Bài 1:Từ những vụ việc có 'bàn tay' thế lực bên ngoài
Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người có sự tiếp tay của các thế lực thù địch và một số đối tượng phản động, lưu vong nhằm thực hiện âm mưu 'diễn biến hòa bình'. Lợi dụng danh nghĩa 'đấu tranh đòi quyền lợi' và các vấn đề 'dân chủ', 'nhân quyền', các thế lực này gia tăng các hoạt động móc nối, chỉ đạo các đối tượng khiếu kiện cực đoan tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Một số vụ việc từ khiếu nại, tố cáo chuyển sang kích động, biểu tình, các đối tượng tỏ thái độ cực đoan, manh động, thậm chí sẵn sàng dùng những hành vi chống đối quyết liệt gây mất an ninh, trật tự.
Dùng axít tấn công đoàn cưỡng chế
Ngày 14/4/2015, tại khu vực thị trấn Thạnh Hóa, tỉnh Long An xảy ra vụ việc nghiêm trọng liên quan đến hành vi “chống người thi hành công vụ” và “cố ý gây thương tích” của nhóm đối tượng chống lại lực lượng cưỡng chế trong Dự án (DA) công trình đê bao tại thị trấn Thạnh Hóa.
Theo đó, DA công trình đê bao thị trấn Thạnh Hóa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, địa phương có nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, phạm vi giai đoạn 1 của DA ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 80 hộ dân. Quá trình triển khai DA, đa số hộ dân tại khu vực này chấp thuận tháo dỡ, bàn giao mặt bằng, chỉ còn 3 hộ gồm: Nguyễn Trung Can, Nguyễn Trung Tài và Nguyễn Thị Nhanh trước đó đã di dời nhưng sau lại xin quay về xây nhà tạm để ở rồi tái chiếm luôn mặt bằng. UBND huyện Thạnh Hóa từng 2 lần lên kế hoạch cưỡng chế nhưng sau đó lại hoãn do muốn tiếp tục vận động các hộ dân tự nguyện di dời. Tuy nhiên, các hộ này vẫn không chấp hành nên UBND huyện phải xin chủ trương tiếp tục tiến hành cưỡng chế.
Ngày 13/4/2015, UBND huyện Thạnh Hóa thông báo về quyết định cưỡng chế đối với các hộ: Nguyễn Trung Can, Nguyễn Thị Nhanh và Nguyễn Trung Tài trong diện tích đất cần giải tỏa thuộc DA đê bao. Sau khi nhận được quyết định cưỡng chế, Nguyễn Trung Tài, Mai Thị Kim Hương và Nguyễn Trung Can cùng bàn bạc cách thức tổ chức và chuẩn bị hung khí nhằm đối phó với lực lượng cưỡng chế.
Khoảng 9 giờ, ngày 14/4/2015, Đoàn cưỡng chế của UBND huyện Thạnh Hóa đến trước nhà Nguyễn Trung Can để vận động các hộ chấp hành quyết định cưỡng chế. Lúc này, tại khu vực cưỡng chế còn lại Nguyễn Trung Can, Mai Thị Kim Hương, Nguyễn Trung Tài, Phùng Thị Ly, Mai Văn Tưng, Nguyễn Thị Thắng, Mai Văn Phong, Mai Văn Đạt, Mai Quốc Hẹn, Nguyễn Trung Linh, Phùng Văn Tuân, Nguyễn Văn Tôi và Nguyễn Mai Trung Tuấn. Thấy lực lượng chức năng đến, Nguyễn Mai Trung Tuấn dùng chai thủy tinh bên trong chứa xăng đã chuẩn bị trước bất ngờ ném về phía đoàn cưỡng chế. Cùng lúc đó, Mai Thị Kim Hương đứng trước nhà cầm 2 lưỡi kéo và chỉ cho Nguyễn Trung Linh sử dụng 2 ca axít được chuẩn bị sẵn để chống lại. Bên cạnh đó, các đối tượng tiếp tục dùng cây, kéo và axít liên tục chống trả lại lực lượng chức năng. Nguy hiểm hơn, Nguyễn Trung Can vào nhà mở van xả hơi 2 bình ga và dùng cây đuốc đã tẩm dầu đốt cháy ném vào lu sành chứa xăng và 2 bình ga làm cháy nhà và phát ra tiếng nổ. Sau đó, lực lượng chức năng tiến hành khống chế và bắt giữ các đối tượng về trụ sở Công an huyện để điều tra.
Vụ tấn công lực lượng chức năng của các đối tượng trên khiến 15 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cưỡng chế bị thương từ 1% đến 35%. Trong đó, Trung tá Nguyễn Văn Thủy - Trưởng Công an xã Thạnh An, bị bỏng nặng phải cấp cứu tại bệnh viện.
Có "bàn tay" kích động từ thế lực bên ngoài
Sau vụ việc, các đối tượng trên bị khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ” và “cố ý gây thương tích”. Đồng thời, Tòa án nhân dân huyện Thạnh Hóa sau đó đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt 12 bị cáo với tổng mức hình phạt 33 năm tù.
Điều đáng nói trong vụ án này, trước thời điểm thực hiện việc cưỡng chế, các đối tượng còn đăng nhiều clip trên YouTube, mặc áo lính chế độ cũ, lợi dụng danh nghĩa, chiêu bài “dân oan” có những lời lẽ xuyên tạc, kích động, gây áp lực với chính quyền địa phương cũng như chống phá Đảng, Nhà nước. Thậm chí, sau khi chấp hành xong bản án, Nguyễn Mai Trung Tuấn - đối tượng nhỏ tuổi nhất trong vụ việc, còn liên tục xuất hiện trên các clip, trả lời phỏng vấn của một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài nhằm vu khống chính quyền, các lực lượng thi hành công vụ cũng như lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền" để kêu gọi, tập hợp lực lượng chống phá phục vụ ý đồ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch bên ngoài.
Theo thống kê tại tỉnh, hiện có khoảng 60 người khiếu kiện nhiều năm và 10 đối tượng khiếu kiện tỏ thái độ cực đoan, manh động, tích cực chống đối. Điển hình như vụ việc khiếu nại đòi lại đất cũ của 33 hộ dân trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng dù đã được các cơ quan từ địa phương đến Trung ương giải quyết nhiều lần nhưng đến nay, 33 hộ dân này vẫn không đồng ý và tiếp tục tổ chức khiếu nại. Các hộ dân này khiếu nại yêu cầu trả lại đất nông nghiệp được đưa vào tập đoàn và đất thổ cư có nguồn gốc là cơ sở đóng quân, ấp chiến lược của chế độ cũ, nay là thị trấn Vĩnh Hưng, nhưng không được chấp thuận. Sau đó, các hộ dân chuyển sang khiếu nại yêu cầu giải quyết bồi hoàn thành quả lao động và công khai phá phần diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi, yêu cầu địa phương giao cho mỗi hộ 3ha đất nông nghiệp để sản xuất, nếu không có đất thì hoàn trả tương đương giá trị bằng tiền. Đối với vụ việc này, UBND huyện Vĩnh Hưng đã bác đơn khiếu nại của các hộ dân và UBND tỉnh cũng ban hành thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại của các hộ dân trên. Trong vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phối hợp Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần tổ chức đối thoại, tiếp xúc, vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc Nhà nước không xem xét, giải quyết việc trả lại “đất cũ” cũng như không bồi hoàn. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Hưng xem xét giải quyết các chế độ, chính sách, hỗ trợ an sinh xã hội để các hộ dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay các hộ trên vẫn tổ chức khiếu nại đông người đến các cơ quan tại tỉnh cũng như Trung ương, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài chính là cơ hội để các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong và ngoài nước lợi dụng với âm mưu, thủ đoạn là móc nối, lôi kéo, kích động, hỗ trợ tài chính, chỉ đạo, hướng dẫn người dân khiếu kiện tham gia các tổ chức trá hình với chiêu bài “dân oan” để tập hợp lực lượng có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/bai-1-tu-nhung-vu-viec-co-ban-tay-the-luc-ben-ngoai-a85600.html