Bài 2: Chùa Trấn Quốc - Cổ tự ngàn năm tuổi bên hồ Tây
Là viên ngọc sáng giữa lòng Thủ đô Hà Nội, chùa Trấn Quốc từ lâu đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. Nhờ sự linh thiêng và lịch sử ngàn năm mà đi lễ chùa Trấn Quốc trở thành niềm tin tín ngưỡng của nhiều người.
Tọa lạc trên một “hòn đảo” nhỏ, phía đông của hồ Tây, nép mình trầm mặc trên con đường Thanh Nhiên tấp nập, chùa Trấn Quốc mang nét đẹp cổ kính và linh thiêng.
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu.
Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 - 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa bởi vậy mà có nhiều cung điện đã được xây dựng phục vụ việc nghỉ ngơi của vua: Cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.
Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông, bên trong điện thờ các phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Quan Âm Bồ Tát. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện.
Trong chùa còn 14 tấm bia đá, trong đó có bia của trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1587 - 1693) và tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825). Các văn bia đã ghi lại nhiều tư liệu quý và mô tả đầy đủ những lần tu tạo chùa trong các năm 1624, 1628, 1639, 1815, 1821, 1842.
Dọc theo chính điện với nhiều tầng cửa võng chạm trổ tinh xảo có bài trí một hệ thống đầy đủ các tượng Phật và Bồ tát dát vàng, hai cửa vào thiêu hương đều có tượng Kim Cương đứng trấn. Gian bên trái tiền đường thờ tượng Quan Vũ, Châu Sương và gian bên phải thờ tượng Đức Ông cùng các thị giả.
Dù đã trải qua bao đợt trùng tu theo sự chuyển mình của đất nước nhưng ngôi chùa vẫn không làm mất đi nét đặc trưng của nguyên tắc kết cấu và kiến trúc Phật giáo.
Chùa gồm 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối với nhau thành hình chữ Công. Ngoài ra, Bảo tháp hay còn gọi là Cửu phẩm liên hoa chính là kiến trúc đặc biệt nhất của nơi này.
Nhà Tiền đường được xây dựng về phía Tây, đằng sau có Nhà Tam đảo, hai dãy hành lang hai bên là nhà thiêu hương và thượng điện. Nơi này để thờ rất nhiều các pho tượng đẹp và quan công rất độc đáo. Cùng với đó là rất nhiều pho tượng phật được đúc bằng đồng sáng lung linh.
Đằng sau của thượng điện có một gác chuông được xây dựng thành căn nhà 3 gian, xây bằng gỗ cùng mái ngói đỏ vảy cá tạo nên nét cổ kính. Bên phải của gác chuông là nhà thờ tổ, bên phải là nhà bia - hiện lưu giữ 14 tấm bia lưu lại dấu ấn lịch sử của chùa, mang giá trị văn hóa lâu đời của Hà Nội.
Năm 1998, Hòa thượng Kim Cương Tử - Viện chủ Tổ đình chùa Trấn Quốc được phép, đã cho xây bảo tháp lục độ đài sen trong khuôn viên chùa gồm 11 tầng, cao 15m, diện tích mặt sàn 10,5m vuông.
Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Tổng số tượng của tháp là 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quý (cửu phẩm liên hoa).
Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng - nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.
Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc độc đáo, chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm đến thu hút khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước khi ghé thăm Hà Nội.
Chị Trần Tuyết Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, mỗi khi gia đình có khách phương xa tới chơi, chị thường đưa đến thăm chùa Trấn Quốc. “Không quá lộng lẫy kiêu sa, cũng không quá hoa lệ màu sắc, vẻ đẹp chùa Trấn Quốc cổ kính, nhẹ nhàng mang một nét riêng khiến bất cứ ai có dịp đặt chân đến đây như lạc vào chốn thiền môn thanh tịnh”, chị Tuyết Mai chia sẻ.
Chị Tuyết Mai cũng cho hay, trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Hà Nội, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất ở chốn kinh kỳ. Vì vậy, đến chùa Trấn Quốc lễ Phật là việc không thể thiếu trong ngày đầu năm mới hay ngày rằm, mùng 1 đối với nhiều người, nhiều gia đình. Đến với chùa Trấn Quốc, ngoài dâng hương lễ Phật cầu an, ta còn có dịp hiểu thêm về lịch sử dân tộc, thêm tự hào về một danh thắng đặc biệt của Thủ đô, của đất nước.
Trải qua bao thăng trầm và biến cố, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó đầy uy nghi, mang lại nét yên bình và cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Các công trình kiến trúc được tạo nên nhờ bàn tay của cha ông ta luôn mang đến nỗi hoài niệm và cả niềm tự hào. Ở giữa lòng Hà Nội, có một ngôi chùa vẫn giữ vẹn nguyên dáng hình năm nao. Làm dậy lên trong lòng người những xuyến xao. Trấn Quốc hôm qua, ngày nay và mai sau luôn tồn tại và vẹn nguyên trong lòng người dân đất Việt với những giá trị mà nó vốn có.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-2-chua-tran-quoc-co-tu-ngan-nam-tuoi-ben-ho-tay-157940.html