Bài 2: ''Cây sáng kiến'' ở Vietsovpetro

Được nghe nhiều, đọc nhiều về những người lao động, những người thợ trên những giàn khoan dầu khí, tuổi thơ của Nguyễn Quốc Cường luôn ước ao có một ngày được "nối nghiệp" cha, đến với giàn khoan trên biển.

"Mỗi giếng dầu như một nhịp đập trái tim. Những cái tên: Bạch Hổ, Đại Hùng, Thiên Ưng, Sư Tử Đen, Hải Thạch - Mộc Tinh, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Lan Tây - Lan Đỏ… hiện hữu thiêng liêng trên biển Đông qua lời kể của cha - một kỹ sư dầu khí đã gieo trong tôi một tình yêu đặc biệt", Cường nói.

Thực hiện mong ước của mình, năm 2019, sau khi tốt nghiệp khoa Tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Cường đã nộp hồ sơ và trúng tuyển ở vị trí kỹ sư Tự động hóa, Xí nghiệp Khai thác các công trình Khí, Liên doanh Vietsovpetro (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Nhớ như in chuyến bay đầu tiên ra giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi, Cường bảo: "Trên trực thăng, ngắm nhìn giàn từ trên cao đang sừng sững giữa biển khơi, mới thấy con đường chinh phục thiên nhiên của người Việt mình vĩ đại biết chừng nào. Đó cũng là động lực giúp tôi thêm yêu nghề, thêm tự hào về cha".

"Vạn sự khởi đầu nan", những bỡ ngỡ khi lần đầu được tiếp xúc, "thực chiến" với những máy móc, thiết bị hiện đại của ngành khai thác khí; phải vừa học, vừa làm, vừa vượt qua những bài kiểm tra nhưng tất cả những khó khăn đó dường như chẳng thấm thía gì khi chàng kỹ sư trẻ được thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Trong câu chuyện với phóng viên, Cường say sưa kể về đặc thù công việc. Ở thời điểm 30 năm trước, toàn bộ lượng khí đồng hành (khí hòa lẫn trong dầu ở điều kiện nhiệt độ áp suất dưới vỉa được tách ra khi khai thác lên - PV) bị đốt bỏ hoàn toàn vì khi đó chưa có điều kiện thu gom, xử lý và vận chuyển vào bờ sử dụng.

Tháng 11/2010, công trình giàn nén khí mỏ Rồng - Đồi Mồi (DGCP) được đưa vào vận hành. Công trình được thiết kế xây dựng gồm 2 tổ hợp máy nén khí cao áp với công suất nén là 960.000 m3 khí/ngày đêm. Công trình đi vào hoạt động, mỗi ngày sẽ đưa vào bờ một lượng khí có giá trị khoảng 155.000 USD (tương đương 56,5 triệu USD/năm) mà thời điểm trước đó phải đốt bỏ.

"Dòng khí được đưa về bờ đã góp phần đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia nói chung, vùng Đông Nam Bộ nói riêng", kỹ sư trẻ nói đầy tự hào.

Các công trình giàn khoan trong hệ sinh thái dầu khí được ví von là "rồng thép trên biển Đông", hoạt động 24/24 giờ trong ngày, với sự tập trung cao độ, rất căng thẳng. Trên giàn GNR có 4 kỹ sư tự động hóa, chia ca kíp làm việc suốt ngày đêm.

Ở đây, mọi hoạt động đều được thực hiện theo một quy trình chuẩn chỉnh, không chi tiết thừa thiếu, cũng không bỏ qua bất cứ một bước an toàn nào. Các kỹ sư vận hành phải đảm bảo máy chạy liên tục vì giàn nén khí Rồng hiện đang là đầu mối, là nút tập kết của rất nhiều nguồn khí từ các giàn trong mỏ Rồng.

Nếu như có sự cố phải dừng máy thì toàn bộ các nguồn khí từ các giàn trong mỏ Rồng phải đốt bỏ toàn bộ, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, khi dừng máy thì áp suất khí gaslift giảm dẫn đến không đủ áp suất để khai thác dầu, từ đó sản lượng dầu cũng giảm theo, gây ảnh hưởng đến kinh tế.

Kỹ sư Nguyễn Quốc Cường

Kỹ sư Nguyễn Quốc Cường

Nguyễn Quốc Cường cho biết, có những ngày liên tục, trong vai trò bảo trì, mặc đồ bảo hộ ngột ngạt, rồi đu dây lên những vị trí trên cao, hoặc cheo leo giữa muôn trùng sóng nước để kiểm tra từng vị trí. Dù đối mặt với đủ thứ nguy hiểm nhưng bản thân không có thời gian để lo sợ, phải dành tất cả sự tập trung cho công việc. Bởi, không ai biết được rằng một giàn khoan đã hoạt động dài ngày trên biển, liệu tình trạng thiết bị có đảm bảo hoạt động tốt, hay có đường dây điện nào bị hở hay không…

"Chúng tôi phải liên tục kiểm tra và xử lý một lượng lớn thông tin, số liệu; tất cả phải chính xác tuyệt đối để đảm bảo máy vận hành được an toàn. Chỉ một sai sót, một sự cố nhỏ không chỉ làm ảnh hưởng tới sản xuất, gây thiệt hại lớn cho kinh tế đất nước mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng cán bộ, công nhân trên giàn", Cường nói.

Làm việc trong điều kiện tiếng ồn mạnh và phải cảnh giác cao độ, nhịp sinh học của người mỗi đều bị đảo lộn theo ca làm việc, không có cây xanh cùng những điều kiện tương tự trong đất liền… Những hôm có sự cố phải trực đêm khi trời giông bão “thực sự là ác mộng” khi vừa lo xảy ra sự cố kỹ thuật, vừa có cảm giác sợ hãi bởi cảm giác cô đơn, trơ trọi giữa biển khơi.

Cùng với đó, nhiệt độ trên mặt giàn những hôm trời nắng có thể vượt quá 40 độ C, cộng với những cơn gió biển khô rát, buộc người trên giàn phải có sức chịu đựng phi thường mới có thể trụ vững để làm việc.

"Những ngày đầu, khi hết ca, tôi mệt đến mức không nuốt nổi cơm, về đến phòng là nằm thiếp đi", Cường nhớ lại.

Làm việc trên giàn nén khí, Cường tâm sự không chỉ trưởng thành về chuyên môn mà còn có sự trưởng thành rất lớn của bản thân trong cách sống, cách làm việc nhờ học hỏi, noi theo những tấm gương của lãnh đạo, đàn anh đi trước, những bạn bè đồng nghiệp. Chính niềm đam mê và môi trường đào tạo tốt, sự dìu dắt tận tình đã "chắp cánh" để anh có những bước trưởng thành nhanh chóng.

Được giao nhiệm vụ vận hành các thiết bị tự động hóa trên giàn, báo cáo và xử lý lỗi của thiết bị trong quyền hạn cho phép, phân tích nguyên nhân, kịp thời xử lý lỗi thiết bị để đảm bảo vận hành liên tục… đó có vẻ là công việc rất thường nhật của bất cứ một kỹ sư tự động hóa nào. Nhưng không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao, bằng ý thức trách nhiệm, luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, kỹ sư 9X đã đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành của giàn, tránh thất thoát, lãng phí.

Chỉ trong 2 năm 2022 - 2023, Cường đã có 6 sáng kiến được áp dụng trên toàn hệ thống giàn của Xí nghiệp khai thác khí.

Một trong những sáng kiến tâm đắc mà Cường cùng với nhóm tác giả thực hiện là "Gia công chế tạo giá đỡ và vận chuyển an toàn trục Rotor cho BCP".

Từ "thai nghén", sau nhiều lần trăn trở, với sự tâm huyết, quyết tâm cùng sự động viên, khích lệ của ban lãnh đạo công ty, sáng kiến từ trong thiết kế và tài liệu đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn, có giá trị làm lợi tương đương 49.000 USD.

Giàn nén khí mỏ Rồng lắp đặt hai tổ máy nén khí cao áp GTC-A/B dẫn động bằng turbine khí. Công suất danh nghĩa mỗi tổ máy là 550.000 m3/ngày đêm. Áp suất tại đầu vào máy nén là 5-6 bar, áp suất tại đầu ra máy nén là 110 bar để nén khí và sử dụng làm gaslift tại mỏ Rồng và Nam Rồng - Đồi Mồi.

Trong những năm gần đây, các cảm biến đo nhiệt độ của các ổ bi trên 2 máy nén cao áp GTC-A và GTC-B thường xuyên bị lỗi, gây dừng máy. Máy nén cấp 2 của 2 tổ máy nén cao áp GTC-A/B chỉ có duy nhất 1 cảm biến đo nhiệt độ ổ bi ở vị trí Outboard Thrust Bearing. Khi cảm biến này bị lỗi bên trong máy thì gây dừng tổ máy nén.

Để tăng khả năng giám sát nhiệt độ cho ổ bi vị trí Outboard Thrust Bearing, bảo vệ hoạt động an toàn cho máy cũng như hạn chế việc gây dừng máy khi có 1 sensor đo nhiêt độ bị lỗi, sáng kiến "Nâng cao độ đảm bảo an toàn và giám sát cho các máy nén cao áp GTC bằng cách lắp thêm sensor đo nhiệt độ cho ổ bi outboard thrust bearing" đã ra đời.

Sáng kiến giúp nhiệt độ ổ bi Outboard Thrust Bearing của máy nén cấp 2 luôn được theo dõi và giám sát cùng lúc bởi 2 sensor nhiệt độ, giúp khắc phục được rủi ro dừng máy GTC-A/B ngoài mong muốn khi một trong hai sensor bị lỗi, nâng cao độ hoạt động tin cậy của thiết bị. Việc áp dụng sáng kiến giúp tiết kiệm 3.472 USD.

"Tất cả sáng tạo của tôi và nhóm tác giả đều xuất phát từ quá trình làm việc, khi gặp những điểm còn gây cản trở, khó khăn thì bản thân luôn thôi thúc phải nghĩ ra ý tưởng để cải tiến quy trình, công cụ làm việc. Việc đưa ra các cải tiến sáng kiến không chỉ giúp công việc diễn ra suôn sẻ mà còn hạn chế được các rủi ro cho việc vận hành thiết bị và quá trình kiểm soát chất lượng.

"Tất cả sáng tạo của tôi và nhóm tác giả đều xuất phát từ quá trình làm việc, khi gặp những điểm còn gây cản trở, khó khăn thì bản thân luôn thôi thúc phải nghĩ ra ý tưởng để cải tiến quy trình, công cụ làm việc. Việc đưa ra các cải tiến sáng kiến không chỉ giúp công việc diễn ra suôn sẻ mà còn hạn chế được các rủi ro cho việc vận hành thiết bị và quá trình kiểm soát chất lượng.

Tất cả các công trình cải tiến sáng kiến dù nhỏ hay lớn đều có ý nghĩa và đáng quý đối với tôi vì nó nảy sinh trong quá trình lao động bằng tâm huyết và năng lực sáng tạo của bản thân", Cường cho biết.

Nửa thập kỷ làm bạn với biển, làm việc trên giàn với nhiều khó khăn và hiểm nguy không lường trước, nhưng đổi lại, Cường nhận thấy bản thân có được rất nhiều niềm vui trong công việc.

Niềm vui khi khắc phục được sự cố, bảo vệ mọi người được an toàn, giữ cho hoạt động sản xuất liên tục không bị gián đoạn; những đêm không ngủ để hoàn thành tất cả các công việc và khởi động lại giàn trước tiến độ; những giây phút nhìn thấy sản lượng khí tăng lên đáng kể… Đó là những niềm hạnh phúc khó kể hết bằng lời mà không phải ai cũng có được.

"Không những vậy, tôi được làm việc ở một môi trường chuyên nghiệp với một tập thể đoàn kết và gắn bó, tất cả mọi người đều hết mình vì tập thể, vì công ty; được sự tin tưởng và quan tâm của lãnh đạo, luôn được lãnh đạo tôn trọng và lắng nghe khi đưa ra những ý tưởng và sáng kiến; được sự ủng hộ và giúp đỡ từ tất cả các phòng ban… Tất cả đã cho tôi có thêm nhiều động lực để làm việc lâu dài trên công trình khai thác khí trên biển và thêm nhiệt huyết cống hiến", Cường hồ hởi nói.

Nội dung: Nguyên Thảo - Nguyễn Cường - Hoàng Hải
Trình bày: Nguyên Thảo

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-cay-sang-kien-o-vietsovpetro-322155.html