Bài 2: Cách ly nhưng không cách lòng

Trong những khu cách ly, tình người 'nở hoa' và tạo nên sức mạnh cộng đồng để chiến thắng dịch bệnh.

 Ca sĩ Phi Hùng biểu diễn cổ động tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi - Ảnh: Hải An

Ca sĩ Phi Hùng biểu diễn cổ động tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi - Ảnh: Hải An

Trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh, 12 bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động với gần 35.000 giường, sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất khi số bệnh nhân tăng lên. Thực tế, tổng số người hiện đang thực hiện cách ly trên địa bàn TPHCM là 47.440 người, trong đó 9.512 người đang cách ly tập trung, 38.589 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Con số này đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế của toàn Thành phố. Hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng kiệt sức phần nào phản ánh khó khăn này mà không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết được. Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, cho biết bệnh viện đang phải điều trị cho 700 trường hợp F0 từ nhẹ đến nặng. Bệnh viện chỉ có 20 máy monitor (thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân), trong khi đó, số giường cần máy này lên đến 100. "Những ngày qua, Bệnh viện thiếu máy thở di động nên phải mượn từ các đơn vị khác. Hiện tại, chúng tôi cần thêm 2 máy thở di động nữa và 80 máy monitor", bác sĩ Xuân cho biết.

Bác sĩ Xuân cũng cho biết, kể từ khi Bệnh viện Củ Chi được chọn là nơi "chia lửa" tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, nhiều nhân viên y tế với tuổi đời còn rất trẻ đã xung phong trực chiến, như nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Thắm. Hằng ngày, cô có nhiệm vụ chăm sóc những bệnh nhân nặng nhất, nên phải túc trực từ sáng đến tối. "Tôi tính chắc phải xa gia đình khoảng 2 tháng, bởi ngoài thời gian làm việc còn phải cách ly. Nếu thiếu nhân sự, tôi sẽ xin ở lại để hỗ trợ các đồng nghiệp, có khi 3-4 tháng không chừng", Thắm chia sẻ.

Với mỗi 1.000 giường bệnh cần tương đương khoảng 2.000 nhân sự, thì với con số hơn 35.000 bệnh nhân đang được điều trị hiện nay sẽ cần một con số nhân lực lên đến 70.000 người. Theo TS.BS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM, trong trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch thì gánh nặng này càng lớn bởi yêu cầu phải có nhân lực túc trực chăm sóc, sẵn sàng cho những trường hợp diễn tiến bất thường. Các nhân viên y tế không chỉ làm việc gấp đôi, gấp ba mà có lẽ còn nhiều hơn thế nữa”.

Ứng phó với dịch bệnh đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Vì thế, mọi sự hỗ trợ từ người dân, doanh nghiệp đều hết sức cần thiết trong thời điểm này. TS. BS. Nguyễn Tri Thức nói trong xúc động: “Chúng tôi tri ân nhiều Mạnh Thường Quân không nêu danh tính đã quyên góp từ những suất ăn nhỏ mỗi ngày đến số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Sự trợ giúp này đã tăng thêm nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần cho các bác sĩ tuyến đầu chữa trị và cứu sống nhiều bệnh nhân”.

 Các nghệ sĩ cắt tóc cho các bác sĩ, y tá tại Bệnh viện dã chiến số 3, số 12 Quận 2, TP. Thủ Đức - Ảnh: Hải An

Các nghệ sĩ cắt tóc cho các bác sĩ, y tá tại Bệnh viện dã chiến số 3, số 12 Quận 2, TP. Thủ Đức - Ảnh: Hải An

Nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng tới xã hội nên họ cũng nhanh chóng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Hơn một tháng qua, nhóm nghệ sĩ hơn 60 ca sĩ, người mẫu, hoa hậu đã tham gia tình nguyện chống dịch với nhiều hoạt động như điều phối, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, ca hát, tặng quà, cắt tóc... nhằm giúp đỡ người dân và y, bác sĩ. MC Quỳnh Hoa, Trưởng nhóm, cho biết nhóm tham gia chống dịch với tinh thần “sẵn sàng làm hết khả năng có thể”.

Hoa hậu HHen Nie cho biết: “Tôi cảm thấy rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh lan rộng. Nhưng càng lo lắng, càng thấy nhiều người nghèo gặp khó khăn, lực lượng tuyến đầu gian nan vất vả, tôi càng muốn góp chút sức mình để chia sẻ cùng cộng đồng”. Cô kể, ban đầu nhóm nghệ sĩ nghĩ chỉ chia nhau mỗi người đi vài ngày nhưng tình hình giãn cách kéo dài nên nhóm quyết định sẽ đi đến hết dịch và làm bất cứ việc gì có thể.

Cuối tuần qua, nhóm nghệ sĩ đã có mặt tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi tặng nhiều phần quà gồm thực phẩm, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước rửa tay và 5 bộ máy lọc nước uống. Quan trọng hơn, các nghệ sĩ mong muốn được hỗ trợ tinh thần cho các y, bác sĩ, bệnh nhân tại đây bằng cách biểu diễn nhiều ca khúc từ xa để cổ vũ tinh thần tuyến đầu chống dịch và động viên các F0. Ca khúc 'Một đời người một rừng cây' do ca sĩ Phương Thanh và Quốc Đại thể hiện, có đội tình nguyện viên múa phụ họa, được các bệnh nhân và y, bác sĩ nhiệt tình đón nhận và cổ vũ. Tiếng hát, tiếng cười, những cái vẫy tay chào nhau đã phần nào xua tan bầu không khí căng thẳng ở một trong những bệnh viện tập trung nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nhất hiện nay.

Trước khi chia tay Bệnh viện dã chiến Củ Chi, ca sĩ Quốc Đại chia sẻ: “Chúng ta cách ly chứ không cách lòng, nếu sợ thì chúng tôi đã không đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch, chỉ mong góp sức cùng Thành phố vượt qua khó khăn lúc này".

Chu Trường

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/bai-2-cach-ly-nhung-khong-cach-long/440585.vgp