Bài 2: Chuyển động mạnh mẽ trên nền tảng đổi mới sáng tạo
Từ những chủ trương đúng đắn về phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), cấp ủy đảng và chính quyền các cấp tại tỉnh Bình Dương đã chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, triệt để tận dụng 'lợi thế đi sau', kiên định con đường phát triển thông minh để vươn lên. Đó cũng là chiến lược giúp địa phương trở thành 'thủ phủ' công nghiệp hiện đại của nước ta.
Đổi mới sáng tạo là “xương sống” của sự phát triển
Đến Thành phố mới Bình Dương (thuộc TP Thủ Dầu Một), chúng tôi chứng kiến những con đường hiện đại, rộng thoáng, các khu đô thị được quy hoạch rất bài bản với không gian xanh ngắt... đặc biệt là tòa nhà trung tâm hành chính tập trung đã trở thành biểu tượng và là “trái tim” của hệ thống chính trị ở tỉnh Bình Dương. Hình ảnh của Thành phố mới Bình Dương đã lan tỏa, kết nối sang các địa phương khác của tỉnh với vai trò “điểm lõi” phát triển và tạo nên các đô thị vệ tinh sau này.
Đồng chí Lê Thanh Long, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thủ Dầu Một tâm đắc: Vùng ĐMST Bình Dương được quy hoạch lấy TP Thủ Dầu Một làm trung tâm. Qua đó, tỉnh hình thành hệ sinh thái về thương mại, giao thông, y tế, giáo dục, logistics phát triển nhanh trên nền tảng công nghệ cao, môi trường sinh thái tốt và kết nối toàn diện. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 sẽ là trung tâm chính trị, là thành phố “thông minh, văn minh, giàu đẹp, hiện đại, nghĩa tình”.
Từ khi xác định KHCN và ĐMST là khâu đột phá trong mọi lĩnh vực phát triển, các huyện phía bắc của tỉnh Bình Dương lần lượt công nghiệp hóa mạnh mẽ. Ở phía nam, các thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An phát triển đô thị hóa vượt bậc. Nhiều chương trình thúc đẩy ĐMST và nghiên cứu KHCN, giáo dục hiện đại, các phòng thực nghiệm công nghệ TechLab, FabLab, các vườn ươm doanh nghiệp... đã và đang được triển khai rất chủ động, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao.
Đồng chí Huỳnh Văn Sơn, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thuận An cho rằng: “Để đạt được các tiêu chí của đô thị loại I, Thuận An xác định rõ là đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại xanh, thông minh trên nền tảng KHCN, ĐMST, tạo được nét riêng của địa phương. Thành phố đã và đang vận dụng sáng tạo, đề ra giải pháp hợp lý chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng giao thông kết nối, nâng cao chất lượng môi trường sống”.
Huyện Bàu Bàng là nơi đang được quy hoạch, xây dựng khu công nghiệp KHCN cao, làm điểm nhấn cho Vùng ĐMST Bình Dương. Điều này đã đánh thức vùng đất trước đây chỉ có hoạt động nông nghiệp thuần túy. Đồng chí Huỳnh Công Du, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bàu Bàng cho biết: “Được quy hoạch theo hướng phát triển hiện đại, Bàu Bàng từ một địa phương có thứ hạng thấp đã vươn lên tốp 3 của tỉnh. Nhịp sống chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu KHCN đang diễn ra sôi nổi ở mọi cấp, mọi ngành và người dân tham gia”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương phấn khởi: Các địa phương trong tỉnh luôn giương cao ngọn cờ ĐMST, không dừng lại ở số hóa mà phải tăng năng suất lao động, tạo ra điều kiện sống, làm việc tốt hơn. Trong năm 2021, số lượng đề tài, dự án liên quan đến KHCN, ĐMST đã tăng 300% so với năm 2020.
Mô hình hiệu quả, hiệu ứng lan tỏa nhanh
Sự phát triển vượt bậc của tỉnh Bình Dương đều xuất phát từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với những mô hình và cách làm sáng tạo. Các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đều đánh giá những thành tựu phát triển của Bình Dương sau 25 năm tách tỉnh phản ánh mô hình phát triển sáng tạo trong tiến trình đổi mới của đất nước là: “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, thành công của Bình Dương là sự vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Được Trung ương khuyến khích, tạo điều kiện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương đã cùng với các doanh nghiệp trao đổi về những cách thức xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và phát triển nguồn nhân lực phù hợp. “Chung lưng đấu cật cùng doanh nghiệp”, “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” là chủ trương nhất quán trong nhiều năm qua ở Bình Dương, đem lại những kết quả thiết thực, nổi bật.
Chẳng hạn, cuối năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội Bình Dương”, triển khai mô hình hợp tác "3 nhà" (Nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học) hướng tới đô thị thông minh đã đặt nền móng để có những bứt phá ngoạn mục. Đề án này chia thành 4 nhóm lĩnh vực: Con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng. Tỉnh khuyến khích sự sáng tạo, hợp tác và chuyển giao tri thức gắn kết công nghệ mới với các ngành trọng điểm và đời sống xã hội để đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ cao cả về công nghiệp lẫn dịch vụ.
Đồng chí Nguyễn Việt Long cho rằng: “Trong quá trình phát triển thông minh, mô hình "3 nhà" chính là xương sống, trụ cột quyết định sự thành công của tỉnh”. Theo đó, các cấp chính quyền, người dân, nhà khoa học, doanh nhân cùng thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, thách thức, cơ hội và nguồn lực để xây dựng các định hướng phát triển chung cho địa phương và cùng cam kết triển khai các ý tưởng. Mô hình hợp tác, gắn kết "3 nhà" đã có tác động tích cực, tạo nên những nét nổi bật trong bức tranh kinh tế-xã hội ở tỉnh Bình Dương từ năm 2016 đến nay.
Cùng với phát huy nội lực, Bình Dương tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Tỉnh tập trung đầu tư vào chất lượng sống, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo và đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; kết nối hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn đầu tư quốc tế với tinh thần “muốn đi vững chắc phải đi cùng nhau”.
Sự thành công của tỉnh Bình Dương còn thể hiện ở sự chuyển dịch từ các hoạt động sản xuất thâm dụng vốn và tài nguyên sang các hoạt động sản xuất thông minh, dựa trên ĐMST. Tỉnh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số để phát triển nền sản xuất thông minh. Cùng với đó, quá trình ĐMST luôn gắn với kỹ năng, tài năng và tri thức mới. Ông Amy Hochadel, Giám đốc kinh doanh quốc tế của The Connected Places Catapult (Vương quốc Anh) cho biết: “Chúng tôi đặt niềm tin vào Bình Dương và sự hợp tác bền vững dài lâu với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC). Mô hình ĐMST của tỉnh giúp chúng tôi cảm nhận được mối quan hệ xúc tác tương đồng với mục tiêu đặt ra khi thực hiện các dự án thành phố thông minh”.
Điển hình của kinh tế nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong sự phát triển vượt bậc của tỉnh Bình Dương, Becamex IDC đã khẳng định được vai trò “cánh chim đầu đàn” trong phát triển kết nối hạ tầng, kết nối xã hội và kết nối công nghệ. Tại Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” ngày 20-4-2022, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: “Becamex IDC là mô hình công ty phát triển rất thành công, có vai trò hết sức quan trọng góp phần định hình tiến trình phát triển của Bình Dương trong 25 năm qua. Thành công đó góp phần khẳng định một bài học kinh nghiệm: Địa phương muốn phát triển kinh tế-xã hội rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn”.
Nói về thành công của mô hình này, PGS, TS Trần Đình Thiên và TS Trần Du Lịch (hai thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) đều khẳng định: Becamex IDC là mô hình kinh tế nhà nước đã có tầm nhìn đúng đắn, hiểu được sứ mệnh phát triển cùng với sự phát triển của địa phương, tham gia vào cả lý luận lẫn thực tiễn để kiến tạo nên một Bình Dương với vị thế vững vàng sau 25 năm. Becamex IDC không chỉ mang tầm vóc trụ cột trong việc sát cánh cùng tỉnh qua từng giai đoạn phát triển, mà còn là minh chứng rõ nét về vai trò của kinh tế nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Becamex IDC, Đảng bộ, lãnh đạo Becamex IDC đã bám sát chủ trương phát triển của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, cùng với tỉnh xây dựng đề án thành phố thông minh và hiện nay là đề án Vùng ĐMST, tạo ra đòn bẩy thu hút các đơn vị công nghệ và các công cụ mới nhằm tăng năng suất lao động, phát triển đúng hướng thông minh với cốt lõi tạo ra cho được giá trị gia tăng mới cao hơn. Những vấn đề trọng tâm này đều được Đảng ủy Becamex IDC đưa vào nghị quyết lãnh đạo cụ thể, có như vậy mới bảo đảm việc triển khai thông suốt, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.
(còn nữa)