Bài 2: Bộ đội Biên phòng Sơn La và cuộc chiến sinh tử chống ma túy
Hiện trên tuyến biên giới Việt – Lào đoạn qua tỉnh Sơn La có một số địa bàn dọc tuyến giáp Thanh Hóa khá phức tạp và nổi cộm, là địa bàn nóng và trọng điểm về tội phạm ma túy như xã: Mường Cai, Mường Hung, Chiềng Khương (huyện Sông Mã), Chiềng On, Phiêng Khoài (huyện Yên Châu), Chiềng Khừa, Lóng Sập, Chiềng Sơn (huyện Mộc Châu), Tân Xuân (huyện Vân Hồ).
Nhằm đối phó và trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát phát hiện của lực lượng chức năng, sau khi đạt thỏa thuận "không tiếp xúc", các đối tượng chủ mưu, cầm đầu không bao giờ xuất hiện và trực tiếp tham gia vận chuyển ma túy, mà chúng lợi dụng số đối tượng mắc nghiện ma túy, cư dân bản địa có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, thậm chí sử dụng thủ đoạn dụ dỗ, ép buộc cả trẻ chưa thành niên (14-16 tuổi), hứa hẹn trả thù lao cao, nuôi dưỡng gia đình nếu bị phát hiện, bắt giữ… để họ mang vác, gùi ma túy vận chuyển qua các cung đường mòn qua lại biên giới đến các điểm tập kết đã quy ước trong rừng hoặc tại các lán nương, hang đá để tiếp tục sẽ có bộ phận tiếp nhận khâu tiếp theo.
Đối với các đối tượng hoạt động không theo kiểu tổ chức, đường dây thì chúng lợi dụng mối quan hệ thân tộc, giả trang sang thăm, trao đổi hàng hóa rồi tìm cách giao dịch và cất giấu ma túy trong hành lý, bộ phận kín của cơ thể… để vận chuyển qua biên giới.
Có trường hợp chúng hoán cải các phương tiện giao thông như xe máy, một số bộ phận của ô tô… đưa ma túy giấu trong đó và hàn lại, thuê người Việt Nam lái xe vào khu vực nội địa. Theo Đại tá Bàn Văn Chanh - Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La: "Những trường hợp này rất khó khăn trong việc phát hiện, đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp, phương tiện kỹ thuật kết hợp sử dụng động vật nghiệp vụ và đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách phải hết sức tinh tường, nhạy bén, bản lĩnh và đầy kinh nghiệm mới có thể phát hiện được".
Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La luôn phải đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy bởi chúng dùng mọi thủ đoạn kể cả mua chuộc, đe dọa trả thù, đến sử dụng vũ khí nóng chống trả.
Đại tá Bàn Văn Chanh cho hay, trong nhiều trường hợp, trước sự kiểm soát, tuần tra gắt gao của lực lượng biên phòng, trước yêu cầu phải giao hàng gấp, nhiều đối tượng đã manh động, nếu không ngụy trang được các đối tượng sẽ liều lĩnh, tổ chức thành từng tốp, nhóm mang theo vũ khí quân dụng để bảo vệ "hàng", chuẩn bị lương thực, cắt rừng sâu, núi cao, hiểm trở. Trường hợp bị phát hiện hoặc phát hiện có dấu hiệu bất thường nghi vấn là lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát thì chúng nổ súng uy hiếp ngay.
Các đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy đều có tổ chức và các thủ đoạn tinh vi, chúng cử người tiêu đường, lực lượng cảnh giới, theo dõi cả sinh hoạt, giờ giấc… của lực lượng biên phòng tại các Đồn, tổ, đội, chốt ở vùng biên trước khi vận chuyển ma túy vào Việt Nam.
“Đối với loại đối tượng manh động, nguy hiểm này, chúng tôi đã có một thời gian dài bám nắm bắt, theo dõi diễn biến rất kỹ, trên cơ sở đó tích cực tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La xây dựng một phương án tổng thể, phối hợp với lực lượng ở trên và lực lượng Công an tỉnh Sơn La tạo vòng vây thế trận thông suốt khép kín từ: biên giới – nội biên – nội địa, theo đúng tinh thần Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ, với phương châm và tình thần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm; bảo đảm "chắc thắng, an toàn mới đánh” - Đại tá Bàn Văn Chanh chia sẻ.
Đại tá Bàn Văn Chanh kể, nhiều vụ án chúng tôi đã bắt giữ người và tang vật, bị các đối tượng đe dọa sát hại người thân, nổ mìn, ném lựu đạn tại các đồn, chốt ở trên khu vực biên giới nhằm gây áp lực để chúng tôi trả hàng, thả người.
Trong những cuộc chiến sinh tử ấy đã từng có chiến sĩ bị thương, hi sinh, những chiến công trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm ma túy đã có lúc phải đánh đổi bằng máu và nước mắt.
Mỗi trận đánh đi qua là lúc các chiến sỹ rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu, để thêm trưởng thành. Đối mặt với hiểm nguy, trải qua những trận đánh sinh tử, những người chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh với tội phạm về ma túy nơi biên giới không những không chùn bước chân, mà còn tôi luyện nên những phẩm chất kiên cường, anh dũng và mưu lược trong chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm ma túy.
Để bảo vệ lực lượng chống ma túy, tại các đồn, chốt bên cạnh công tác huấn luyện thường xuyên liên tục theo các kế hoạch, phương án và tình huống bất ngờ đặt ra để nâng cao kỹ năng, thể lực, sự phối hợp nhịp nhàng của các cán bộ chiến sỹ làm công tác phòng chống ma túy thì những chú chó và ngỗng được các anh nuôi nhiều nhất.
Như lời Đại tá Bàn Văn Chanh chia sẻ, thì đây là những con vật rất thính, chỉ cần có tiếng động và hơi người lạ là chúng kêu lên. Ở giữa điểm cao biên giới, xung quanh không có dân cư, chỉ có chốt của lực lượng biên phòng làm công tác phòng chống ma túy nên nguy hiểm luôn rình rập, bủa vây, các chiến sĩ luôn ở trong tình trạng cảnh giới cao nhất.
Từ đầu năm 2024 đến nay (đến ngày 15/6/2024), BĐBP tỉnh Sơn La đã phá được 3 chuyên án lớn và một số vụ án nhỏ. Chỉ tính riêng 3 chuyên án các anh đã bắt giữ hơn 290 nghìn viên ma túy tổng hợp và 8 bánh hê rô in.
Khó khăn và hiểm nguy là vậy, nhưng hiện nay tại 5/8 điểm chốt, tổ, đội quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên tuyến biên giới của BĐBP Sơn La chưa có điện và mạng viễn thông. Đó là chưa kể đến tại các Đồn chưa có buồng tạm giữ cho các loại tội phạm nhất là tội phạm nguy hiểm như ma túy.
Các đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy đều sử dụng công nghệ cao, nhưng tại các điểm, chốt các anh không có điện, không có mạng viễn thông, xung quanh không có dân cư sinh sống, nên công tác liên lạc phối hợp thực thi nhiệm vụ, xác minh nguồn tin.. càng khó khăn gấp bội, cùng với đó là hiểm nguy luôn rình rập, trong đó khó khăn nhất phải kể đến chốt Huổi Lạ, Pá Khoang thuộc Đồn Mường Lèo (huyện Sốp Cộp).
Hiện trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Lào qua địa bàn tỉnh Sơn La dài hơn 274 km, có 10 Đồn Biên phòng cùng với 8 tổ, đội, chốt được cắm tại các khu vực trọng yếu là điểm nóng về vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Đồn xa trung tâm thành phố Sơn La nhất là 180km, với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, nhiều đường mòn, lối mở, đường tắt, trong khi lực lượng biên phòng lại rất mỏng.
Trước những khó khăn đó, để giữ vững “trận địa tư tưởng” Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La bên cạnh việc thường xuyên giáo dục tư tưởng, rèn luyện thân thể, huấn luyện công tác hiệp đồng tác chiến, thì việc chăm lo hậu phương cho người chiến sĩ làm nhiệm vụ chống ma túy đặc biệt quan tâm.
Đại tá Bàn Văn Chanh khẳng định: Hàng tuần, Chỉ huy các Đồn trực tiếp lên các chốt, tổ, đội để động viên, thăm hỏi, khi hậu phương của cán bộ, chiến sĩ có khó khăn, chúng tôi sẽ cử người lên thay để cán bộ, chiến sĩ được về gia đình, đôi khi chỉ là về đưa con đi thi chuyển cấp, đưa bố, mẹ, vợ, con đi khám bệnh…nhưng tất cả các hoạt động đó giúp các cán bộ, chiến sĩ yên tâm cắm chốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại các điểm, chốt quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, 100% các chiến sĩ xung phong lên công tác điều đó khẳng định “mặt trận tư tưởng” của những người lính “đánh ma túy” được giữ vững. Qua đó, những chuyên án, vụ án ma túy đã được các anh đồng lòng, quyết tâm, vượt qua khó khăn về điều kiện thời tiết, điều kiện làm việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những tin vui về những chuyên án, vụ vận chuyển được phá thành công đã góp phần mang lại niềm tin yêu của người dân cả nước và đồng bào nơi biên giới.
Bài 3: Cuộc chiến chống ma túy và sự hi sinh thầm lặng của những người lính vùng biên
-----
Nội dung: THU HƯỜNG-ĐỨC LÂM
Đồ họa: HÀ HƯƠNG
Thu Hường