Bài 1: Vượt núi tìm chữ

Chúng tôi đã có chuyến trải nghiệm vùng cao với những em học sinh để rồi trong lòng vẫn chưa hết rưng rưng. Ở nơi xa xôi ấy, rất nhiều em nhỏ mỗi ngày phải mất vài tiếng đồng hồ dù trời nắng cũng như ngày mưa vượt đường núi đến trường…

Sáng đèn đom đóm nơi đỉnh trời Tây Bắc

Giàng Thị Sao và các bạn đến trường.

Giàng Thị Sao và các bạn đến trường.

Sa Pa hôm nay vẫn lạnh rét. Thôn Móng Sến 1, xã Trung Chải chìm trong sương mù đặc quánh, giá rét. Đã 12 giờ trưa, chuẩn bị đến giờ đi học mà mưa chưa ngớt chút nào. Mẹ bảo: “hay mai nghỉ học, ở nhà đi nương giúp mẹ ?”, nhưng Giàng Thị Sao, học sinh lớp 9A, Trường Phổ thông Bán trú THCS Trung Chải lắc đầu: “Con sắp có bài kiểm tra, đây là giai đoạn quan trọng, phải đi học chăm chỉ mẹ ạ”. Nói rồi, Sao mặc chiếc áo mưa mỏng, đi đôi dép tổ ong đã rách bước về phía con đường đến trường.

- Nhà Sao cách trường bao xa?
- Em không biết tính cây số, chỉ biết em đi bộ từ 13 giờ thì khoảng 16 giờ đến trường.

Từ nhà Sao đến trường xa lắm, không biết khoảng cách là bao nhiêu cây số, chỉ biết rằng Sao đi bộ mất hơn 3 giờ đồng hồ. Đó là Sao đi theo đường tắt của những đứa trẻ chăn trâu, chứ đi đường chính từ thôn đến trường sẽ xa hơn nhiều. Con đường ấy nhỏ, nhiều đoạn đi qua rừng cây rậm rạp. Trời mưa như thế này rất trơn, Sao phải bám chắc vào những cây dại ven đường, men theo bờ cỏ mới không bị ngã. Phải qua mấy khúc cua, 5 con dốc, Sao mới nhìn thấy ngôi trường phía xa xa.

Nhà Sao có 6 anh chị em, Sao là con thứ 2 trong gia đình. Ở thôn em, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Bố mẹ Sao chủ yếu trồng ngô, trồng sắn lấy thức ăn cho gia súc. Nhà em có một ít nương chỉ trồng được 1 vụ lúa cũng đủ ăn. Lúc nông nhàn, bố mẹ Sao tìm việc làm thuê kiếm thêm thu nhập. Mấy anh em đi học bán trú, chỉ thứ Bảy, Chủ nhật mới ở nhà. Những ngày về nhà, Sao giúp mẹ giặt quần áo, cho lợn, cho gà ăn, chăm các em. Sao bảo: “việc gì em cũng biết làm, tranh thủ ngày nghỉ, em sẽ giúp đỡ bố mẹ việc nhà”. Kết thúc buổi học ngày thứ Sáu, Sao cùng các bạn chuẩn bị quần áo, cặp sách trở về thôn, ăn cơm trưa Chủ nhật ở nhà xong, Sao đi bộ đến trường.

Thôn Móng Sến 1 thì họ Giàng có một nhóm học sinh bán trú khá đông, các em rủ nhau đi học rất vui, vì thế con đường đến trường cũng gần hơn qua những câu chuyện. Móng Sến 1 là thôn hiếu học. Đây là một trong những thôn xa trung tâm xã nhất. Cuộc sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà các gia đình ngăn cản những đứa trẻ đến trường. Các bậc cha mẹ đều mong mỏi con cái họ được học hành đầy đủ, sẵn sàng những kiến thức để bước vào đời.

Chị Giàng Thị Sinh, mẹ Giàng Thị Sao bộc bạch: thời chúng tôi, nhiều phụ nữ không biết chữ khiến cuộc sống đã vất vả lại càng khó khăn hơn. Tôi muốn 6 đứa con đều được học đại học.

Ước mơ của mẹ Sao có thể rất bình dị với những người mẹ thành phố, nhưng đó là nỗ lực lớn và vượt qua nhiều rào cản của phụ nữ người Mông vùng cao.

Giàng Thị Sao đã học lớp 9, hơn 3 năm rồi em cứ đi bộ như thế đến trường. Sao thích đi học lắm. Đến trường em được gặp thầy cô, bạn bè, được biết thêm nhiều kiến thức, còn nếu ở thôn, Sao không thể hiểu được. Sao ở bán trú, phòng có 8 bạn, nhà cũng xa như em. Phòng bán trú dù không rộng nhưng được xếp các giường tầng, mỗi bạn có một không gian riêng khá thoải mái. Mùa đông chẳng sợ lạnh, các giường đều đầy đủ đệm, chăn. Cô giáo phụ trách thường xuyên nhắc nhở các bạn dọn vệ sinh, gấp gọn chăn, màn. Sau mỗi buổi học, Sao cùng các bạn trồng thêm rau, cải thiện bữa ăn bán trú.

Sự chăm chỉ của Giàng Thị Sao được thầy cô và bạn bè ghi nhận, 3 năm học, Sao đều là học sinh khá. Sao là một trong những học sinh có điểm chuyên cần cao nhất trường. Dù có bất cứ việc gì, Sao cũng không nghỉ học. Ốm, sốt, Sao vẫn đến trường. Sau Tết, ở thôn Sao rất nhiều ngày kiêng kỵ. Trong những ngày kiêng ấy, thường học sinh sẽ nghỉ ở nhà. Nhưng nghe lời thầy cô, Sao nói chuyện với bố mẹ, bố mẹ đã đồng ý với Sao về việc vẫn đến lớp trong những ngày kiêng kỵ trong thôn. Những ngày ấy em đi lại cẩn thận cho bố mẹ yên tâm rồi cùng tuyên truyền trong thôn để mọi người cho con, cháu đến trường.

Đường đến lớp của Giàng Thị Sao tuy gian nan, vất vả nhưng Sao không ngại. Con đường mòn nhỏ xuyên qua những bụi cây rừng chính là người bạn thân thiết của Sao. Em thuộc từng khúc cua, từng đoạn dốc, từng loại hoa rừng sẽ bung nở vào mùa nào. Không được bố mẹ đưa đến trường mỗi ngày như các bạn khác, Sao chỉ có những người bạn đồng hành trong thôn. Với em, đường đến trường là con đường vui vẻ nhất. Hành trình ấy, Sao được cùng các bạn vui đùa trò chuyện, được tiếp cận với thế giới kiến thức bao la, được gặp cha mẹ thứ hai là các thầy cô đang giảng dạy tại trường. Đã là năm cuối cấp, Giàng Thị Sao đang phấn đấu để có thể tiếp tục học cấp tiếp theo trên huyện. Sau bậc học THPT, Sao còn muốn về Hà Nội học đại học rồi trở về làm việc, cống hiến cho bản làng.

Mạnh Dũng - Vân Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-1-vuot-nui-tim-chu-z62n20200511111811751.htm