Bài 1: Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện qua các thời kỳ
Mỗi đơn vị hành chính đều gắn liền với bề dày lịch sử truyền thống của địa phương. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, có thể có sự điều chỉnh tách, nhập thôn, làng, xã, huyện, tỉnh nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Một góc thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Q.H (TP Thanh Hóa)
Thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 18–NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, trong năm 2019, các địa phương trong toàn quốc sẽ đồng loạt tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhằm tổ chức lại hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước hiện nay.
Mỗi đơn vị hành chính đều gắn liền với bề dày lịch sử truyền thống của địa phương. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, có thể có sự điều chỉnh tách nhập thôn, làng, xã, huyện, tỉnh nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, từ năm 1975 đến nay, đơn vị hành chính các cấp ở nước ta đã tiếp tục được điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với sự phát triển của đất nước ở thời kỳ mới.
Tại Thanh Hóa, trước năm 1975 tỉnh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 21 huyện (Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Xuân) và thị xã Thanh Hóa.
Năm 1977, hai huyện Hà Trung và Nga Sơn được sáp nhập vào nhau thành huyện Trung Sơn, các huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành được sáp nhập thành huyện Vĩnh Thạch, huyện Lang Chánh và huyện Ngọc Lặc sáp nhập thành huyện Lương Ngọc, phần tả ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa được sáp nhập với huyện Yên Định thành huyện Thiệu Yên, còn phần hữu ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa được sáp nhập vào huyện Đông Sơn thành huyện Đông Thiệu. Lúc này, tỉnh còn 18 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 4 đơn vị), gồm 17 huyện và thị xã Thanh Hóa.
Năm 1981, 2 thị xã Bỉm Sơn và Sầm Sơn được thành lập, tỉnh có 20 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 17 huyện và 3 thị xã.
Đến năm 1982, một số huyện lại được chia tách: Huyện Lương Ngọc chia tách thành 2 huyện Lang Chánh và Ngọc Lặc, huyện Vĩnh Thạch được chia tách thành huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc, huyện Trung Sơn được chia tách thành huyện Hà Trung, huyện Nga Sơn, đổi tên huyện Đông Thiệu thành huyện Đông Sơn. Như vậy, tỉnh có 23 đơn vị hành chính cấp huyện và ổn định cho đến năm 1986, gồm 20 huyện và 3 thị xã. Năm 1994, thành lập TP Thanh Hóa.
Năm 1996, với việc thành lập các huyện Quan Sơn, Mường Lát, Như Thanh và tái lập huyện Thiệu Hóa, tỉnh có 27 đơn vị hành chính cấp huyện và ổn định đến năm 2013 (tăng 4 đơn vị), gồm 24 huyện, 2 thị xã, 1 thành phố. Đến năm 2017 thì thành lập TP Sầm Sơn. Số đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh ổn định cho đến nay.
Cùng với sự sắp xếp, sáp nhập, chia tách, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh cũng có sự thay đổi, điều chỉnh.
Trước năm 1975, tỉnh có 561 đơn vị hành chính cấp xã gồm 549 xã, 12 thị trấn. Từ năm 1975 đến năm 1986, tỉnh có 585 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 24 đơn vị) gồm 560 xã, 13 phường, 12 thị trấn. Từ năm 1986 đến năm 2013, tỉnh có 637 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 77 đơn vị), gồm 579 xã, 30 phường, 28 thị trấn. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh có 635 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 2 đơn vị), gồm 573 xã, 34 phường, 28 thị trấn.
Việc phân định đơn vị hành chính 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) trong thời gian qua và hiện nay, cũng như thời gian tới được Đảng, Nhà nước đánh giá là phù hợp với hiện trạng và định hướng tổ chức, phát triển của đơn vị hành chính tại nước ta.
Tuy nhiên, việc chia tách đơn vị hành chính các cấp thời gian qua đã nảy sinh một số bất cập và hạn chế. Theo thống kê, số đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn từ 1975 đến 2010 trong toàn quốc tăng, song quy mô đơn vị hành chính không đồng đều giữa các vùng miền, chưa có sự tương xứng giữa quy mô diện tích với dân số. Phần nhiều các đơn vị hành chính ở đồng bằng, ven biển có diện tích nhỏ nhưng quy mô dân số lại lớn, trong khi đó các đơn vị hành chính ở miền núi có diện tích lớn nhưng dân số lại ít. Những đơn vị hành chính có quy mô nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Mặt khác việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng, ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng. Đa số các đơn vị cấp xã thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối thu chi, cấp trên phải hỗ trợ.
Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế đó có một phần do các yếu tố lịch sử để lại. Trong các giai đoạn trước kia, việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính chưa thật sự chặt chẽ và do khó khăn về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính nên có xu hướng chia nhỏ các đơn vị hành chính để quản lý, dẫn đến có những đơn vị hành chính cấp xã, huyện có quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về tiêu chuẩn đơn vị hành chính chậm thay đổi so với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về tổ chức đơn vị hành chính nên dẫn đến nảy sinh những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Để phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, khắc phục những bất cập, hạn chế, trên cơ sở các quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, xét tờ trình của Chính phủ, ngày 25-5-2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính. Ngày 24-12-2018, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 37–NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn. Gắn sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, đồng thời phải chú trọng cân nhắc các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo... Trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đồng thời giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp hợp lý để bảo đảm đúng số lượng quy định.
Bài 2: Khẩn trương sắp xếp, sáp nhập 66 đơn vị cấp xã trong năm 2019
Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn (xã, thị trấn)
Quy mô dân số: Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; xã không thuộc miền núi, vùng cao từ 8.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên xã miền núi, vùng cao từ 50km2 trở lên; xã không thuộc miền núi, vùng cao từ 30km2 trở lên.
(Điều 3, Mục 1, Chương 1 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13)
Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị (phường, thị trấn)
- Tiêu chuẩn của phường: Quy mô dân số: Phường thuộc quận từ 15.000 người trở lên; phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương từ 7.000 người trở lên; phường thuộc thị xã từ 5.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên. Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đạt quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.
- Tiêu chuẩn của thị trấn: Quy mô dân số từ 8.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên từ 14 km2 trở lên. Đã được công nhận là đô thị loại IV hoặc loại V, hoặc khu vực dự kiến thành lập thị trấn đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại IV hoặc loại V. Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 2 ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.
- Tiêu chuẩn xác định quy mô dân số: Quy định tại khoản 1, các điều từ điều 1 đến điều 9 được xác định theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.
(Điều 8, Điều 9, Điều 10 Mục 1, Chương 1 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13)
Việt Linh