Bài 1: Rủ nhau 'rót' tiền đầu tư thu lợi nhuận 'khủng'
Tiền mất tật mang, gia đình phát sinh mâu thuẫn, thậm chí nhiều người còn đang hàng ngày phải chịu áp lực nợ nần, cầm cố nhà cửa khi trót lỡ huy động tài chính đầu tư vào Công ty cổ phần Tập đoàn NTea Việt Nam (Công ty NTea).
Trong đơn tố cáo gửi đến Báo CAND, gần 200 nhà đầu tư cho biết, vì tin tưởng đã đầu tư vào công ty này với số tiền từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Số tiền thực góp của các cá nhân này đã lên đến 120 tỷ đồng. Thế nhưng hợp đồng đã quá hạn vài năm nay, lãi chưa thấy đâu mà vốn góp cũng có nguy cơ… biệt tích.
Góp vốn vì tin tưởng
Phản ánh đến Báo CAND, ông Đinh Văn Hữu (giáo viên về hưu, số nhà 11, ngõ 131 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021, qua một số hợp đồng hợp tác kinh doanh đã đầu tư vào Công ty NTea với tổng số tiền là gần 1,2 tỷ đồng. Dù hợp đồng đến nay đã hết hạn một thời gian dài nhưng ông Hữu chưa được phía Công ty NTea trả gốc và lãi. Thậm chí, theo ông Hữu, dù không cần tiền lãi thì nguy cơ vốn cũng có thể mất đã hiển hiện.
Ông Hữu cho biết, qua một vài người quen giới thiệu, ông Hữu biết đến Công ty NTea là công ty chuyên về sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm liên quan đến cây trà. Công ty được giới thiệu có vùng nguyên liệu rộng lớn ở nhiều tỉnh thành và có nhà máy sản xuất ở một số tỉnh thành như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh. Để tạo niềm tin, phía công ty đã tổ chức cho khách hàng tham gia các buổi hội thảo, tham quan nhà máy.
“Chúng tôi được đưa lên tham quan nhà máy ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trên biển hiệu trưng ở phía ngoài nhà máy cũng thể hiện đây là nhà máy của Công ty NTea. Thông qua một số buổi hội thảo nữa, tin tưởng vào các ông Nguyễn Kim Cường là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Mai Long là Phó Tổng giám đốc, tôi đã đầu tư vào công ty nhiều đợt với tổng số tiền là 1,2 tỷ đồng.
Hợp đồng đã hết hạn nhưng từ năm 2022 đến nay, công ty lấy đủ mọi lý do từ COVID-19, đến kinh doanh khó khăn và không thanh toán cho tôi một đồng nào trong số 1,2 tỷ tiền gốc và khoảng 300 triệu đồng tiền lãi. Thậm chí, từ đó đến nay, dù chúng tôi nhiều lần yêu cầu phía công ty gặp mặt đối thoại để có phương án giải quyết nhưng không được đáp ứng. Số tiền đó là tích lũy của cả đời làm giáo viên, xót của tôi thậm chí còn đề nghị phía công ty tôi không lấy lãi nữa, chỉ cần lấy lại 700 triệu trong số 1,2 tỷ đồng vốn góp nhưng cũng không được”, ông Hữu bức xúc cho hay.
Quá bức xúc vì không có câu trả lời từ phía Công ty NTea, anh Nguyễn Huy Hoàng (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) còn cho rằng, phía Công ty NTea thậm chí đã có ý định lừa đảo khoản tiền góp vốn của các nhà đầu tư. Anh Hoàng cho biết, gia đình anh cũng thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty NTea góp vào đây số vốn gần 6 tỷ đồng.
Cũng dưới hình thức thông qua người quen giới thiệu, công ty này luôn cam kết chi trả tiền gốc và lợi nhuận đúng thời hạn. “Để tạo niềm tin cho người góp vốn công ty đã cung cấp cho khách hàng nhiều giấy tờ, chứng nhận của các cơ quan, tổ chức về một số sản phẩm trà sạch của công ty. Cùng với đó còn có các hợp đồng xuất khẩu hàng triệu USD, các phương án kinh doanh. Khách hàng cũng được đưa đi tham quan nhà máy có treo biển của công ty, tham gia các buổi hội thảo.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, công ty đã có những công văn thông báo đầu tiên về những khó khăn và đề nghị giãn dần lịch thanh toán với các hợp đồng đến hạn. Khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng công ty vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người khác tiếp tục đầu tư với nguồn tiền rất lớn. Đến bây giờ, công ty như là công ty chết, cán bộ chủ chốt thì hầu hết đã rời đi, người còn lại thì vòng vo về khả năng thanh toán, không minh bạch về tài chính, vậy số tiền chúng tôi góp vào đã đi đâu. Tôi nghi ngờ về việc, phía công ty ngay từ đầu đã dựng lên kịch bản để lừa dối khách hàng”, anh Nguyễn Huy Hoàng nhận định.
Khách hàng có thể đảm bảo được quyền lợi?
Trước những phản ánh của khách hàng đã góp vốn vào Công ty NTea dưới hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Kim Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị để có góc nhìn từ nhiều phía. Ông Cường cho biết, trong bối cảnh hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, do đó trường hợp của Công ty NTea cũng không phải ngoại lệ. Phía công ty hiện nay đang tái cấu trúc để hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trở lại.
Hiện tại 4 nhà máy của công ty ở Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã hoạt động trở lại bình thường chứ không phải là như phản ánh của những khách hàng góp vốn kia là công ty đã dừng hoạt động.
“Trước thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó khăn mấy năm qua, chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục, giải quyết các công việc liên quan đến nhà đầu tư, cổ đông góp vốn nhưng nguồn lực có hạn. Chúng tôi đã cố gắng giải quyết đến tháng 6/2022, trước hết là cho các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào đã trang trải tới 80%.
Trước các khó khăn của công ty thì các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khiến cán cân thanh toán của công ty bị mất cân đối nghiêm trọng. Còn đối với những người góp vốn qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, chúng tôi cũng có trao đổi là không thoái thác trách nhiệm chi trả và đã đưa ra 4 công văn thông báo cho khách hàng về việc chốt công nợ và cách thức giải quyết vấn đề”, ông Cường cho hay.
Về phương án giải quyết quyền lợi cho các khách hàng góp vốn thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh này, ông Cường cho biết, tới đây phía công ty sẽ họp bàn đưa ra 3 giải pháp. Giải pháp dài hạn, khách hàng sẽ tiếp tục đồng hành với công ty khoảng 3- 5 năm nữa để công ty ổn định và phát triển sản xuất sau đó mới rút vốn. Giải pháp trung hạn là hiện nay công ty đang sở hữu một số bất động sản và sẽ chuyển lại cho khách hàng để khấu trừ vào phần vốn góp. Giải pháp ngắn hạn là số vốn góp này sẽ được chuyển thành hàng hóa.
Khách hàng có thể lấy về tiêu thụ hoặc bộ phận kinh doanh của công ty sẽ tiêu thụ cho khách hàng. Hoặc một giải pháp khác là số tiền đã góp vào này được chuyển hóa thành cổ phần của công ty. “Chúng tôi không thoái thác trách nhiệm, mà có thoái thác cũng không được. Ngay cả các cán bộ dù đã rời khỏi công ty thì trách nhiệm vẫn còn đó. Các giải pháp này chúng tôi cũng đã tính toán nhưng chỉ là hiện tại chưa thể công khai”, ông Cường cho biết thêm.
Mặc dù phía công ty đưa ra những phản hồi như vậy, nhưng theo ông Vũ Đình Nhượng (cũng là một khách hàng góp vốn vào công ty qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh) thì các khách hàng cũng không thực sự có niềm tin. “Chúng tôi thấy công ty rất không minh bạch. Hiện tại đội ngũ cán bộ chủ chốt của công ty đã rời đi gần hết, nguồn lực cũng chẳng còn lại gì.
Ngay cả các nhà máy sản xuất ở các tỉnh, rồi một số bất động sản kia cũng chưa xác minh được có phải hoặc có còn là của công ty hay không. Tại sao có phương án giải quyết như thế mà lại không thể công khai.
Suốt một thời gian dài, mọi yêu cầu của chúng tôi hoặc là lảng tránh, hoặc là chỉ được trả lời qua loa bằng miệng như là do ảnh hưởng COVID-19, do ảnh hưởng chiến tranh Nga – Ucraina… Do đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thể vào cuộc đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Nhượng mong muốn.