Bài 2 - Công ty Việt 'khóc ròng' trước sự đổ bộ của hàng giá trị nhỏ được miễn thuế

Thực tế, tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng đang diễn ra phổ biến.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hàng hóa từ Trung Quốc thường được các sàn thương mại điện tử (TMĐT) vận chuyển qua các kho trung chuyển ở biên giới Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng để chia nhỏ các lô hàng lớn thành nhiều đơn nhỏ hơn. Theo đó, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng như vậy được vận chuyển vào Việt Nam, với tổng giá trị mỗi ngày ước tính từ 45-63 triệu USD (tương đương khoảng 1.100 - 1.600 tỉ đồng/ngày).

Quy định miễn thuế đối với các loại hàng hóa giá trị nhỏ đang là "lỗ hổng" khiến ngân sách nhà nước bị thất thu thuế rất lớn.

Tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh trong nước

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM cho biết, làn sóng hàng nhập khẩu giá trị nhỏ đang tác động lớn đến ngành sản xuất trong nước. Hàng nhập giá trị nhỏ có giá quá rẻ vì khách hàng Việt Nam đặt mua trực tiếp từ nhà cung cấp trên sàn TMĐT.

“Tôi ví dụ một đôi dép đặt trên sàn online, giảm giá các kiểu chỉ còn 80.000 đồng/đôi, chất lượng mẫu mã có khi còn hơn hàng trong nước sản xuất với giá 150.000 – 200.000 đồng/đôi”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Theo ông Quốc Anh, điều bất bình đẳng là doanh nghiệp Việt Nam phải đóng đủ các loại thuế, trong khi hàng nhập khẩu giá trị nhỏ không chịu bất kỳ khoản thuế nào. Điều này dẫn đến tình trạng hàng nhập khẩu tìm cách trục lợi chính sách, né thuế, gây thất thu thuế cho ngân sách nước ta.

Như vậy, hệ lụy kép là vừa thất thu thuế, vừa đẩy doanh nghiệp trong nước chịu áp lực cạnh tranh lớn trên chính sân nhà với hàng ngoại nhập.

 Mỗi ngày các trung tâm logistics chia chọn xử lý hàng triệu đơn hàng đặt mua online trên các sàn TMĐT được nhập khẩu vào Việt Nam. (Trong hình: Nhân viên các trung tâm đang phân loại hàng hóa. Ảnh: THU HÀ)

Mỗi ngày các trung tâm logistics chia chọn xử lý hàng triệu đơn hàng đặt mua online trên các sàn TMĐT được nhập khẩu vào Việt Nam. (Trong hình: Nhân viên các trung tâm đang phân loại hàng hóa. Ảnh: THU HÀ)

Ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập thương hiệu Midori, thừa nhận hiện nay các doanh nghiệp Việt đang rơi vào làn sóng cạnh tranh về giá do sự ồ ạt của các mặt hàng giá rẻ từ nước ngoài vào Việt Nam, nhất là hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Ông Vinh lấy ví dụ, trước đây mặt hàng áo thun luôn là “best seller” của Midori. Tuy nhiên, từ khi có các tổng kho hàng sát biên giới, hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam với giá rất rẻ khiến Midori phải điều chỉnh chính sách về giá.

“Dù tự sản xuất và giảm hết cỡ mọi chi phí trung gian, giá của chúng tôi vẫn không thể rẻ bằng sản xuất ồ ạt của Trung Quốc. Hiện 1 chiếc áo thun Midori có giá là 99.000 đồng, coi như huề vốn, lấy công làm lời.

Điều đáng nói, trên mỗi sản phẩm làm ra, chúng tôi đều phải đóng thuế cho nhà nước và các chi phí kinh doanh trên sàn, trong khi đó hàng ngoại nhập, nhờ vào lợi thế của TMĐT mà chi phí thuế dường như không phải là vấn đề đáng bận tâm”, ông Vinh nói.

 Quy định miễn thuế đối với các loại hàng hóa giá trị nhỏ đang là "lỗ hổng" khiến nguồn thu ngân sách bị thất thu thuế rất lớn. Ảnh minh họa: THU HÀ

Quy định miễn thuế đối với các loại hàng hóa giá trị nhỏ đang là "lỗ hổng" khiến nguồn thu ngân sách bị thất thu thuế rất lớn. Ảnh minh họa: THU HÀ

Tương tự, ông Bùi Đức Thiện, nhà sáng lập và điều hành Erosska, đơn vị chuyên sản xuất hàng giày dép, cũng cảm nhận được nhu cầu mua hàng giá rẻ của người dân rõ rệt hơn từ hai năm trở lại đây. Điều này thúc đẩy sự cạnh tranh cả trong nước và ngoài nước.

Dù vậy, theo ông Thiện, áp lực từ hàng ngoại, nhất là việc không phải đóng thuế với đơn hàng dưới 1 triệu đồng/đơn hàng, đang gây áp lực và không công bằng với doanh nghiệp nội địa. Trong khi cùng một mẫu sản phẩm, hàng ngoại nhập có thể rẻ hơn 30-50%, cộng với những lợi thế về chính sách, hàng giá rẻ ngoại nhập đang chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Nhiều quốc gia đã loại bỏ chính sách miễn thuế cho hàng hóa giá trị nhỏ nhằm đảm bảo công bằng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Thế nhưng, chính sách miễn thuế đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng đã tạo "lỗ hổng" dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế, xé nhỏ đơn hàng còn vài ba trăm nghìn để né thuế trục lợi, gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách.

Tại phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) mới đây, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Dù giá trị đơn hàng nhỏ, nhưng tổng số tiền mà các hàng hóa được miễn thuế này không nhỏ chút nào. Nếu không đưa hàng giá trị nhỏ này vào quản lý thuế, ngân sách nhà nước sẽ thất thu thuế một khoản tiền khá lớn.

Đại biểu Quốc hội dẫn chứng, theo số liệu của cơ quan Hải quan và Tổng công ty Bưu chính viễn thông, với sự phát triển của TMĐT, ước tính chúng ta có thể đạt 2 tỉ đơn hàng/năm. Với giá trị bình quân là 300.000 đồng/đơn hàng, tổng giá trị hàng nhập với đối tượng này khoảng 600.000 tỉ đồng/năm, nhưng thuế 0 đồng.

“Nếu áp thuế VAT mức 10%, số thuế phải nộp phát sinh khoảng 60.000 tỉ đồng (khoảng 2,5 tỉ USD). Như vậy có thể nói thất thu thuế một khoản rất lớn mỗi năm”, ông Thịnh phân tích.

Cần sửa đổi để tăng cạnh tranh công bằng

Theo chuyên gia thuế Trần Xoa, quy định miễn thuế đối với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng đã không còn phù hợp. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng để xé nhỏ các đơn hàng lớn, tránh nộp thuế nhập khẩu và VAT. Điều này khiến nguồn thu ngân sách bị thất thoát và tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Vì vậy Việt Nam nên xem xét bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, nhất là trong bối cảnh nguồn thu ngân sách đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều quốc gia đã loại bỏ chính sách miễn thuế cho hàng hóa giá trị nhỏ nhằm đảm bảo công bằng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu.

 Quy định miễn thuế đối với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng đã không còn phù hợp, khiến nguồn thu ngân sách bị thất thoát và tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Ảnh: HẠ QUYÊN

Quy định miễn thuế đối với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng đã không còn phù hợp, khiến nguồn thu ngân sách bị thất thoát và tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Ảnh: HẠ QUYÊN

“Người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận làn sóng TMĐT không chỉ là một cơ hội kinh tế mà còn là một bài toán quản lý phức tạp. Thời điểm để xem xét các chính sách miễn thuế đã đến, và điều này có thể đảm bảo tăng nguồn thu ngân sách và tăng tính cạnh tranh công bằng giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu”, chuyên gia Trần Xoa góp ý.

Ở góc độ sản xuất, ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập thương hiệu Midori, cho rằng thu thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng khi nhập khẩu qua các nền tảng TMĐT là rất cần thiết để tạo ra một sân chơi bình đẳng, tránh thất thu thuế.

“Đặc biệt, phải thu ở tất cả các nền tảng TMĐT Shopee, TikTok Shop, Lazada, các nền tảng mua hộ, các nền tảng xuyên biên giới như Temu, hay 1688… Khi đó mới có sự công bằng cho các doanh nghiệp nội địa. Cùng đó, tôi cho rằng cần có thêm các cơ chế chính sách riêng cho các TMĐT xuyên biên giới về thuế, hải quan, nhất là kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa ngoại nhập của các nhà bán hàng nước ngoài", ông Vinh góp ý.

 Nhiều ý kiến góp ý cần chính sách quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới, tránh thất thu thuế và đảm bảo công bằng đối với hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: THU HÀ

Nhiều ý kiến góp ý cần chính sách quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới, tránh thất thu thuế và đảm bảo công bằng đối với hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: THU HÀ

Đồng thời, ông Vinh cho rằng cần có cơ chế về vốn, chính sách thuế, ưu đãi hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nội địa, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế, đây là nhóm chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng

Nhằm đơn giản thủ tục hải quan và thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam áp dụng định mức miễn thuế là 1 triệu đồng (tương đương với khoảng 50 USD) cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động thương mại quốc tế đã có nhiều thay đổi.

Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, trong đó đã đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng. Nội dung này đã được xin ý kiến các tổ chức, cá nhân theo quy định, và đã được Bộ Tư pháp thẩm định và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

THU HÀ - QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/bai-2-cong-ty-viet-khoc-rong-truoc-su-do-bo-cua-hang-gia-tri-nho-duoc-mien-thue-post827994.html