ thống lắng lọc và sục khí - hóa chất xử lý nước rỉ rác, tiêu chí lớp lang chôn lấp... chỉ chôn lấp tạm, kiểu kho chứa chờ một giải pháp kỹ thuật hoặc hỏa thiêu, hoặc chôn lấp theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng.
Khu xử lý rác Vũ Oai còn tạm bợ, một số diện tích đất đã thu hồi, một số chưa thu hồi vì còn hạ tầng của dự án cũ đã đầu tư xây dựng, vướng mắc về cơ chế bồi thường… đất đai đan xen bất tiện trong quản lý, điều hành sản xuất. Ngay con đường chuyên dụng vận tải rác dài khoảng 2km, đoạn cổng chính vào bãi rác còn phụ thuộc vào then môn của Tập đoàn Indevco. Ngày 7/01, ông NQK - Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ môi trường vào kiểm tra đột xuất lao động của mình làm việc trong bãi rác, bị bảo vệ của Indevco ngăn lại không cho vào.
Hiện lượng rác thải sinh hoạt thải ra của Cẩm Phả mỗi ngày trên 200 tấn. Thành phố đã được quy hoạch (Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, HĐND tỉnh ngày 27/8/2021), đầu tư 52 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng khu xử lý rác có định hướng công nghệ hỏa thiêu, diện tích nghiên cứu 45ha, sử dụng 6,09ha tại khu 10, phường Mông Dương. Khu xử lý chôn lấp gồm 2 hố, một hố rộng 9.000m2 hố kia hẹp hơn 3.000m2, tổng cộng là 15.000m2 và 1 trạm xử lý nước rỉ rác 100m3 ngày/đêm. Đầu tư chuyên nghiệp hơn thành phố Hạ Long.
Hiện, khu xử lý rác ở khu 10, phường Mông Dương đang nguy cơ quá tải. Thành phố đang xin chuyển đổi thêm 9ha đất rừng sản xuất sang mục đích mở rộng khu xử lý rác; đồng thời đôn đáo kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà mày đốt rác, nếu rác không được đốt, cứ diễn ra việc chôn lấp thì đại họa môi trường đến rất gần.
Ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Trong đó, nghị quyết đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại các khu đô thị, các xã đảo, xã có hoạt động du lịch bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn trên 99%, thực hiện hiệu quả phân loại tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và hạn chế chôn lấp.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày, các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thải ra môi trường khoảng 1.397 tấn chất thải rắn sinh hoạt thông thường. Điều đáng nói là phần lớn lượng rác thải vẫn được xử lý theo hình thức chôn lấp, rất đang lo ngại ngay tại hai thành phố lớn của tỉnh Quảng Ninh đang có những bế tắc về định hướng thay đổi công nghệ chôn lấp rác lạc hậu bằng công nghệ đốt rác tiên tiến.
Nghịch lý là những địa phương đầu tỉnh và cuối tỉnh như thành phố Móng Cái, thị xã Đông Triều có lò hỏa thiêu rác. Thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên rác còn đốt được triệt để không cần phân loại… mà hai thành phố lớn của tỉnh lại luẩn quẩn với nguy cơ thiếu đất chôn rác.
Để Nghị quyết 10-NQ/TU của tỉnh Đảng bộ Quảng Ninh đi vào cuộc sống và người dân đô thị không còn lo lắng với đại họa rác thải, thì vấn để thu gom - xử lý rác thải ở thành phố Hạ Long và Cầm Phả cần phải gương mẫu, phải là điểm sáng chỉ đạo của tỉnh để các địa phương làm theo, không thể để hai thành phố lớn của tỉnh tụt hậu về xử lý rác thải như hiện nay.