Bài 2: Củng cố nội lực trên 'sân nhà'
Từ các kênh bán lẻ truyền thống như tại các chợ, cửa hàng tạp hóa đến những kênh bán hàng hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay những trang thương mại điện tử lớn trong nước, cuộc cạnh tranh giành thị phần của hàng Việt vẫn đang 'nóng' dần lên trước sức ép cạnh tranh của các sản phẩm ngoại nhập, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
* Nhiều thương hiệu lớn phát triển
Càng hội nhập sâu rộng, hàng hóa Việt Nam càng có nhiều lợi thế về xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hàng Việt cũng chịu sự cạnh tranh không nhỏ từ hàng ngoại nhập ngay ở thị trường nội địa.
Trên thực tế, có những thương hiệu hàng Việt đã vượt lên trở thành những tập đoàn lớn mạnh, khẳng định vị trí của mình trên “sân nhà”. Đơn cử, ở ngành hàng sữa, nhiều thương hiệu sữa Việt Nam như: Vinamilk, Nutifood, Lothamilk, TH True Milk vẫn chiếm được những vị thế nhất định trên thị trường.
Theo kết quả công bố của Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, có 604 DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2020. Trong đó, Đồng Nai có 28 DN đạt danh hiệu này, tương đương so với năm ngoái. Cụ thể, các DN ở Đồng Nai đạt danh hiệu lần này như: Công ty CP Lothamilk, Công ty CP Vinacafé Biên Hòa, Công ty TNHH MTV Động cơ - máy nông nghiệp Miền Nam, Công ty TNHH Nam Long...
Bà Chu Hải Yến, Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) cho hay, Lothamilk đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm gần đây. Bên cạnh đó, Lothamilk cũng từng vinh dự nhận được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập thông qua cuộc bình chọn của Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao. Điều này mở ra nhiều cơ hội để người tiêu dùng biết đến Lothamilk.
Trải qua hơn 20 năm phát triển, sản phẩm của Lothamilk luôn hướng tới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Lothamilk đã xây dựng được cho mình các vùng nguyên liệu ở Củ Chi (TP.HCM), Long An, Sóc Trăng, Lâm Đồng... theo các tiêu chuẩn, yêu cầu riêng về độ béo, độ khô, hàm lượng vi sinh... để giữ nguyên hương vị sản phẩm, đảm bảo sản phẩm sạch, tươi, giá cả phù hợp. Đồng thời, Lothamilk cũng đã hình thành các trạm thu mua, kiểm duyệt chất lượng đầu vào nghiêm ngặt dọc theo các vùng nguyên liệu.
Các nhóm sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao sản xuất trong nước được người tiêu dùng thường xuyên sử dụng như: đường Biên Hòa, bánh kẹo Bibica, bia Sài Gòn, may Việt Tiến, Vina Café… Một số loại mặt hàng đã được nhiều người tiêu dùng ở thành thị ưa chuộng hơn trước như: các sản phẩm đồ gia dụng; thực phẩm rau, quả; các sản phẩm dệt may; các sản phẩm điện tử, điện lạnh...
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) - DN đã 25 năm liên tiếp được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, công ty luôn chú trọng đến lộ trình chuẩn hóa chất lượng sản phẩm thông qua việc chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại theo các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ để cho ra những sản phẩm chất lượng, bao bì bắt mắt, giá cạnh tranh. Bên cạnh đó, công ty cũng hướng đến các tiêu chí về sản xuất xanh, bởi đây là yếu tố được người tiêu dùng ngày càng quan tâm, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa...
Tương tự, ở lĩnh vực thời trang, trong bối cảnh nhiều nhãn hàng thời trang quốc tế có mức giá trung bình như: Zara, Mango, H&M, Uniqlo... tràn vào thị trường trong nước, các nhãn hàng thời trang của Việt Nam như: Việt Tiến, An Phước, Biti’s, Owen, IVY Moda, Elise, Juno, Vascara, Hnoss, MARC... vẫn đang nỗ lực để tạo được vị thế với nhiều xu hướng, phân khúc mới nhắm vào các đối tượng như: giới trẻ, giới làm việc văn phòng…
* Cam go “cuộc chiến” về thị phần
Theo các chuyên gia, hàng hóa trong nước hiện gặp phải sự cạnh tranh gắt gao từ hàng hóa ở các nước trong khu vực, bởi hàng hóa của các nước ASEAN có nhiều chủng loại, thành phần nguyên liệu tương đồng với hàng Việt Nam nhưng lại có nhiều lợi thế so sánh hơn về chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phong phú và đặc biệt giá thành rất cạnh tranh như: ô tô, bánh kẹo, điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng…
Đơn cử, đường hiện đang là mặt hàng nhập khẩu không cần hạn ngạch đối với các nước ASEAN, đồng thời mức thuế nhập khẩu chỉ còn 5% và dự kiến giảm về 0% từ đầu năm 2020 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điều này càng khiến cho các loại đường trong nước có nguy cơ mất thị phần ngay trên “sân nhà” nếu như bài toán về giá thành chưa được giải quyết.
Trên thực tế, trong cuộc đua giữ thị phần trên sân nhà, nhiều DN nhỏ và vừa trong nước vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vốn, chuyển đổi công nghệ, vùng nguyên liệu… Hơn nữa, chi phí để quảng bá thương hiệu, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với lợi nhuận thu được cũng tạo ra bài toán khó về cân đối các khoản thu - chi đối với các DN nhỏ và vừa.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của DN nhỏ và vừa là việc đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật hiện đại. Nếu “chậm chân” trong việc chuyển đổi công nghệ thì khi bước vào sân chơi hội nhập, sòng phẳng về thuế quan, các DN nhỏ và vừa ở địa phương gặp khó khăn khi phải cạnh tranh về vùng nguyên liệu với các DN nước ngoài có nguồn vốn và công nghệ mạnh.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM nhận định, chi phí sản xuất cao do không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào khiến giá thành sản phẩm cao, mẫu mã chưa đa dạng, chưa làm tốt việc xây dựng thương hiệu… dẫn đến hàng hóa Việt sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam.
Theo đó, các DN nhỏ và vừa trong nước đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trong thời buổi hội nhập, đặc biệt các sản phẩm nông sản, chăn nuôi là những đối tượng dễ bị “tổn thương” trong quá trình hội nhập.
Ông Đào Văn Cường, đại diện Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa) cho biết, trong bối cảnh hội nhập, để cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu “đổ bộ” vào thị trường trong nước, công ty sẽ chuẩn bị kế hoạch phát triển dựa trên việc đảm bảo nguồn nguyên liệu, công nghệ chăn nuôi, giết mổ đáp ứng theo các chuẩn hội nhập, cũng như có phương án kết nối, ký hợp đồng ổn định các kênh tiêu thụ, phân phối…