Bài 1: Ươm mầm khát vọng từ Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh
Ra đời từ những năm đầu tái lập tỉnh, hơn 30 năm qua, Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 618 cháu hoàn cảnh đặc biệt. Chính sách, nguồn lực ưu tiên cho trẻ mồ côi; tình yêu thương của những người cha, người mẹ nơi đây; sự đùm bọc, sẻ chia của cả cộng đồng đã giúp các em nhỏ trưởng thành. Những mầm xanh khát vọng đang vươn tới tương lai trên con đường rộng mở.
Bố và mẹ lần lượt qua đời vì bạo bệnh lúc 3 chị em Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1999), Trần Văn Nguyên (SN 2003) và Trần Thị Ngọc Hải (SN 2005) ở xã Thanh Lộc (Can Lộc) mới lên 8, lên 5 và lên 3. Người chị đầu được người thân đón vào Tây Nguyên sinh sống, còn 2 em Nguyên và Hải được gửi vào Làng Trẻ em mồ côi Hà Tĩnh (sau đây viết tắt là Làng trẻ).
“Một ngày đầu tháng 4/2010, Nguyên và Hải được người thân đưa vào làng trẻ, khi Nguyên đang học lớp 1, Hải học mầm non. Nhìn 2 đứa trẻ ngây thơ, ngơ ngác, chúng tôi ai cũng thắt lòng."
Là người đón các em đến từ những ngày đầu, ông Trần Hải Nam - Trưởng phòng Hành chính - Kế hoạch tài vụ Làng trẻ vẫn còn nhớ như in: “Một ngày đầu tháng 4/2010, Nguyên và Hải được người thân đưa vào làng trẻ, khi Nguyên đang học lớp 1, Hải học mầm non. Nhìn 2 đứa trẻ ngây thơ, ngơ ngác, chúng tôi ai cũng thắt lòng. Với sự bảo ban, chăm sóc của các mẹ, 2 con rất ngoan và sớm hòa nhập với các bạn. Chúng tôi cũng luôn định hướng và động viên các con sinh hoạt, học tập, tạo điều kiện tối đa để 3 chị em có thể gặp gỡ, liên lạc với nhau thường xuyên”.
Vượt lên nỗi đau, 3 chị em Hạnh, Nguyên, Hải luôn nghe lời các mẹ, nỗ lực trong học tập và cuộc sống. Năm 2017, Hạnh thi đỗ Trường Cao đẳng Y tế Huế nhưng theo học tại trường được hơn 1 năm thì buộc phải bảo lưu kết quả để đi làm do cuộc sống khó khăn. Quá trình đi làm, Hạnh vẫn tiếp tục tự học. Người chị cả giàu nghị lực ấy đã gồng mình vừa học, vừa làm, vừa dành thời gian liên lạc với các mẹ ở Làng trẻ để nắm bắt tình hình học tập và động viên các em. Mỗi kỳ nghỉ, Hạnh cố gắng tranh thủ về Làng trẻ chia sẻ phương pháp học tập cùng các em và định hướng nghề nghiệp trong tương lai để các em phấn đấu. Hè năm 2021, Hạnh đón em Nguyên vào cùng ôn thi đại học.
Những khó khăn, vất vả cũng được đền đáp xứng đáng khi cả 2 chị em đều thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược Huế, trong đó Trần Thị Hồng Hạnh theo học ngành Điều dưỡng còn Trần Văn Nguyên theo học ngành Kỹ thuật hình ảnh. 2 năm sau - năm 2023, em út Trần Thị Ngọc Hải thi đỗ vào ngành Y học cổ truyền, cùng Trường Đại học Y Dược Huế. Hạnh chia sẻ: “Có được như hôm nay, chúng em thực sự mang ơn những người cha, người mẹ ở Làng trẻ, các mạnh thường quân và người thân đã luôn đồng hành, dõi theo và sẻ chia trong mỗi bước đi. Đặc biệt, khi bước chân vào giảng đường, các nguồn quỹ của tỉnh, của các nhà hảo tâm đã tạo điểm tựa vững chắc để chúng em nỗ lực tiếp tục hành trình vượt khó. Lựa chọn theo học ngành Y Dược là quyết định khá khó khăn nhưng cả 3 chị em đều quyết tâm và nỗ lực. Bởi chúng em mong muốn sau này mình có thể giúp đỡ nhiều người bệnh, nhiều đứa trẻ sẽ không phải sớm mồ côi bố mẹ như chúng em”.
Mỗi dịp hè, ngoài thời gian đi làm thêm, 3 chị em đều cố gắng sắp xếp cùng nhau trở về ngôi nhà lớn để chia sẻ kiến thức, truyền động lực, khát vọng vươn lên cho các em nhỏ ở Làng trẻ.
Hiện nay, Hạnh, Nguyên chuẩn bị bước sang năm học cuối và Hải vào năm thứ hai đại học. Các em vẫn đang nhận được sự tiếp sức, động viên của Làng trẻ và sự hỗ trợ từ Quỹ Khuyến học tỉnh. Mỗi dịp hè, ngoài thời gian đi làm thêm, 3 chị em đều cố gắng sắp xếp cùng nhau trở về ngôi nhà lớn để chia sẻ kiến thức, truyền động lực, khát vọng vươn lên cho các em nhỏ ở Làng trẻ.
Năm tháng trôi qua, nhưng những kỷ niệm ở mái ấm Làng trẻ vẫn khắc sâu trong tâm trí chị Trần Thị Thanh Toàn (SN 1981). Nhớ về những năm tháng tuổi thơ, chị không giấu nổi xúc động: “Tôi quê ở thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc). Năm lên 8 tuổi, không may mồ côi mẹ, bố cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà rời bỏ tôi khi vừa tròn 12 tuổi; ông bà nội ngoại cũng không còn. Năm 1994, người thân đã đưa tôi vào sống tại Làng trẻ. Số phận cuộc đời tôi cũng bắt đầu thay đổi từ đó”.
Với chị Toàn, ngày tháng tuổi thơ gắn bó với Làng trẻ là những ký ức vô cùng ấm áp và thiêng liêng mà chị ghi nhớ suốt đời.
Với chị Toàn, ngày tháng tuổi thơ gắn bó với Làng trẻ là những ký ức vô cùng ấm áp và thiêng liêng mà chị ghi nhớ suốt đời. Đó là những ngày đầu bỡ ngỡ được các mẹ ân cần chăm sóc, chuyện trò, động viên; những buổi tối quây quần dưới ánh trăng, cùng nhau học bài và chơi đùa cùng bè bạn. “Tôi còn nhớ, năm học lớp 10, bản thân không may bị sốt thấp khớp cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng. Các mẹ và cha ở Làng trẻ đã kịp thời đưa tôi đi cấp cứu, cận kề chăm sóc từng ngày, giúp tôi giành lại sự sống. Hay những lúc ốm đau bởi trái gió trở trời, tôi lại được vỗ về, ôm ấp và chăm nom từng chút một” - chị Toàn xúc động chia sẻ.
Cũng chính những giá trị cao đẹp ấy đã nuôi dưỡng và hun đúc nên tâm hồn thiện lương trong chị, là nguồn động lực để chị nỗ lực vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội. Và giờ đây, khi quay trở lại mái ấm với vai trò của một người mẹ, chị Toàn đã mang những tình cảm ấm áp ấy sưởi ấm trái tim những em nhỏ đang khát khao tình mẹ, mang kiến thức được học góp sức nuôi dưỡng các em trưởng thành tại ngôi nhà thân yêu này.
Chị Toàn cho biết: “Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Vinh (Nghệ An), được tỉnh tạo điều kiện, tôi đã quyết định trở về với Làng trẻ, cùng cha mẹ nuôi dạy các em nhỏ có hoàn cảnh giống mình ngày xưa. Tôi mong rằng, tình yêu và những kiến thức của mình có thể giúp các em viết tiếp ước mơ”.
Chị Toàn đang là Trưởng phòng Chăm sóc nuôi dưỡng tại Làng trẻ. Hiểu và thương cho số phận của những đứa trẻ, chị luôn cố gắng để các con không chỉ được chăm sóc về vật chất mà còn được yêu thương như những thành viên trong gia đình. Mỗi ngày trôi qua, chị luôn tự hào khi nhìn thấy các con dần trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội.
Cùng chung niềm thiết tha trở về với Làng trẻ còn có chị Nguyễn Thị Cẩm Ly (SN 1990), chị Trần Thị Khánh Ly (SN 1988), chị Bùi Thị Thơm (SN 1991). Mỗi người đều có một câu chuyện đầy xúc động và đều có điểm chung là dù có nhiều cơ hội phát triển bản thân ở các môi trường khác thì họ vẫn chọn trở về Làng trẻ. Bởi nơi đây là ngôi nhà thân thuộc, là mái ấm tuổi thơ, nơi để tri ân công ơn của cha mẹ và là nơi có những đứa trẻ mồ côi đang cần chăm sóc, dạy dỗ nên người.
Bằng một con đường khác để cống hiến, tri ân những ân nghĩa của cộng đồng đối với trẻ mồ côi, chị Bùi Thị Huyền (SN 1996, quê ở Hương Khê) - một người con của Làng trẻ, sau khi trưởng thành đã chọn làm việc tại một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này.
Mồ côi cha từ năm 10 tuổi, mẹ cũng bỏ đi, để lại 3 chị em cho ông bà nội, năm 12 tuổi, chị Huyền cùng em trai út được đón về sinh sống, học tập và trưởng thành tại Làng trẻ. Là đứa trẻ giàu nghị lực và khát vọng, suốt những năm học phổ thông, Huyền luôn là học sinh khá, giỏi và thi đậu vào Trường Đại học Vinh với điểm số cao. Năm 2020, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, chị trở thành nhân viên chính thức của Tổ chức Brittany’s Hope (tổ chức phi chính phủ của Mỹ có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh chuyên hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật). Cùng với tích cực trong các hoạt động chung của Brittany’s Hope, chị Huyền nỗ lực kết nối các chương trình, dự án liên quan đến trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi của tổ chức đến với Làng trẻ.
Tổ chức Brittany’s Hope đang nhận đỡ đầu 40 em nhỏ ở Làng trẻ, mỗi em 35 USD/tháng (hơn 800.000 đồng). Riêng trong năm 2020, tổ chức đã ủng hộ Làng trẻ 1,7 tỷ đồng xây nhà trẻ cho các em khuyết tật, hỗ trợ 150 triệu đồng mua sắm trang thiết bị phục hồi chức năng, làm khu vui chơi cho trẻ. Cũng từ năm 2020, tổ chức còn hỗ trợ 16 em của Làng trẻ học đại học, mỗi em được nhận từ 2-3 triệu đồng/tháng.
Nhìn những gương mặt rạng rỡ, mừng vui khi nhận quà của các em, tôi lại nhớ đến bản thân ngày trước.
Chị Huyền chia sẻ: “Đều đặn mỗi năm 1 lần, tôi cùng tổ chức lại trở về thăm Làng trẻ và mang những suất quà cho các em nhỏ. Nhìn những gương mặt rạng rỡ, mừng vui khi nhận quà của các em, tôi lại nhớ đến bản thân ngày trước. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng hơn trong công việc, kết nối được nhiều hơn với các tổ chức để giúp đỡ nhiều hơn cho Làng trẻ”.
Không chỉ chị Huyền mà biết bao trẻ mồ côi trưởng thành từ đây cũng luôn hướng về mái ấm. Những món quà vật chất, tinh thần đã giúp các hoàn cảnh bất hạnh tại đây được sưởi ấm cuộc đời. Những người cha, người mẹ của Làng trẻ lại càng thêm tự hào vì các con đã lớn khôn, luôn biết ơn và đã quay về để chung tay nuôi dưỡng, xây đắp tương lai cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt.
Qua 32 năm, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 618 cháu; đến thời điểm hiện tại có 110 em từ sơ sinh đến đại học, trong đó có 51 trẻ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, làng có 21 em đậu đại học, cao đẳng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Làng trẻ cho biết: “Thành lập năm 1992, sau 32 năm, Làng trẻ đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 618 cháu; đến thời điểm hiện tại có 110 em từ sơ sinh đến đại học, trong đó có 51 trẻ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Những năm gần đây, với sự đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho các em trong việc học tập, nhiều em đã vươn lên học tập tốt và thành công trong công việc, hạnh phúc trong cuộc sống. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, làng có 21 em đậu đại học, cao đẳng.
Cùng với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh trong việc thực hiện các chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi; sự tham gia tích cực của các cấp, ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất, kết nối các chương trình, nguồn lực hỗ trợ Làng trẻ, chúng tôi luôn tích cực đẩy mạnh các hoạt động vận động quyên góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nhiều em là con của Làng trẻ, khi trưởng thành đã trở về bằng tình cảm sâu nặng với ngôi nhà tuổi thơ của mình, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, chung sức cùng chăm sóc, nuôi dưỡng, mở hướng tương lai cho trẻ mồ côi”.
Nội dung: Nhóm P.V Chính trị xã hội
Ảnh: PV - CTV
Thiết kế: Công Ngọc
(Còn nữa)