Bài 1: Vui xuân đúng nghĩa

Sau 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, khắp các vùng miền trên cả nước đã bước vào mùa lễ hội đầu Xuân Quý Mão 2023 trong không khí vui tươi, phấn khởi. Trong bối cảnh mới, gìn giữ bản sắc, vui hội và an toàn được đặc biệt chú trọng.

Đến thời điểm này, nhiều lễ hội lớn đã chính thức khai hội. Thực tế cho thấy công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương bước đầu có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân và du khách thập phương.

Quy củ, nền nếp hơn

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ, phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh, diễn ra mùng 4 Tết, với sự tham gia của hàng nghìn người dân, du khách. Là lễ hội truyền thống quy mô làng nhưng nó mở đầu cho một loạt lễ hội lớn, mang đặc trưng văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh. Năm nay, lễ rước pháo có sự tham gia của hơn 1.000 người gồm các đội cờ lọng, chiêng trống, múa lân, đoàn nhạc, kiệu pháo tràng, pháo nhất, pháo nhị... tái hiện không khí hào hùng của ông cha khi thắng trận.

Hội Gióng diễn ra an toàn, trật tự do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của địa phương. Nguồn: Anninhthudo.vn

Hội Gióng diễn ra an toàn, trật tự do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của địa phương. Nguồn: Anninhthudo.vn

Theo Ban tổ chức lễ hội Đồng Kỵ, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã bắt đầu rất sớm, từ khoảng 20 tháng Chạp, bắt đầu từ việc tuyển chọn kỹ lưỡng thanh niên trai tráng tham dự. Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội Nguyễn Tiến Quyết cho biết, sau 2 năm bị hoãn do dịch Covid-19, lễ hội Đồng Kỵ trở lại với quy mô lớn, đông vui hơn. Bên cạnh phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phần hội diễn ra tưng bừng với hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, bảo đảm thực hiện tốt nếp sống văn minh.

Để phục vụ hơn 20.000 người dân phường Đồng Kỵ và du khách thập phương về du xuân trảy hội, công an phường cùng với ban bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng đã bố trí cán bộ túc trực tại các vị trí. Hoạt động lễ hội đã diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm và vui tươi, lành mạnh.

Cũng tại thành phố Bắc Ninh, trong hai ngày mùng 5 - 6 tháng Giêng, nhân dân khu phố Ném Thượng, phường Khắc Niệm đã tổ chức lễ hội truyền thống thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Riêng phần lễ được tiến hành theo đúng nghi thức truyền thống song loại bỏ những yếu tố phản cảm. Sau khi rước hai “ông ỉn” đi quanh làng về đình, thay vì chém lợn giữa sân đình, "ông ỉn" được đưa vào khu vực kín đáo làm thịt tế Thánh.

Lễ hội Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội, từng xảy ra tình trạng cướp lộc gây lộn xộn, phản cảm, năm nay đã được tổ chức quy củ. Đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và đoàn rước trầu cau thôn Đan Tảo được bảo vệ nghiêm, không xảy ra hành vi gây rối trật tự. Điểm khác biệt trong mùa lễ hội Gióng 2023 là tập trung vào phần hội, đáp ứng nhu cầu vui xuân của người dân. Ngoài các trò chơi dân gian, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Lễ hội Gióng 2023 lần đầu trình diễn nghi thức Kéo Mỏ và thi cầu húc. Hội thi đấu vật cũng thay đổi phương thức tổ chức, để du khách thập phương có thể đăng ký tham gia thi đấu, tạo nên sân chơi mở cho tất cả người dân. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các đội kiểm tra liên ngành liên tục tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, hiện tượng cờ bạc, mê tín dị đoan…

Điểm tô nét mới

Lễ hội chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội, là một trong những lễ hội quy mô lớn và kéo dài nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, thu hút đông người dân khắp nơi về trảy hội. Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, tính từ mùng 1 Tết đến ngày khai hội mùng 6 Tết, khu di tích đã đón khoảng 150.000 lượt khách, riêng mùng 5 Tết đón khoảng 50.000 lượt khách. Dự kiến mùa lễ hội năm nay, chùa Hương sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, cao hơn so với lượng khách đến chùa Hương các mùa lễ hội trước đại dịch Covid-19.

Điểm nổi bật của Lễ hội chùa Hương năm 2023 là đổi mới hình thức bán vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò từ hình thức truyền thống sang vé điện tử (QR-code), tạo thuận lợi cho việc mua bán, kiểm soát vé. Cùng với đó là triển khai hệ thống xe điện với hơn 50 phương tiện phục vụ nhu cầu tham quan, vãn cảnh của người dân. Lực lượng công an giữ an ninh trật tự thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông trên suối Yến, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật như xuồng, đò chở quá số người quy định, không có giấy phép hoạt động…

Lễ khai hội chùa Hương Tích, Can Lộc, Hà Tĩnh, ngày 29.1 (mùng 8 tháng Giêng) trở thành hoạt động văn hóa đặc biệt khi được lựa chọn là sự kiện khởi đầu cho năm du lịch Hà Tĩnh 2023. Ngay từ những ngày đầu năm mới Quý Mão, đông đảo du khách thập phương đã hành hương về lễ Phật và thưởng ngoạn cảnh sắc của “Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Do dự báo năm nay lượng khách đổ về du xuân tại chùa Hương Tích sẽ tăng mạnh, Khu du lịch chùa Hương Tích đã chỉnh trang diện mạo, bổ sung các dịch vụ tiện ích.

Theo ước tính của Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích, ngay trong ngày khai hội (29.1), đã đón khoảng 15.000 lượt du khách. Điểm bán vé liên tục trong tình trạng quá tải. Để tạo thuận lợi cho du khách khi đến tham quan, vãn cảnh, dâng hương bái Phật, Ban quản lý đã trưng dụng thêm bãi gửi xe và điều động thêm nhân lực, đồng thời bố trí điểm bán vé tập trung các dịch vụ xe điện, thuyền, vé thắng cảnh... Mặc dù lượng người về lễ hội đông nhưng ít xảy ra chen lấn, tại các điểm bán vé, du khách vẫn xếp hàng trật tự chờ đến lượt. Tại các điểm dâng hương, dâng lễ đều khá quy củ, an toàn, văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử tại Lễ hội chùa Hương còn hiện tượng xe ôm, lái đò chèo kéo làm phiền du khách; do lượng người trảy hội quá đông dẫn đến nhiều đoạn đường bị ùn tắc, nhất là đoạn vào động Hương Tích. Tại một số lễ hội, mặc dù đã có hướng dẫn nhưng vẫn còn tình trạng khách tham quan dâng lễ không đúng nơi quy định, đặt tiền lễ, tiền công đức lên ban thờ hoặc gài vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến di tích…

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-1-vui-xuan-dung-nghia-i314984/