Bài 1: Thuận lợi và thách thức đan xen
Công tác xây dựng Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen.
Tại TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người lao động. Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Thành ủy TP. Hồ Chí Minh là một trong những tổ chức Đảng có nhiều đơn vị kinh tế tư nhân và có những đóng góp nhất định cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Tiền thân của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh là Đảng bộ khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP. Hồ Chí Minh. Đảng bộ Khối được Thành ủy đổi tên vào ngày 17/7/2023, đến ngày 19/7/2023, Thành ủy ra Quyết định sáp nhập Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Xây dựng vào Đảng bộ Khối.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Thơ, thời điểm trước đổi tên và sáp nhập, Đảng bộ khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP. Hồ Chí Minh có 89 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 79 tổ chức cơ sở đảng là doanh nghiệp. Tuy nhiên sau khi đổi tên và sáp nhập cũng như thực hiện chuyển giao các tổ chức cơ sở đảng về địa phương, đơn vị trực thuộc, Đảng bộ Khối hiện có 77 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 61 tổ chức cơ sở đảng là doanh nghiệp và 1 tổ chức cơ sở là hợp tác xã.
“Các tổ chức đảng trong doanh nghiệp thuộc khối tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng. Công tác xây dựng đảng đã thành nền nếp tại các doanh nghiệp. Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và cấp ủy đa số là các đồng chí lãnh đạo doanh nghiệp, do vậy thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như công tác xây dựng Đảng”- đồng chí Nguyễn Thành Thơ cho biết.
Bên cạnh đó, theo đồng chí Nguyễn Thành Thơ, các quy định của Trung ương đã nêu rõ chức năng nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp, giúp cấp ủy cơ sở xây dựng quy chế làm việc và tổ chức thực hiện công tác đảng tại doanh nghiệp. Cụ thể, Trung ương Đảng đã ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp như: Quy định số 47-QĐ/TW ngày 20/12/2021 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống; Quy định số 48-QĐ/TW, ngày 20/12/2021 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước; Quy định số 170-QĐ/TW ngày 7/3/2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân hay Quy định số 171-QĐ/TW ngày 7/3/2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp liên doanh nước ngoài.
Vận dụng những quy định này, cấp ủy cơ sở trong doanh nghiệp như Đảng bộ Công ty CP Tư vấn xây dựng điện, Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật, Đảng bộ Công ty CP Sữa Việt Nam, Chi bộ Công ty CP Địa chất và khoáng sản… đã chủ động xây dựng quy chế làm việc, đề ra chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ; duy trì và thực hiện tốt công tác xây dựng đảng và nhiều năm liên tục là tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Đảng ủy Khối, việc phát triển tổ chức đảng tại một số doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa cũng phát sinh nhiều khó khăn. Cụ thể như ở một số doanh nghiệp, đồng chí Bí thư, Phó Bí thư không phải là lãnh đạo đơn vị; do vậy, không phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo của Đảng; không gắn kết giữa lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Từ đó không phát huy được vai trò tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là những đơn vị không còn vốn nhà nước.
Thêm vào đó, các đồng chí cấp ủy, nhất là đồng chí phụ trách công tác đảng vụ trong doanh nghiệp đa số là kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ công tác đảng, nhân sự lại hay thay đổi do vậy, việc triển khai thực hiện một số nội dung về công tác xây dựng đảng còn hạn chế như: Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tế của đơn vị; công tác tuyên truyền, triển khai nghị quyết một số đơn vị làm chưa tốt; công tác kiểm tra, giám sát không đúng quy trình... “Vì không có nghiệp vụ nên công tác phối hợp với lãnh đạo đơn vị không được tốt” - đồng chí Nguyễn Thành Thơ đánh giá.
Đó là chưa kể, với đặc thù công việc, nhiều doanh nghiệp trong khối địa bàn sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước, nên việc tổ chức sinh hoạt đảng bộ, chi bộ khó tập trung đủ đảng viên; nội dung sinh hoạt chủ yếu về thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chưa theo sát hướng dẫn 12 của Ban Tổ chức Trung ương. Thậm chí, việc sinh hoạt đảng của các tổ chức đảng tại doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp không còn vốn nhà nước đa phần là ngoài giờ hành chính. Việc tập trung ngoài giờ cũng có nhiều hạn chế vì chế độ làm ca, khó bố trí địa điểm sinh hoạt đảng…
Thẳng thắn nhìn nhận, những vấn đề nêu trên đang là bài toán khó đối với công tác xây dựng đảng tại doanh nghiệp. Và để tìm ra lời giải thấu đáo, toàn diện không phải chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Đảng ủy khối đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ như: Khi nhận được phản ánh cấp ủy cơ sở, Đảng ủy khối trực tiếp trao đổi với lãnh đạo đơn vị, nếu là các đơn vị trực thuộc tập đoàn, tổng công ty thì có văn bản đề nghị hỗ trợ tổ chức đảng hoạt động; Xây dựng quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và công tác xây dựng đảng; trong đó cấp ủy có nhiệm vụ lãnh đạo đảng viên người lao động phát huy tinh thần, tích cực hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng với mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giữ vững nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao lý luận chính trị cho đội ngũ cấp ủy cơ sở và cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp; Lựa chọn kết nạp vào Đảng những quần chúng thực sự ưu tú, tiêu biểu trong các lĩnh vực nhằm tạo sự lan tỏa tích cực đến người lao động và doanh nghiệp…. Đặc biệt, tại các doanh nghiệp nước ngoài, cấp ủy xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với người quản lý doanh nghiệp trên nguyên tắc hợp tác, đồng thuận để tổ chức đảng tham gia xây dựng, phát triển doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng hoạt động theo quy định của Điều lệ Đảng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đồng chí Nguyễn Thành Thơ nhận định một bài học sâu sắc: “Cán bộ nào, phong trào ấy” là một mệnh đề không mới. Nhưng đối chiếu vào thực tiễn thì càng ngẫm càng thấy đúng. Do vậy, đồng chí cho rằng cần thiết phải xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thực hiện chế độ phụ cấp công tác Đảng theo quy định; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên, làm cho chủ doanh nghiệp thấy được vai trò, sự cần thiết của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các hoạt động của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đây là vấn đề khó nhưng tôi cho rằng cứ mạnh dạn đi rồi sẽ đến đích.
Đồng chí Võ Văn Yên - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh:
Trong quý I năm 2024, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh và cấp ủy cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tập trung phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; hoàn thành công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2023. Việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và chương trình làm việc năm 2024 của cấp ủy các cấp được cụ thể hóa sát hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị trong khối.
Cụ thể, doanh thu của các doanh nghiệp trong khối ước đạt 30.557,3 tỷ đồng, bằng 121,1% so cùng kỳ; nộp ngân sách 1.811,8 tỷ đồng, bằng 125,7% so cùng kỳ; lợi nhuận ước thực hiện 4.326,8 tỷ đồng, bằng 79,4% so cùng kỳ.
Trong đó, doanh nghiệp ngành điện đã cung cấp đủ điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Đặc biệt, các đơn vị trong ngành đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý, vận hành lưới, trạm an toàn; tiếp tục tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý, hiệu quả.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may đã ghi nhận đơn hàng quý I/2024 gấp đôi so với năm 2023. Mặc dù giá đơn hàng hiện vẫn khá thấp song theo các doanh nghiệp, họ nhận đơn hàng chủ yếu lấy công làm lãi nhằm giữ chân khách hàng, ổn định lao động và sản xuất trong lâu dài.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-1-thuan-loi-va-thach-thuc-dan-xen-312568.html