Bài 1: Vẻ đẹp của điện ảnh nguyên gốc

Song hành với sự phát triển của ngành điện ảnh, việc lưu trữ phim sớm được quan tâm, nhờ đó giữ được khối lượng lớn tác phẩm phản ánh lịch sử, văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, qua thời gian, những cuốn phim nhựa đang 'lão hóa' với tốc độ nhanh chóng, đặt ra không ít thách thức cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

Kho hình ảnh sống động

“Từng nghĩ rằng cách yên tâm nhất là giữ phim trong nhà mình, nhưng khi đi tìm kiếm thứ điện ảnh lộng lẫy, tinh tế, đẹp đẽ ngày xưa, “gõ cửa” Viện Phim Việt Nam, gặp các chuyên gia, tôi nhận thấy Việt Nam đã bảo tồn các cuốn phim nhựa khá tốt, lưu giữ được kho di sản điện ảnh khổng lồ” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.

Lưu trữ và bảo quản phim nhựa. Ảnh: Viện Phim Việt Nam

Lưu trữ và bảo quản phim nhựa. Ảnh: Viện Phim Việt Nam

Có thể thấy, phim nhựa là chuẩn phim lâu đời nhất trong lịch sử điện ảnh nhân loại, có mặt ngay từ những ngày đầu sơ khai của điện ảnh. Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển với nhiều lần thay đổi về kích thước cũng như công nghệ, đặc biệt ngày nay, điện ảnh đã chuyển đổi số. Song những cuốn phim nhựa vẫn đóng vai trò không thể thay thế trong việc lưu giữ ký ức, lịch sử và sáng tạo của nhân loại được ghi lại một cách sống động nhất…

Cũng bởi vậy, việc bảo tồn di sản điện ảnh - phim nhựa ngày càng được thế giới quan tâm. Nhiều quốc gia dùng nhiều cách để bảo quản phim cũ, phim câm, phim nhựa, phim đen trắng... khỏi tác động của thời gian và môi trường, đồng thời phục chế, phát huy giá trị các phim này.

Tại Việt Nam, việc lưu trữ, bảo quản phim được thực hiện từ lâu. Theo thống kê của Viện Phim Việt Nam, nơi có chức năng lưu chiểu phim, lưu trữ phim và bảo quản tư liệu điện ảnh, kho của Viện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại, kể cả 35mm, 16mm, cả bản negative, positive, một số lượng băng từ các loại chuẩn VHS, Umatic, Hi8, Betacam SP... Phông hình ảnh động bao gồm các tác phẩm điện ảnh như phim truyện, phim tài liệu khoa học, thời sự, hoạt hình, tư liệu các nguyên thủ, các sự kiện nổi bật của đất nước.

Bộ sưu tập phim lớn và giá trị đó là kết quả của quá trình sưu tầm và bảo quản lâu dài qua nhiều giai đoạn phát triển. Nhìn vào đó, công chúng không chỉ thấy những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh 70 năm qua, mà còn cả bức tranh lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam.

Nhận định thế hệ nhà làm phim trong chiến tranh đã “giữ phim như con”, người làm lưu trữ đã tiếp sức bảo quản những cuốn phim nhựa nhiều thời kỳ cho tới ngày nay; tại Việt Nam chưa từng có tình trạng phá hủy thước phim mà các đạo diễn tạo ra… nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng thẳng thắn cho rằng, việc phục chế phim và phát huy giá trị, đưa phim với chất lượng tốt tới khán giả, là điều đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay.

Lưu giữ “định dạng rực rỡ nhất” của điện ảnh

Thực tế, dù được lưu trữ trong điều kiện khá tốt tại Viện Phim Việt Nam nhưng theo thời gian và sau nhiều lần khai thác phổ biến, các cuốn phim nhựa vẫn bị tổn thương, mang nhiều khuyết tật cơ, lý hóa (giòn, chua, co ngót, xước sát, bụi bẩn, phai màu…) làm tuổi thọ suy giảm. Chất lượng kỹ thuật trình chiếu, truy cập tư liệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong thời đại cách mạng công nghệ, số hóa đang là xu thế chung trong lưu trữ hình ảnh động trên phạm vi quốc tế với nhiều ưu điểm. Dù vậy, với hàng nghìn cuốn phim như vậy, trong khi khả năng phục chế của Viện Phim Việt Nam còn hạn chế, máy móc, trang thiết bị phục vụ số hóa rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được trong cuộc đua cứu hàng nghìn thước phim hư hỏng cần được “điều trị”. Mỗi năm Viện chỉ có thể số hóa được khoảng 700 cuốn phim nhựa, phục chế được khoảng 100 phút phim.

Bên cạnh đó, nhiều quan điểm cho rằng, số hóa phim nhựa chỉ tồn tại trong giai đoạn quá độ chuyển từ công nghệ phim nhựa truyền thống sang công nghệ số, sau đó, lưu giữ các cuốn phim nhựa không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng theo ThS. Lê Tuấn Anh (Viện Phim Việt Nam), lưu trữ dữ liệu số hóa lâu dài sẽ vấp phải những vấn đề khó giải quyết, bởi các định dạng dữ liệu số thay đổi rất nhanh, sớm trở nên lỗi thời và rất khó tìm công cụ hay phần mềm để đọc các dữ liệu số đó. Thậm chí, mỗi lần thay đổi công nghệ, công việc số hóa sẽ phải bắt đầu lại từ điểm xuất phát, với bản phim nhựa. Trong khi đó, một bộ phim nhựa được lưu kho với điều kiện đủ tốt sẽ có tuổi thọ hàng trăm năm. Phim nhựa vẫn là vật liệu có độ phân giải cao nhất, công nghệ ổn định nhất, trong khi công nghệ số là đa chuẩn và liên tục cập nhật. Vì những lý do trên, các nhà lưu trữ vẫn coi phim nhựa là vật liệu lưu trữ chính…

Hiện nay, ngoài Viện Phim Việt Nam, đã có một số đơn vị số hóa các bộ phim và phổ biến tới khán giả. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: “Tôi đã xem những bộ phim nhựa với một phiên bản vô cùng đẹp đẽ, các nghệ sĩ Việt Nam đã lay động công chúng nhiều thế hệ với những khuôn hình lung linh. Trong khi đó, khán giả hiện nay chỉ tiếp cận những thước phim từ bản số hóa chất lượng quá thấp - một bản phim rất khác, với những khiếm khuyết, lỗi lầm, sai lệch về tỷ lệ khuôn hình, ánh sáng, màu sắc, âm thanh âm nhạc… so với bản gốc”.

Chẳng hạn, trước đó, Hãng phim Truyện Việt Nam đã số hóa các bộ phim của Hãng, nhưng theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, thông thường lưu trữ dạng số, âm thanh, hình ảnh phải chính xác trên 90%, tuy nhiên, việc số hóa vừa qua, phim chỉ còn giữ được 40% giá trị mà phim nhựa đã có về âm thanh, hình ảnh. Hiện nay nhiều khán giả vẫn phải xem bản phim số trên internet với chất lượng như vậy vì không có bản tốt hơn…

Bởi vậy, việc bảo tồn di sản phim nhựa ở Việt Nam vẫn được đặt ra bức thiết, nhất là cuối năm 2022, khi các nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam phản ánh 300 bản phim trong kho phim của Hãng bị hư hại nghiêm trọng do không được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc kêu gọi bảo tồn, gìn giữ các bản phim này gặp nhiều khó khăn.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-1-ve-dep-cua-dien-anh-nguyen-goc-i340368/