Bài 2: Chọn đúng khâu đột phá để kinh tế biển tăng tốc

Việc lựa chọn ưu tiên phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội là chủ trương rất đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu.

Không dừng lại ở đây, sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mục tiêu, với sự phát triển về mặt tư duy và hành động quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bạc Liêu đã xác định đúng khâu đột phá, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế biển tăng tốc.

“Hình hài” thủ phủ ngành tôm dần rõ nét

Hơn 4 năm trước, ngày 30-1-2018, khi làm việc tại Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã nhắc đến từ khóa “ngành công nghiệp tôm” và chỉ đạo tỉnh Bạc Liêu xây dựng để trở thành “thủ phủ ngành tôm” của Việt Nam. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 24-5-2017 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phát triển tôm Bạc Liêu. Từ “đề bài” của người đứng đầu Chính phủ khi ấy đã gợi mở cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu những hướng đi mới mẻ cho ngành tôm.

Tại buổi làm việc với nhóm phóng viên Báo QĐND, đồng chí Tạ Trung Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu, nhớ lại: "Thay đổi để phát triển hay cứ mãi ì ạch giậm chân tại chỗ, trong khi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là không hề nhỏ. Các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bạc Liêu, phải chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi tôm hoặc kết hợp lúa-tôm, rừng-tôm... do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao sẽ kéo theo xâm nhập mặn ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích đất trồng lúa. Tăng diện tích nuôi trồng, ứng dụng mạnh mẽ CNC để nuôi tôm siêu thâm canh thì đồng nghĩa với sản lượng tôm sẽ tăng theo từng năm. Nếu giải quyết tròn khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, hướng đến những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Australia... thì mục tiêu đặt ra cho Bạc Liêu là hoàn toàn khả thi".

Du khách tham quan điện gió tại Bạc Liêu. Ảnh: HỮU THỌ

Du khách tham quan điện gió tại Bạc Liêu. Ảnh: HỮU THỌ

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 140.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm lên tới 136.000ha. Từ định hướng và tiềm năng to lớn của tỉnh, để hiện thực hóa mục tiêu trên, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 28-7-2020 phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển Bạc Liêu thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học CNC trong nuôi tôm, tập trung phát triển lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến. Trong đó mục tiêu đến năm 2025, sản xuất 40-45 tỷ con giống, diện tích nuôi tôm thương phẩm đạt 147.000ha với sản lượng tôm nuôi đạt 249.000 tấn.

Tìm hiểu thực tế ngành tôm ở Bạc Liêu, chúng tôi nhận thấy, hệ thống hạ tầngcơ sởnhư giao thông, điện, đất sản xuất được các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp và người nông dân. Đến nay, hệ thống giao thông nội bộ tỉnh được đầu tư tương đối cơ bản, kết nối các vùng sản xuất, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Hệ thống điện lưới 3 pha phục vụ cho nuôi trồng thủy sản được từng bước đầu tư, kéo đến các vùng nuôi trồng. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao công tác giải phóng mặt bằng, giao đất “sạch” nhanh nhất, sớm nhất cho các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm CNC.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đến hết năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh đạt hơn 202.000 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt gần 166.000 tấn. Những năm gần đây, với định hướng đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, ngành tôm Bạc Liêu đang từng bước chuyển dịch cơ cấu theo mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Đến thời điểm hiện tại, Bạc Liêu là tỉnh duy nhất cả nước có Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm (đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1) và tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu. Hiện toàn tỉnh có 23 công ty, đơn vị và 650 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh CNC. Mặc dù tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao toàn tỉnh mới đạt 3.905ha nhưng năng suất bình quân đạt 18,69 tấn/ha với tổng sản lượng lên tới 72.968 tấn, chiếm hơn 40% tổng sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh.

Đánh giá về thứ hạng ngành tôm Bạc Liêu, đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, khẳng định: Nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng được tỉnh Bạc Liêu xác định là một trong những trụ cột trong phát triển kinh tế-xã hội, vừa là một trong những khâu đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Đưa Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm vừa là mong muốn, cũng là mục tiêu mà toàn tỉnh đang nỗ lực phấn đấu thực hiện. Với hướng phát triển đúng đắn, hiện tỉnh Bạc Liêu đang từng bước vươn lên trở thành trung tâm giống tôm với sản lượng chiếm khoảng 50% thị phần tôm giống cả nước. Về sản lượng tôm thương phẩm ở Bạc Liêu chỉ đứng sau Cà Mau, nguyên nhân chủ yếu do diện tích nuôi trồng thấp hơn nhiều so với Cà Mau, nhưng về chất lượng và sản lượng tính bình quân trên mỗi héc-ta thì không hề thua kém.

Sức lan tỏa mạnh mẽ từ điện gió

Tỉnh Bạc Liêu rất giàu tiềm năng trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời dựa trên các lợi thế chủ yếu: Có bờ biển dài hơn 56km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, tốc độ gió bình quân gần 7m/s. Thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.900 giờ/năm và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ... Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, những năm gần đây, Bạc Liêu được biết đến là địa phương làm khá tốt việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, những năm qua, Bạc Liêu chọn năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu. Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khẳng định, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng là lĩnh vực được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh những nhiệm kỳ gần đây xác định vừa là một trong các trụ cột kinh tế, vừa là khâu đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và kiên trì, quyết liệt lãnh đạo triển khai thực hiện. Bạc Liêu chính là địa phương tiên phong đi đầu các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đưa điện gió, điện mặt trời trở thành một trong những ngành mũi nhọn của kinh tế biển.

Quá trình khảo sát tại Bạc Liêu, chúng tôi thấy rõ thực tế, toàn bộ vùng ven biển của Bạc Liêu đã phủ kín các trụ tua-bin điện gió và tỉnh tiếp tục định hướng phát triển điện gió ở khu vực ngoài khơi. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 8 dự án điện gió ven biển với tổng công suất 469,2MW. Tổng sản lượng điện gió đạt 462,66 triệu KWh, giúp giảm phát thải khoảng 391.318 tấn CO2/năm, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh rất rõ ràng. Không chỉ tăng nguồn năng lượng sạch, an toàn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn tăng thu ngân sách cho tỉnh trong năm 2021 hơn 100 tỷ đồng.

Để có được kết quả như trên là cả một quá trình dài phấn đấu và đổi mới tư duy của lãnh đạo tỉnh, trong đó khởi điểm là Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. Nhà máy hoàn thành năm 2016 với 62 trụ tua-bin có tổng công suất lắp đặt 99,2MW, là dự án điện gió đầu tiên của tỉnh và cũng là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất cả nước thời điểm đó. Từ dự án này đã mở ra cho Bạc Liêu phát triển thêm nhiều dự án điện gió khác, qua đó tạo cú hích cho phát triển điện gió của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tạ Trung Dũng bày tỏ: Giai đoạn đầu khi xác định chủ trương phát triển điện gió và năng lượng mặt trời, các đồng chí lãnh đạo tỉnh không khỏi lo lắng, trăn trở vì đây là ngành hoàn toàn mới mẻ, trong khi địa phương đã quá quen với phát triển kinh tế biển chủ yếu từ khai thác và nuôi trồng thủy sản. Nhưng các dự án điện gió sau khi được đầu tư, đưa vào vận hành và mang lại giá trị kinh tế đã làm thay đổi mạnh mẽ tư duy về phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu. Từ thành công đó, tỉnh xác định lấy năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để thúc đẩy các ngành kinh tế biển khác phát triển. Khi các dự án điện gió hoàn thành sẽ mang lại giá trị to lớn, hạ tầng giao thông được đầu tư, các ngành dịch vụ phát triển theo và giải quyết đáng kể việc làm cho người lao động địa phương.

Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 và Nhà máy Điện gió Nhật Bản-Bạc Liêu giai đoạn 1. Đặc biệt là dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với công suất 3.200MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất kỳ vọng, khi những dự án này đi vào hoạt động sẽ trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, qua đó góp phần giúp địa phương từng bước cân đối được nguồn thu-chi ngân sách. Bên cạnh đó, với tiềm năng về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo còn rất lớn, tỉnh đã tổng hợp, trình Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) các dự án nguồn điện với tổng công suất khoảng 9.340MW, trong đó điện gió là hơn 7.810MW, điện mặt trời là khoảng 1.500MW và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện khi được phê duyệt.

Những kết quả khả quan trên đã khẳng định rõ nét hướng đi đúng đắn của tỉnh Bạc Liêu trong phát triển kinh tế biển dựa trên khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, xét về tổng thể, phát triển kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, còn nhiều khoảng trống về chính sách chưa được lấp đầy, bên cạnh đó là không ít điểm nghẽn, rào cản khiến kinh tế biển ở Bạc Liêu phát triển chưa thật sự bền vững.

(còn nữa)

BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-chon-dung-khau-dot-pha-de-kinh-te-bien-tang-toc-691367