Bài 2: Cần hơn nữa sự đồng bộ, quyết liệt
Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định nhưng những năm gần đây, kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) của Đồng Nai vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt hơn để khắc phục nhằm thực hiện được mục tiêu: phát triển toàn diện, là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh, thành phát triển như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra.
Tăng đối thoại, tháo gỡ những khó khăn
Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn thiện đi vào hoạt động và là địa bàn trọng điểm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện các khu công nghiệp của Đồng Nai đã thu hút doanh nghiệp (DN) của 43 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với gần 1,4 ngàn dự án. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 28,6 tỷ USD, vốn thực hiện gần 22 tỷ USD.
Thực tế ở Đồng Nai còn cho thấy, có những vướng mắc trong cải cách TTHC xuất phát từ chính những vướng mắc về hồ sơ, thủ tục chủ yếu liên quan đến những bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Do vậy, để đẩy mạnh CCHC, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cùng với nỗ lực của tỉnh, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa trung ương và địa phương. Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…
Nhận thức rõ sự đóng góp to lớn của lực lượng này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình DN phát triển. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại, trao đổi, lắng nghe, tiếp thu, chia sẻ thông tin với DN để tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn quy trình giải quyết TTHC, giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho DN. Dù vậy, kết quả chưa như mong muốn.
Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Đồng Nai xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố, giảm 2 hạng so với năm 2020. Bên cạnh đó, chỉ số CCHC (PAR Index) Đồng Nai cũng tụt hạng xuống vị trí 55/63 tỉnh, thành. Sang năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số CCHC và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lại tiếp tục giảm sút so với năm 2021 và những năm trước đó. Cụ thể, chỉ số PCI của tỉnh tiếp tục giảm 7 bậc, từ vị trí 22 xuống 29 và chỉ số PAPI năm 2022 của Đồng Nai vẫn ở nhóm tỉnh có chỉ số trung bình thấp. Chỉ số PAR Index của Đồng Nai đứng ở vị trí 51/63 tỉnh, thành (so với năm 2021, chỉ số PAR Index Đồng Nai có giảm điểm nhẹ nhưng vẫn tăng được 4 bậc).
Điều đó cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng và môi trường kinh doanh nhưng từ góc nhìn của DN, Đồng Nai vẫn cần có sự thông thoáng về TTHC hơn nữa. Mặt khác, thời gian qua, tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của các DN, HTX trên địa bàn thấp do ảnh hưởng của tình hình bất lợi trong và ngoài nước.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, những tháng đầu năm, bức tranh tổng thể kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng so với cùng kỳ, nhưng mức tăng rất thấp, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Hoạt động sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tiếp tục gặp trở ngại do thiếu hụt đơn hàng. Do vậy, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN càng phải được khẩn trương, kịp thời, đồng bộ hơn.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính
Theo Sở Nội vụ - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, thời gian qua, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh về nhiệm vụ CCHC còn chưa đầy đủ. Có nơi, có lúc còn trì trệ, chưa quyết liệt chủ động, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu cũng như thực hiện công tác CCHC. Công tác quán triệt, chỉ đạo thực hiện của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, quyết liệt. Việc triển khai ở một số nơi còn hình thức, chưa bám sát các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, mới chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản triển khai mà chưa phân công bộ phận theo dõi, kiểm tra việc thực hiện...
Phó chánh thanh tra phụ trách Thanh tra Sở Nội vụ Nguyễn Hồng Sơn cho hay, ở nhiều nơi, bộ phận một cửa các cấp được trang bị cơ sở vật chất tương đối, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục thực hiện mô hình một cửa liên thông hiện đại. Tuy nhiên, người dân vẫn còn phản ánh việc giải quyết TTHC trễ hạn, phải chờ đợi để giải quyết hồ sơ hoặc đi lại nhiều lần. Tình trạng công chức, viên chức điểm danh, sau đó bỏ vị trí làm việc đi làm việc riêng hoặc có lịch trực tiếp công dân nhưng không trực, hay có địa phương đóng cửa phòng tiếp công dân trong giờ hành chính (tại một số đơn vị cấp xã) vẫn xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do lãnh đạo các đơn vị này còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc thẩm quyền. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi còn chưa quyết liệt, kịp thời. Năm 2022, qua thanh tra, kiểm tra công vụ, đã phát hiện và xử lý trách nhiệm của 55 tập thể, cá nhân vi phạm trách nhiệm công vụ và kỷ luật kỷ cương hành chính.
Khối lượng công việc càng lớn, tinh thần phục vụ càng cao
Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết, Nhơn Trạch đang phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí đô thị loại III; đến năm 2030 thành lập TP.Nhơn Trạch và đạt tiêu chí cơ bản của đô thị loại II theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chính vì vậy, trong thời gian qua và giai đoạn tới, khối lượng thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn huyện rất lớn.
Đơn cử như: công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp đô thị, công tác giải phóng mặt bằng với hơn 200 dự án, diện tích khoảng 5 ngàn ha; công tác quản lý tình hình hoạt động, an sinh tại 9 khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích hơn 3,6 ngàn ha, hơn 120 ngàn công nhân... Chính vì vậy mà khối lượng công việc, các hồ sơ, TTHC cần giải quyết vô cùng lớn, tạo ra những áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Trong bối cảnh đó, huyện nỗ lực đẩy mạnh CCHC, siết chặt nền nếp công vụ để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Khó khăn là vậy, song thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, ở nơi nào có quyết tâm cao, có nỗ lực, nhiều giải pháp quyết liệt, sáng kiến hiệu quả thì chất lượng giải quyết TTHC, phục vụ người dân sẽ được tốt hơn.
Phó chủ tịch UBND xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) Trần Minh Hoàng cho biết, để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, UBND xã đã thực hiện mô hình “hộp thư góp ý”. Theo đó, sau khi người dân đến liên hệ giải quyết công việc hành chính sẽ được cán bộ phát một tờ phiếu đánh giá về thái độ, chất lượng giải quyết công việc của công chức đó. Vào tuần thứ 2 của tháng, UBND xã sẽ mời Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã giám sát việc mở hộp thư góp ý đối với cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa. Bên cạnh đó, vào chiều thứ 6 hàng tuần, UBND xã họp bộ phận một cửa để nghe cán bộ, công chức báo cáo những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm các quy định pháp luật.
Nhờ vậy, công tác giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả theo hướng công khai, minh bạch, nhanh gọn; cán bộ, công chức luôn giữ thái độ tinh thần làm việc tận tình, trách nhiệm với người dân. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,34%, cao hơn mức trung bình chung trên địa bàn tỉnh.