Bài 1: Truy trách nhiệm đối với công ty liên đới, hưởng lợi

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có cả trăm cán bộ, chuyên viên cấp sở và của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trực thuộc vướng vòng lao lý bởi hành vi 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí'.

Sự quyết liệt của các cơ quan có trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm và trong thu hồi tài sản Nhà nước từ các vụ việc sai phạm này được dư luận, người dân đánh giá rất cao. Tuy nhiên, phía sau những vụ việc này, còn một vấn đề mong chờ là việc truy đến cùng trách nhiệm liên đới, xử lý những cá nhân hoặc đại diện pháp nhân liên quan được hưởng lợi từ số tài sản Nhà nước bị thất thoát bởi việc làm sai trái của các cán bộ.

Cơ quan chức năng xác định, việc chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông gây thất thoát hơn 80 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định, việc chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông gây thất thoát hơn 80 tỷ đồng.

Ngày 24/2 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) do Trần Công Thiện, sinh năm 1965, nguyên Tổng giám đốc cùng các đồng phạm thực hiện.

Trong vụ án này, ngoài Trần Công Thiện, ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng nhiều đồng phạm khác cũng bị đề nghị truy tố. Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Hồ Chí Minh đã thống nhất với Cơ quan ANĐT cần làm rõ thêm một số vấn đề trong vụ án. Trong đó, Viện KSND Thành phố cho rằng, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) nên phải hiểu rõ quy định của pháp luật trong việc mua bán tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy vậy, công ty này đã nhận chuyển nhượng tài sản từ Công ty Tân Thuận không thông qua đấu giá nên cần điều tra làm rõ vai trò, trách nhiệm của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan ANĐT đã tiến hành lấy lời khai và trách nhiệm của những cá nhân liên quan, trong đó có bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về quá trình chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển và khu dân cư Ven Sông với Công ty Tân Thuận.

Làm việc với Cơ quan ANĐT, bà Nguyễn Thị Như Loan khai nhận đã mua lại 45% vốn góp của Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh và bắt đầu hợp tác với Công ty Tân Thuận tại dự án khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong thuộc khu chức năng số IV trong khu dân cư Ven Sông. Nắm quyền lợi là cổ phần trong tay, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã nhiều lần đề nghị Công ty Tân Thuận sớm thực hiện dự án để thu hồi vốn. Do Công ty Tân Thuận không đủ điều kiện về vốn đối ứng là 20% tổng mức đầu tư dự án, nên DN này đã không được Sở Xây dựng chấp thuận đầu tư dự án. Sau đó Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã liên tục gặp gỡ, liên lạc nhiều lần với Công ty Tân Thuận để trao đổi, đề xuất giải pháp, trong đó Công ty Tân Thuận phải tăng vốn điều lệ và vay ngân hàng để đủ điều kiện thực hiện đối với 55% phần vốn góp của Công ty Tân Thuận tại dự án. Không thực hiện được yêu cầu tăng vốn, nên ngày 18/3/2016, Công ty Tân Thuận đã phải bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai 45% trong số 55% phần vốn góp của mình với giá 186,2 tỉ đồng.

Sau khi sở hữu 90% vốn góp tại dự án, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục “thúc” Công ty Tân Thuận để DN này bỏ ra 10% chi phí nhằm triển khai dự án. Tuy nhiên, Công ty Tân Thuận không chịu bỏ chi phí xây dựng mà đề nghị sau này Công ty Tân Thuận sẽ lấy 10% giá trị đất để hoán đổi thành sàn căn hộ trên tổng số giá trị của đất và chi phí xây dựng đã bỏ ra. Do Công ty Tân Thuận không chịu bỏ số tiền này ra, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục yêu cầu Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án để làm chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Để thực hiện yêu cầu này, Công ty Tân Thuận đã có các văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị được chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Tháng 11/2017, TP Hồ Chí Minh có văn bản chấp thuận cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Ngay sau đó, ngày 28/11/2017, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Về dự án khu dân cư Phước Kiển, bà Nguyễn Thị Như Loan khai, năm 2016 khi làm thủ tục cho dự án khu dân cư có diện tích 91ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư, bà Loan biết dự án Phước Kiển có diện tích khoảng 50ha do Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư đã được UBND huyện Nhà Bè duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000. Khi đó, Công ty Tân Thuận đã đền bù được khoảng 32ha. Do Công ty Tân Thuận đã đền bù được 2/3 diện tích nên bà Loan đã ký văn bản gửi Công ty Tân Thuận đề nghị hợp tác đầu tư thực hiện dự án Phước Kiển theo tỉ lệ 15 và 25 hoặc xin chuyển nhượng 100% dự án.

Ngày 24/4/2017, hai bên đã đàm phán, thỏa thuận các điều khoản cơ bản khi hợp tác đầu tư và thống nhất mức giá khu đất có tổng diện tích hơn 32ha đã đến bù xong với giá hơn 1,107 triệu đồng/m2, tổng giá trị là 358 tỉ đồng, góp vốn theo tỉ lệ 70% - 30%. Do Công ty Tân Thuận chỉ có khoảng 162 tỉ đồng, không đáp ứng được 20% vốn đối ứng, chưa đáp ứng đủ điều kiện để hợp tác đầu tư nên ngày 19/5/2017 các bên đã đàm phán để Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nhận chuyển nhượng 32ha đất này với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Sau khi trả tiền cho Công ty Tân Thuận, ngày 23/12/2017, bà Loan được Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh mời đến họp và được trao đổi về đơn giá đất nông nghiệp để tính bồi thường và được xét cấn trừ khi được chuyển mục đích sử dụng đất làm dự án thương mại là 1,768 triệu đồng /m2. Khi Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh lại giá chuyển nhượng đất là 1,768 triệu đồng/m2 cho phù hợp với giá thị trường, bà Loan đã đồng ý với điều kiện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai được trả chậm số tiền tăng thêm là 155,2 tỉ đồng trong thời gian 18 tháng.

Đầu năm 2018 khi bị dư luận cho rằng Công ty Tân Thuận bán rẻ đất trong dự án Phước Kiển cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã 3 lần mời bà Loan lên làm việc và đề nghị hủy bỏ hợp đồng và phụ lục hợp đồng. Ngoài truy thu số tiền 21,23 tỉ đồng mà Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã nhận từ Công ty Tân Thuận khi hai công ty hủy hợp đồng, về trách nhiệm cá nhân của bà Loan trong vụ án này, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý theo kết quả điều tra.

Liên quan đến vụ việc này, trước đó ngày 3/2/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản, khẳng định: “Theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS, thì chủ dự án khu đô thị mới, khu nhà ở và dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp có quyền liên doanh, hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thực hiện dự án hoặc huy động vốn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thì còn phải tuân thủ quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (DN), pháp luật về DN. Do vậy, để xác định việc huy động vốn, hợp tác kinh doanh của Công ty tân Thuận có vi phạm pháp luật hay không, đề nghị Cơ quan ANĐT Công an TP Hồ Chí Minh trưng cầu giám định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính”. Ngày 20/1 vừa qua, Cơ quan ANĐT đã có văn bản kèm theo Quyết định trưng cầu giám định gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường cử 2 thành viên thuộc các cơ quan chuyên môn tham gia giám định trình tự, thủ tục chuyển nhượng, hoán đổi vốn góp và chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư Ven Sông; trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án khu dân cư Phước Kiển có vi phạm quy định pháp luật và việc chuyển nhượng có phải tổ chức đấu giá hay không? Tuy nhiên, đến nay Cơ quan ANĐT vẫn chưa nhận được phản hồi từ các bộ. Về giá trị tài sản chuyển nhượng, ngày 6/8/2020 Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp thành phố đã có kết luận định giá khu dân cư Phước Kiển tại thời điểm tháng 6/2017, thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng và thời điểm tháng 8/2017, hai bên điều chỉnh đơn giá từ 1,29 triệu đồng/m2 lên đơn giá 1,768 triệu đồng, tổng số tiền thiệt hại tại thời điểm chuyển nhượng là hơn 167,8 tỷ đồng. Đối với dự án khu dân cư Ven Sông, cũng xác định việc chuyển nhượng một phần dự án gây thất thoát hơn 80 tỷ đồng.

Là người có nhiều năm tham gia tư vấn pháp lý cho các dự án phát triển nhà ở tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, LS Phạm Văn Hữu, Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên phân tích, xuyên suốt cả mấy chục năm nay, những vụ “đại án” liên quan đến hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" hay “Cố ý làm trái…” phần lớn liên quan đến BĐS. Đất đai lên giá nhanh, cho lợi nhuận cao nên những doanh nghiệp có ý đồ đã nhắm đến việc dựa vào những người có chức vụ, có quyền hạn nhất định để lôi kéo, mua chuộc hòng trục lợi. Tuy vậy, qua những vụ việc liên quan đến đất đai, tài sản Nhà nước đã được đưa ra xét xử, có rất ít người vi phạm là cá nhân lãnh đạo các DN tư nhân liên quan, mà chủ yếu là cán bộ cơ quan Nhà nước và những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước bị vướng vòng lao lý.

LS Phạm Văn Hữu cho rằng, chỉ với một mình nhóm cán bộ có thẩm quyền đã bị truy tố, xét xử thì khó có thể thực hiện hành vi sai phạm, mà phải có sự góp sức của DN được hưởng lợi. Bởi số tài sản Nhà nước bị thất thoát đều không chảy vào túi DNNN, mà rơi vào tay các cá nhân, DN tư nhân có liên quan.

Với DN có liên quan đến những vụ án về đất đai, tài sản công đã bị xử lý, mục tiêu đầu tiên cũng là lợi nhuận nên để thực hiện mục tiêu này, họ sẽ nghiên cứu đưa ra cơ chế, chính sách để lôi kéo cán bộ. Họ thường có sự chủ động thông qua việc tiếp cận, dụ dỗ, móc nối và thậm chí có thể là chia lại một phần lợi ích vật chất đạt được cho cán bộ để cán bộ thực hiện theo mục đích của DN. Do đó, để xử lý triệt để tận gốc bản chất của những vụ việc này, các cơ quan tố tụng cần phanh phui, làm rõ những cá nhân, tổ chức có động cơ, mục đích trục lợi và được hưởng lợi từ việc tác động, lôi kéo để cán bộ sai phạm. Có như vậy công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước mới đạt hiệu quả cao nhất.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/bai-1-truy-trach-nhiem-doi-voi-cong-ty-lien-doi-huong-loi-i646819/