Bài 2: Cải thiện môi trường kinh doanh – chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững
Quảng Ninh được biết đến là một trong những tỉnh có môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tốc độ phát triển doanh nghiệp và kinh tế - xã hội ở mức cao. Để có được kết quả đó tỉnh đã tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương; đồng thời tích cực thực hiện các hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút được sự đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Môi trường đầu tư hiện đại, thông thoáng
Nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh là tỉnh có các điều kiện về tự nhiên, xã hội đa dạng và phong phú, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, với diện tích đất liền trên 6.000 km2 và diện tích mặt biển tương đương với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh riêng.
Những năm gần đây, để xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã phát đi thông điệp: "Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn".
Với thông điệp đó, Quảng Ninh đã nỗ lực, quyết liệt trong cải cách cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay cho bị động chờ nhà đầu tư đến với mình như trước.
Hướng tới mục tiêu lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới, Quảng Ninh luôn coi trọng việc đánh giá một cách thực chất, khách quan những kết quả đạt được trong công tác cải cách.
Việc thực hiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững của Quảng Ninh. Các chỉ số đã trở thành thương hiệu của tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công.
Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 78%, cao nhất toàn quốc), trong đó 77% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 70% hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến 5 bước trên môi trường điện tử; số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,8%; thực hiện số hóa 100% thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện...
Hiệu quả và bền vững
Trong 7 tháng năm 2023 tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 9 cả nước, đứng thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng về tổng vốn thu hút FDI. Tính đến ngày 21/8, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 754,63 triệu USD, đạt 62,9% kế hoạch năm 2023.
Các cơ quan đăng ký đầu tư của tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 727,24 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với số vốn tăng thêm là 26,41 triệu USD; cấp 2 thông báo về việc nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp với giá trị vốn góp đạt 0,98 triệu USD.
Đặc biệt, tổng vốn thu hút trong nước ngoài ngân sách trong kỳ tính đến 21/8 đã đạt trên 45.304 tỷ đồng, vượt 5,4% kế hoạch năm 2023. Trong đó, có 13 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 40.484 tỷ đồng; 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng trên 4.820 tỷ đồng.
Để giữ sức hút với vốn FDI và trở thành “địa chỉ đỏ” với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh đã triển khai, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc (bao gồm thu hút FDI và thu hút đầu tư trong nước); kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ các quy định pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; phát huy và giữ vững vị thế của Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính.
Hoàn thiện các đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu; đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sạch phục vụ thu hút đầu tư các dự án trong năm 2023, hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN), trong công tác GPMB và tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ cho các ngành, lĩnh vực tỉnh quan tâm, tham mưu các giải pháp thu hút và “giữ chân” người lao động làm việc tại tỉnh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư nhà ở cho người lao động làm việc trong KCN; nâng cao hiệu quả công tác dự báo nhu cầu lao động của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030./.