Bài 1: Tham vấn ý kiến đối với những vấn đề quan trọng

Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Hà Tĩnh những năm qua đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và đạt được hiệu quả cao khi Nghị quyết số 38/2012/NQ-HĐND về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh quy định: khi cần thiết, các Ban HĐND tỉnh cùng tham gia từ đầu với các sở, ngành trong quá trình chuẩn bị xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết; tổ chức hội thảo, làm việc với các cơ quan liên quan, tham vấn ý kiến của chuyên gia, các đối tượng chịu sự điều chỉnh và cử tri đối với những vấn đề quan trọng.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát khu vực dự kiến Quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà. Ảnh: Xuân Hoa

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát khu vực dự kiến Quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà. Ảnh: Xuân Hoa

Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá cao, nhiều vấn đề được phản biện làm rõ, là căn cứ quan trọng để HĐND thảo luận và quyết định tại các kỳ họp. Đặc biệt, công tác thẩm tra một số dự thảo nghị quyết có tính toàn diện, ảnh hưởng lớn đến người dân như: chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chính sách phát triển giáo dục mầm non và phổ thông; chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; chính sách phát triển khoa học và công nghệ; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh nông thôn mới; chính sách cho cán bộ thôn, tổ dân phố... được các Ban HĐND tỉnh chuẩn bị hết sức công phu.

Khai thác vấn đề từ nhiều nguồn thông tin

Đối với HĐND tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND những năm qua đã có sự đổi mới, sáng tạo và đạt được hiệu quả cao khi Nghị quyết số 38/2012/NQ-HĐND về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh được ban hành. Tại Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết quy định: khi cần thiết, các Ban HĐND tỉnh cùng tham gia từ đầu với các sở, ngành trong quá trình chuẩn bị xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết; tổ chức hội thảo, làm việc với các cơ quan liên quan, tham vấn ý kiến của chuyên gia, các đối tượng chịu sự điều chỉnh và cử tri đối với những vấn đề quan trọng.

Đối với Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, theo chức năng, nhiệm vụ, các Ban HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra, xem xét tính chính xác, tính phù hợp của các vấn đề trong báo cáo của UBND và các ngành trên lĩnh vực do mình phụ trách (thông thường, báo cáo của UBND tỉnh đánh giá rất đậm phần kết quả đạt được nhưng lại đánh giá sơ sài phần tồn tại, hạn chế) để chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế có tính chủ quan trong công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Từ đó, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hạn chế. Đây là những nội dung quan trọng để HĐND tỉnh nghiên cứu, cân nhắc xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Đối với thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết, trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban chủ động xây dựng kế hoạch thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan chuyên môn liên quan ngay từ khi dự thảo sơ khai. Do đó, đã tiếp cận được thông tin sớm, chủ động về kế hoạch, thời gian thẩm tra, nghiên cứu, xác định rõ đối tượng, phạm vi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến vấn đề cần thẩm tra, tổ chức khảo sát nếu thấy cần thiết. Hoạt động này được tiến hành liên tục, khai thác vấn đề từ nhiều nguồn thông tin một cách trung thực, chính xác, khách quan, toàn diện có đối chiếu và kiểm chứng.

Làm rõ mục đích, sự cần thiết, cơ sở

Để việc thẩm tra thực sự chất lượng, công tác chuẩn bị rất quan trọng. Căn cứ Nghị quyết về kỳ họp thường lệ được ban hành từ cuối năm trước, các Ban HĐND tỉnh Hà Tĩnh chủ động lên kế hoạch giám sát, khảo sát về các nội dung sẽ trình tại kỳ họp tiếp theo.

Đơn cử, chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách phát triển giáo dục, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát về kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật trên lĩnh vực giáo dục; kiến nghị UBND tỉnh sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực giáo dục, kịp thời có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để triển khai thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo... Do đó, khi UBND tỉnh trình nội dung này, Ban đã có rất nhiều thông tin quan trọng để phản biện, góp ý. Tuy nhiên, một số nội dung quan trọng chưa được tiếp thu đầy đủ nên Ban đã tham mưu Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến chưa đưa vào chương trình kỳ họp mà đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn, trình tại kỳ họp tiếp theo.

Nội dung thẩm tra chú trọng làm rõ mục đích, sự cần thiết, cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá tác động, tính khả thi của các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình kỳ họp. Đặc biệt, phải nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật liên quan, đối chiếu nội dung dự thảo để bảo đảm không trái với quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Chẳng hạn, dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bổ sung một số chức danh có trên thực tế, chưa được quy định trong Thông tư số 69/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính nhưng cơ quan soạn thảo chưa xin ý kiến các bộ, ngành theo quy định. Do vậy, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã nêu rõ: không bổ sung vào Nghị quyết các chức danh ngoài quy định tại Thông tư số 69/2021/TT-BTC” và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp tục thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục để trình tại kỳ họp sau…

HÀ ANH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1%C2%A0tham-van-y-kien-doi-voi-nhung-van-de-quan-trong-i324642/