Bài 1: Xây dựng hệ thống truyền tải điện lớn mạnh để sánh vai với các cường quốc năm châu
Đảng ủy EVNNPT nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả trong công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện chính trị. Để có thành quả đó, đâu là những yếu tố quyết định đến thành công của EVNNPT?
Lời dẫn: Đảng bộ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương giao thí điểm một số quyền cấp trên cơ sở, hoạt động xuyên suốt theo ngành dọc. Hơn 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, EVNNPT đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao khẳng định rõ vai trò xương sống của hệ thống điện. Loạt bài viết gồm 3 kỳ sẽ cho thấy một EVNNPT đang vươn tầm châu lục, để tiến bước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Bài 1: Quyết sách đúng của Trung ương
Trong 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao. Đảng ủy EVNNPT nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả trong công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo thực hiện chính trị. Để có thành quả đó, đâu là những yếu tố quyết định đến thành công của EVNNPT?
EVNNPT ra đời - sự đòi hỏi tất yếu của công cuộc đổi mới
Lưới truyền tải điện Việt Nam được hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, giai đoạn với quy mô và đặc điểm khác nhau. Năm 1962, những tuyến đường dây 110kV đầu tiên của hệ thống điện Việt Nam (Đông Anh - Việt Trì, Uông Bí - Hải Phòng) được khởi công xây dựng và hoàn thành đóng điện vào năm 1963. Tại thời điểm đó, chỉ ở miền Bắc mới có hệ thống lưới điện 110kV. Trong khoảng thời gian 10 năm tiếp theo, đã có 9/12 nhà máy điện ở miền Bắc được kết nối bằng hệ thống đường dây 110kV và hệ thống này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải điện năng từ các nhà máy đến các trung tâm phụ tải.
Tại miền Nam, năm 1964, hoàn thành và đưa vào vận hành đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn nối Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (công suất 160MW) với Nhà máy điện Thủ Đức (công suất 165MW), dài 257 km. Đây là tuyến đường dây truyền tải điện cao áp đầu tiên của Việt Nam.
Tại miền Trung, trước năm 1975, không có lưới truyền tải điện cao áp do chỉ cấp điện bằng máy phát diesel phân tán ở các đô thị.
Tại miền Bắc, tháng 3/1979, đường dây 220kV Hà Đông - Hòa Bình và trạm biến áp 220kV Hà Đông được khởi công xây dựng và đóng điện vận hành vào tháng 5/1981. Đây là tuyến đường dây truyền tải điện 220kV đầu tiên ở miền Bắc nhằm nâng cao năng lực truyền tải, đồng thời, tạo cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV. Trong hơn 13 năm tiếp theo, đến trước khi ra đời hệ thống truyền tải cấp điện áp 500kV, hệ thống truyền tải điện 220kV đã phát triển và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như tổng dung lượng máy biến áp 220kV tăng gấp hơn 5 lần lên 2.305MVA, tổng chiều dài đường dây 220kV đã tăng gấp gần 3 lần lên 1.913 km.
Ngày 12/02/1992, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Trần Đức Lương đã ký Chỉ thị số 49/CT về việc xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam. Trên cơ sở đó, ngày 05/4/1992, Lễ khởi công Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam được tổ chức đồng thời tại các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng, Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công xây dựng.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 7/1992 là Thủ tướng Chính phủ) cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các lực lượng tham gia xây dựng, Công trình đường dây 500kV Bắc - Nam đã được đóng điện vào ngày 27/5/1994. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh hòa hệ thống điện miền Trung, miền Nam với Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV Bắc - Nam, chính thức đưa hệ thống truyền tải điện 500kV vào vận hành. Đây là đường dây 500kV đầu tiên được xây dựng và vận hành tại Việt Nam.
Hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam đi vào vận hành đã hợp nhất lưới điện Quốc gia và chấm dứt tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Trung và miền Nam. Công trình đã đặt nền móng cho các công trình truyền tải điện 500kV Bắc - Nam mạch 2, 3 và các mạch vòng 500kV đảm bảo cấp điện cho các thành phố lớn, các khu vực trọng điểm kinh tế trên cả nước trong những giai đoạn tiếp theo.
Trước đòi hỏi cấp thiết của công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, thực hiện Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, ngày 01/7/2008, EVNNPT chính thức được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 03 Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn EVN với nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia.
EVNNPT được thành lập với sứ mệnh “Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”. Kể từ thời điểm này, EVNNPT thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia bao gồm các trạm biến áp và đường dây cấp điện áp 220kV và 500kV. Sự kiện này đã đánh dấu sự phát triển của ngành điện và mở ra giai đoạn phát triển mới trong lĩnh vực truyền tải điện Việt Nam.
Khẳng định tầm nhìn chiến lược
Cùng với việc kiện toàn bộ máy tổ chức về chuyên môn, Đảng bộ Cơ quan Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia được Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành lập tại Quyết định số 11-QĐ/TVĐU ngày 20/8/2008. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Đảng ủy Cơ quan EVNNPT tiếp nhận đảng viên, ổn định tổ chức, hoạt động và xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ EVNNPT xuyên suốt theo ngành dọc. Sau khi được Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thông qua Đề án, ngày 22/01/2009, Ban Thường vụ Đảng ủy EVN đã ký Quyết định số 37-QĐ/TVĐU thành lập Đảng bộ EVNNPT trực thuộc Đảng ủy EVN.
Đồng chí Vũ Hồng Nguyên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVNNPT cho biết: Ngay từ khi được thành lập, Đảng ủy EVNNPT đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đi vào hoạt động và không ngừng phát triển lớn mạnh. Ngày 12/8/2009, Ban Tổ chức Trung ương đã có Công văn số 6382-CV/BTCTW đồng ý thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho Đảng bộ EVNNPT trực thuộc Đảng ủy EVN.
Ngày 14/8/2009, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW ra Quyết định số 464-QĐ/ĐUK thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy EVNNPT theo Quy định số 196-QĐ/TW ngày 24/11/2008 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh kinh tế và tổng công ty nhà nước. Ngày 06/10/2009 Đảng ủy EVNNPT đã quyết định thành lập các ban xây dựng Đảng. Ngày 15/8/2017, Đảng ủy EVNNPT ký Quyết định thành lập Đảng bộ Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện và ngày 04/9/2020 ký Quyết định thành lập Đảng bộ Ban Quản lý dự án truyền tải điện, là đảng bộ cơ sở thứ 9 trong Đảng bộ EVNNPT.
Kể từ khi được thành lập, Đảng bộ EVNNPT đã tổ chức thành công các kỳ Đại hội lần thứ nhất vào tháng 6/2010, Đại hội lần thứ II vào tháng 6/2015 và Đại hội lần thứ III vào tháng 6/2020.
Đảng bộ EVNNPT là đảng bộ cơ sở, được Trung ương, Đảng ủy Khối DNTW đồng ý giao thí điểm một số quyền cấp trên cơ sở, hoạt động xuyên suốt theo ngành dọc đã khẳng định được tầm nhìn chiến lược của Trung ương khi đánh giá vai trò, vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của EVNNPT trong việc vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia trải dài trên khắp cả nước, có ý nghĩa là trục xương sống của hệ thống điện.
Mô hình Đảng bộ toàn Tổng công ty được thành lập và đi vào hoạt động gần như cùng thời điểm ban hành và đúng theo tiêu chí tại Quy định số 196-QĐ/TW, ngày 24/11/2008, nay được thay bằng Quy định số 113-QĐ/TW, ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước, nhằm gắn chặt yêu cầu công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ, sao cho phù hợp với việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sơn - Ủy viên BTV Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn EVNNPT cho biết: Các tổ chức đoàn thể hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy EVNNPT, trong đó Công đoàn EVNNPT là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Đoàn Thanh niên EVNNPT là đoàn cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở. Đây là mô hình lãnh đạo toàn diện, đồng bộ, xuyên suốt toàn bộ hệ thống chính trị trong EVNNPT và đặc biệt là đều được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cấp trên trực tiếp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây là đặc điểm riêng của EVNNPT so với các tổng công ty khác trong Tập đoàn, tạo ra thuận lợi trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị gần 3 nhiệm kỳ vừa qua.
Phát huy hiệu lực, hiệu quả
Với phương châm của Đảng ủy EVNNPT là lãnh đạo thông qua các nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy EVN, trong những năm qua, Tổng công ty đã bổ sung, sửa đổi Quy chế mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy với Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVNNPT, đã cụ thể hóa việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị bằng việc bàn bạc, thông qua các chủ trương, các nhiệm vụ trong danh mục các công việc cần xin ý kiến Đảng ủy Tổng công ty nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất trong thực hiện các nội dung lãnh đạo, phương thức giải quyết công việc, phát huy đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, xác định vai trò của các đoàn thể trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia quản lý doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, hàng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ nghe báo cáo kết quả các lĩnh vực hoạt động trong toàn Tổng công ty; thảo luận, phân tích, đánh giá và ban hành các kết luận để chỉ đạo kịp thời, qua đó đề ra các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Trong nhiệm kỳ I, nhiệm kỳ II và nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy EVNNPT đã ban hành nhiều nghị quyết đối với những vấn đề lớn, có lựa chọn trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, nhằm mục tiêu phát huy tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp. Đồng thời ban hành các chương trình hành động để triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Đảng ủy Khối DNTW, Đảng ủy EVN và phù hợp với điều kiện cụ thể của EVNNPT.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy EVNNPT đã đề ra các chủ trương, nghị quyết và lãnh đạo thực hiện công tác cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình, thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng cán bộ; đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng.
Bộ máy lãnh đạo và hệ thống chính trị của EVNNPT và các đơn vị trực thuộc được tổ chức đồng bộ, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng luôn được đề cao. Đặc biệt, trong mô hình tổ chức đảng đồng bộ, xuyên suốt, công tác quản lý cán bộ các cấp được cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất và kịp thời từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ… tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng quản lý cán bộ.
Trong đó, công tác quy hoạch cán bộ của EVNNPT được thực hiện nền nếp, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, gắn với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của EVNNPT và đơn vị đúng theo quy định. Công tác phát triển đảng viên đảm bảo chất lượng, vượt về số lượng, chú trọng đối tượng là đoàn viên thanh niên. Công tác đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hàng năm được thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định gắn với việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII và XIII. Hàng năm, các tổ chức đảng trực thuộc đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức đảng yếu kém.
Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy EVNNPT đã ban hành nhiều nghị quyết và lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, đã đạt hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch được giao; đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Hệ thống truyền tải điện phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Để tiếp tục có hướng đi đúng, vươn lên tầm khu vực và thế giới, EVNNPT đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm xây dựng EVNNPT phát triển bền vững.
Đồng chí Vũ Hồng Nguyên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVNNPT đánh giá: Từ việc thành lập Đảng bộ EVNNPT hoạt động theo mô hình Đảng bộ xuyên suốt và việc hoàn chỉnh hệ thống chính trị từ cấp ủy đảng - lãnh đạo quản lý - tổ chức đoàn thể là yếu tố quan trọng, phát huy tối đa ưu điểm, lợi thế trong đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối công tác trong Đảng bộ EVNNPT, phù hợp với xu hướng hoàn thiện, đổi mới mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp của Trung ương những năm qua và trong thời gian tới. Đặc biệt là công tác đánh giá chất lượng, công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ được lãnh đạo thực hiện thống nhất, toàn diện đáp ứng đúng yêu cầu của Đảng ủy Khối DNTW, Đảng ủy EVN, đảm bảo chất lượng nguồn cán bộ.